Làng xuất ngoại và nỗi niềm người ở lại
Lâu nay, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được gọi là “làng xuất ngoại” bởi nơi đây tỷ lệ lao động ra nước ngoài làm việc trong một xã dường như cao nhất cả nước. Người trẻ đi làm ăn xa, ở xã giờ chủ yếu còn lại người già và trẻ con. Xuất ngoại giúp đổi thay về kinh tế nhưng về mặt xã hội tồn tại nhiều vấn đề khiến người ở lại phải nghĩ suy.
Nở rộ “nghề chăm cháu”
Trước đây, người dân Cương Gián chủ yếu sống bằng nghề nông và ngư. Cái nghèo, cái đói cứ đeo bám người dân nơi đây. Nhưng, kể từ năm 1990 đến nay, thanh niên địa phương bắt đầu xuất ngoại sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Bộ mặt, đời sống người dân làng chài nghèo dần đổi thay. Cương Gián bây giờ mang dáng dấp của một phố thị đông đúc, nhà cửa, lối sống đều mang hơi hướng “kiểu Tây”.
Thêm một năm đón Tết thiếu vắng các con, đôi mắt ông Chu Quang Vinh (sinh năm 1950, thôn Tân Thượng) trở nên u buồn. Cả 4 người con (3 trai, 1 gái) của vợ chồng ông đều tha hương lập nghiệp.
Không chỉ con mà cả dâu, rể và cháu của ông đều đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Một người con trai của ông Vinh từng lao động ở Hàn Quốc nhưng bị tai nạn lao động, cụt 2 ngón tay nên làm được hơn 2 năm phải quay về, sau đó vào Nam làm nhân viên bảo vệ.
Nhớ lại ngày cháu nội mới được 1 tuổi đã phải xa bố mẹ, lòng ông Vinh như thắt lại. “Mấy chục năm nay, các con đi làm ăn xa, vợ chồng tôi chỉ ở nhà chăm cháu, vất vả không nói hết” - ông Vinh trải lòng.
Tết đến, người người sum vầy bên con cháu nhưng ở Cương Gián, hầu hết các hộ dân đều nhận lời chúc của con mình qua điện thoại, chúc Tết online. Trong số 172 hộ dân ở thôn Tân Thượng thì 100% hộ đều có người đi nước ngoài. Nhà ít có 1-2 người, nhà nhiều có tới vài ba chục.
“Không đi nước ngoài không biết làm gì mà ăn”, ông Chu Cửu, Bí thư chi bộ thôn Tân Thượng nói.
Hai vợ chồng ông Cửu gần chục năm nay làm “nghề chăm cháu”, 7 đứa cháu trưởng thành từ đôi tay ông bà để cho con yên tâm lao động ở nước ngoài. Ông Cửu kể, trong thôn, có nhiều nhà có con đi XKLĐ hơn 20 năm rồi chưa có một lần về thăm cha mẹ, họ nhớ con đứt ruột nhưng đành nén chịu.
Chuyện đi nước ngoài như một “cơn bão” dậy sóng ở vùng quê này. Khoảng chục năm nay, nhờ XKLĐ mà số người có nhà lầu, xe hơi ở Cương Gián tăng nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng của địa phương được đầu tư khang trang, bề thế.
Thế nhưng, đằng sau sự giàu sang ấy, nhiều hệ lụy cũng xảy ra từ việc XKLĐ. Ở Cương Gián giờ đây chỉ còn lại chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Bên trong những ngôi nhà cao tầng được dệt nên từ nguồn ngoại tệ lại chứa đựng nhiều nỗi buồn xen lẫn nước mắt.
Còn đó những nỗi niềm
Những đứa trẻ lớn lên trong ngôi nhà biệt thự tiền tỷ ở Cương Gián hầu như đều thiếu vắng tình yêu thương của bố mẹ. Việc chăm sóc, nuôi dạy con trẻ đều phụ thuộc vào ông bà. Để bù đắp cho con, các ông bố, bà mẹ xa quê không tiếc tiền khi mua sắm sữa ngoại, đồ chơi ngoại, đưa ngoại tệ về cho ông bà để lo cho con mình.
Tỷ lệ ly hôn ở “làng xuất ngoại” Cương Gián ngày càng tăng lên. Sau khi kết hôn, nếu một trong hai người ở nhà chờ đợi hàng chục năm, khoảng cách về thời gian và địa lý lâu ngày dẫn đến kết cục ly hôn. Theo thống kê của địa phương, trên địa bàn xã hiện nay có khoảng 200 cặp vợ chồng ly hôn.
Cá biệt, trong một gia đình có tới 3 cặp vợ chồng ly hôn. Đáng nói, việc ly hôn không chỉ xảy ra ở lớp trẻ mà cả những cặp vợ chồng trung tuổi, phần lớn họ đều có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về.
Không chỉ hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái thiệt thòi, nhiều người phải bỏ mạng nơi xứ người. Người dân Cương Gián từng “dậy sóng” khi cháu Nguyễn Huy H. (sinh năm 2004) bỏ mạng trong container khi trên đường sang Anh để đoàn tụ với bố mẹ.
Trái tim của nhiều ông bố, bà mẹ ở Cương Gián nhiều lần thổn thức, nhói đau khi nhận tin con mình bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông ở nơi đất khách quê người.
Sống trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, tiện nghi nhưng mỗi đêm ông N.V.T. (75 tuổi, xã Cương Gián) không thể yên giấc. Hàng ngày, ông gọi điện cho cậu con trai làm việc tại Hàn Quốc dặn dò con giữ gìn sức khỏe, tự lo cho bản thân, bảo vệ thân mình trước “bão dịch” Covid-19 và đề phòng với những hiểm họa khôn lường từ tai nạn lao động.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Lê Thị Sáu: Cương Gián đất chật người đông, tính quần cư cao. Dân số đông nhất toàn huyện với trên 15.000 dân, 3.800 hộ, trong đó có khoảng 2.700 lao động ở nước ngoài, chủ yếu là tại Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu... Trung bình mỗi lao động gửi về quê khoảng 600 - 700USD/tháng.
Mỗi năm, toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về lên đến hàng trăm tỷ đồng. “Chủ lực kinh tế của Cương Gián là XKLĐ, từ 1995 đến nay, thế mạnh của xã là xuất ngoại. Để tạo việc làm tại chỗ, xã đẩy mạnh dịch vụ thương mại, kinh doanh, dịch vụ và cơ giới hóa nông, ngư nghiệp để thu hút lao động” - bà Sáu cho hay.