Tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám Đốc Hãng luật TGS cho rằng, để tránh những rủi ro khi mua nhà đất, đặc biệt là tránh mua phải những dự án “ma” thì người dân cần tìm hiểu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan.
PV: Luật sư đánh giá như thế nào về tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp lập dự án bất động sản “ma” để lừa đảo khách hàng trong thời gian qua?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Hiện nay, dự án “ma” mọc lên như nấm và việc rao bán được công khai, có xu hướng ngày càng phát triển. Những dự án này xuất hiện nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng,… những nơi có nhu cầu đối với bất động sản tăng không ngừng.
Một điều đặc biệt là những lô đất thuộc quyền sở hữu cá nhân lập tức biến thành khu đất dự án đã được UBND phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà ở, pháp lý đầy đủ qua lời giới thiệu của chủ đất. Đây là thực trạng hết sức đáng báo động khi những hậu quả để lại là không thể lường được hết.
Những dự án “ma” vẫn đang tồn tại và thậm chí có xu hướng gia tăng là bởi vì vẫn có nhiều người còn thiếu thận trọng và là nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Cụ thể là bộ phận người dân không nắm bắt được pháp lý, “nhẹ dạ, cả tin”nghe theo lời tư vấn, giới thiệu “đường mật” của chủ đầu tư là “xuống tiền” mua ngay.
Mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo nhưng gần đây vẫn có rất nhiều người “mắc bẫy” các dự án “ma”. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Lý do người dân bị lừa có nhiều, trong đó, một bộ phận người dân không hiểu biết pháp luật, chỉ nghe những lời tư vấn, mời gọi đầu tư từ nhân viên bất động sản mà không trực tiếp tìm hiểu. Đồng thời, cũng phải kể đến chiêu trò lừa đảo của những chủ đầu tư dự án “ma” khi công ty có trụ sở là tòa cao ốc chọc trời, quy mô công ty và nhân viên được tổ chức hết sức chuyên nghiệp, cùng những hứa hẹn tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng.
Nhà đầu tư chọn bán “sang tay” ngay cho người khác để kiếm lời thay vì đầu tư dài hạn, có lẽ vì thế mà họ không thật sự quan tâm đến những vấn đề pháp lý mà chỉ cần lợi nhuận trước mắt. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư “ngã ngửa” khi mới bước chân vào đầu tư bất động sản.
Ngoài ra, phải kể đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ và kịp thời dẫn đến các dự án “ma” mọc lên từng ngày, cho đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng mới bắt tay vào cuộc.
Để ngăn chặn tình trạng này theo Luật sư thì ngành chức năng cần có những giải pháp gì?
- Tình trạng nhà đầu tư dựng lên vô vàn các dự án “ma” lừa đảo người dân với mục đích lợi nhuận không phải là hiện tượng xa lạ. Tuy nhiên, không dễ dàng để chấm dứt hiện tượng này ngay lập tức mà cần có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và sớm đưa ra biện pháp xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý đất đai và giám sát chặt chẽ hoạt động môi giới. Bên cạnh đó, việc phổ cập thông tin pháp luật đối với người dân trên từng địa bàn là vô cùng cần thiết.
Về phía người dân, để tránh những rủi ro khi mua nhà đất, đặc biệt là mua phải những dự án “ma” thì cần phải tìm hiểu thật kỹ về chủ đầu tư của dự án.
Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý của dự án như: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500; Quyết định giao đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ dự án; Giấy phép xây dựng, Thông báo bảo lãnh ngân hàng cho từng căn hộ… để người mua có thể kiểm tra được tính pháp lý của dự án có thật sự tồn tại hay không?
Đối với những khách hàng lỡ mua phải dự án “ma” thì nên báo ngay với cơ quan chức năng để sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động lừa đảo này.
Trân trọng cảm ơn ông!