Nhật Bản: Thị trấn cuối cùng ở Fukushima trở lại sau thảm họa hạt nhân
Trước khi thảm họa hạt nhân xảy ra, thị trấn Futaba từng là nơi sinh sống của khoảng 7.000 cư dân, nhưng sau 11 năm, giờ đây chỉ có 3 người quay trở lại.
Thị trấn trở lại
Cuối tháng trước, ông Yoichi Yatsuda đã ngủ tại nhà riêng của mình lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Là một cư dân của Futaba, một thị trấn chìm trong bóng tối sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, đã có lúc ông chỉ đơn giản ước mơ được trở lại ngôi nhà của mình, nhưng đó dường như là một giấc mơ không tưởng.
Người đàn ông 70 tuổi này là một trong số hàng chục nghìn cư dân buộc phải chạy trốn khỏi thị trấn và bắt đầu cuộc sống mới khi nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố ba lần vào tháng 3/2011.
Khi Nhật Bản quay cuồng sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 giết chết hơn 18.000 người và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau Chernobyl, Yatsuda và vợ của ông, Analisa, cùng 160.000 cư dân khác của tỉnh Fukushima đã thu dọn đồ đạc và rời đi với niềm tin rằng họ sẽ được trở lại trong vòng vài tuần.
“Nếu từ đầu họ nói với tôi rằng tôi sẽ phải đợi lâu như vậy để có thể trở về nhà, tôi sẽ từ bỏ ngay lập tức”, Yatsuda nhấn mạnh. Ông đã phải sống ở hơn 10 nơi kể từ khi thảm họa xảy ra.
Đến thời điểm hiện tại, vợ chồng ông đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống của họ ở Futaba, thị trấn cuối cùng trong số hàng chục thị trấn và ngôi làng đã chấm dứt tình trạng "đóng cửa" sau khi mức phóng xạ được cho là đủ thấp để người dân có thể quay trở lại sinh sống.
Họ vẫn thường xuyên ghé thăm ngôi nhà để sửa chữa và tân trang lại, nơi đã từng bị lợn rừng tấn công.
Chính quyền địa phương hy vọng sẽ có nhiều người dân trở lại thị trấn sau khi lệnh sơ tán chính thức được dỡ bỏ tại các khu vực vào cuối năm nay.
Hành trình trở nhà của Yatsuda buồn vui lẫn lộn. Trước khi thảm họa hạt nhân xảy ra, thị trấn Futaba là nơi sinh sống của khoảng 7.000 cư dân.
Chỉ có 15 cư dân nộp đơn đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm và cho đến nay chỉ có ba người, bao gồm cả Yasuda và vợ ông, đã chuyển về sống ổn định tại thị trấn này.
Nhiều người hàng xóm cũ của ông đã tìm được việc làm và xây dựng cuộc sống mới ở những nơi khác trong khu vực và trên khắp Nhật Bản.
Trong một cuộc thăm dò của cơ quan tái thiết, chỉ 10% cư dân của thị trấn Futaba cho biết họ muốn quay trở lại, trong khi 60% không có kế hoạch như vậy.
Những người có con nhỏ là những người miễn cưỡng nhất khi phải quay trở lại một thị trấn không có trường học, cửa hàng, nhà hàng, bệnh viện hay dịch vụ công cộng.
Nhiều người dân đã phá bỏ ngôi nhà của họ, khiến thị trấn chỉ còn lại những mảnh đất trống.
Vẫn luôn có những cư dân gắn bó
Người hàng xóm duy nhất của Yatsuda sống cách đó một quãng đường lái xe ngắn, đó là Yasushi Hosozawa, một người đàn ông sống trong căn phòng nhỏ phía trên bãi đậu xe và một kho chứa đầy những chiếc cần câu yêu quý.
“Tôi sinh ra ở đây và tôi luôn cảm thấy rằng nếu tôi có cơ hội quay trở lại, thì tôi ngay lập tức nắm lấy nó”, ông Hosozawa vui vẻ cho biết. “Tôi thích câu cá và con thuyền riêng của tôi luôn neo đậu ở đây… đó là một lý do quan trọng trong việc tôi quyết định quay trở lại”.
Người đàn ông 78 tuổi, từng là chủ quán cà phê và thợ sửa ống nước, đã trở lại vào cuối tháng trước và thấy rằng nguồn cấp nước của ông vẫn chưa được kết nối lại, đồng nghĩa với việc ông phải lái xe đến ga tàu để sử dụng nhà vệ sinh.
“Đã từng có rất nhiều người sinh sống ở đây”, ông nói, chỉ tay vào những đám cỏ nơi nhà hàng xóm của ông từng sống. “Nhưng hãy nhìn nó bây giờ xem… mọi thứ chỉ là một vùng đất hoang”.
Giống như nhiều người dân ở tỉnh Fukushima, ông Yatsuda không mấy tích cực khi nói về Tokyo Electric Power (Tepco), công ty vận hành nhà máy hạt nhân, nơi việc ngừng hoạt động dự kiến sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
“Tôi đã tin Tepco khi họ nói rằng điều gì đó giống như thảm họa năm 2011 không bao giờ có thể xảy ra”, ông nói. “Khi tôi trở lại Fukushima 40 năm trước, tôi được đảm bảo rằng đây là một nơi an toàn để sống”.
Trong khi không ai mong đợi cuộc sống ở thị trấn Futaba sẽ trở lại bình thường trước thảm họa, các quan chức địa phương lại tin rằng sẽ có nhiều người tái định cư hơn.
Thị trấn đã đặt mục tiêu thu hút khoảng 2.000 người dân, bao gồm cả cư dân mới, trong vòng 5 năm tới, và nhà ở công vụ mới cho 25 hộ gia đình sẽ được mở cửa vào tháng 10 năm nay.
“Rất ít người dân muốn trở lại, thật sự có thể nói thị trấn đã khôi phục sao?”, Yatsuda thắc mắc. “Vấn đề là mọi người không thể tận mắt nhìn thấy các dấu hiệu hồi phục của thị trấn. Trừ khi các nhà chức trách làm nhiều hơn nữa để tạo công ăn việc làm và thu hút cư dân mới”.