Phấn đấu đến năm 2025, không còn tai nạn do bom mìn

H.Vũ 18/02/2022 00:16

Ngày 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên cán bộ Trung tâm hành động phòng, chống bom mìn tỉnh Quảng Trị.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, trước khi ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (năm 2010), mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước.

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000 ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.

Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân của bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom mìn sau chiến tranh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc để có được hòa bình như ngày hôm nay. Nhưng cho dù chiến tranh đã lùi xa, người Việt Nam được sống trong hòa bình thì hậu quả của những cuộc chiến ấy vẫn tồn tại.

Không chỉ để lại hậu quả nặng nề về con người, chiến tranh còn có sức tàn phá ghê gớm đối với môi trường, với chất độc hóa học, bom mìn đã rải xuống tất cả các khu vực, các vùng miền của Việt Nam, hủy hoại môi trường sống của con người và thiên nhiên. Mặc dù chiến tranh đã đi qua vài chục năm, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn, chất độc hóa học vẫn còn sót lại và ở khắp mọi nơi, kể cả thành thị và nông thôn, biên giới, hải đảo, đồng ruộng và sông ngòi.

Theo Thủ tướng, trong nhiều năm qua Việt Nam đã tích cực chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn, chất độc da cam nói riêng.

Việc ban hành Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh để lại.

“Sau 10 năm thực hiện Chương trình 504, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được một số kết quả quan trọng. Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, nhà nước, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh và biểu dương những thành công trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh hơn 10 năm qua, cũng như gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng.

Nhấn mạnh hiện nay, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, khoảng 5 triệu ha, chiếm hơn 17% diện tích đất đai cả nước, công việc nhiều, phức tạp, yêu cầu cao nhưng thời gian có hạn, nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn còn hạn chế, Thủ tướng chỉ rõ trong thời gian tới yêu cầu nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là rất nặng nề.

Do đó phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là kế hoạch sử dụng đất đai tại các địa phương, nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn làm sạch đất đai để tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.

Thủ tướng lưu ý, cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, cao cả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân là trên hết, trước hết, với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu chủ yếu. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm về lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn nhân lực, tài chính cho công tác này.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nhân văn.

H.Vũ