Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khảo sát tại Nam Định
Quá trình làm việc, Đoàn khảo sát và các cán bộ ở địa phương cùng nhìn nhận việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Chiều ngày 18/2, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Phó ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định nhằm khảo sát việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở Đảng bộ tỉnh này.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, 15 năm qua, kể từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị được ban hành (năm 2007), qua 3 nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn quán triệt, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết; nhìn nhận việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là yêu cầu, đồi hỏi của thực tiễn
Quá trình thực hiện, Đảng bộ tỉnh đảm bảo thực hiện đúng, nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng và chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân được vận hành trên cơ sở các quy định, quy chế.
Các cấp ủy Đảng ở địa phương đã thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền; các quyết sách lớn đều được thảo luận dân chủ, công khai; coi trọng việc xây dựng, ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết chuyên đề. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, chú trọng.
Đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân cấp ủy các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, một mặt thông qua việc ban hành các Thông tri chỉ đạo, một mặt thông qua quy chế họp giao ban định kỳ. Ủy ban MTTQ các cấp đều có sự tham gia của đại diện cấp ủy cùng cấp, qua đó đảm bảo cơ chế Đảng vừa tổ chức lãnh đạo Mặt trận vừa là tổ chức thành viên của Mặt trận.
Đối với các cơ quan tư pháp (Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) đảm bảo tinh thần không thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, có định hướng nhưng tôn trọng sự độc lập của các cơ quan này.
Về công tác cán bộ Nam Định có sự đổi mới nhưng bám sát quy định của Trung ương, không làm trái các quy định khung. Xuất phát từ đặc thù địa phương, trong các khóa 18, 19, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh có các Nghị quyết cụ thể về vấn đề này, trong đó có các quy định, tiêu chí cao hơn của Trung ương về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Liên quan đến việc phát hiện, sử dụng nhân tài, Nam Định áp dụng phương châm lựa chọn, tuyển dụng những cá nhân được đào tạo bài bản, chính quy; giao việc, thử thách qua thực tiễn từ đó có sự đánh giá, sàng lọc, bổ nhiệm…
Vừa qua, tỉnh đã tích cực thực hiện hiệu quả các nghị quyết 18, 19 về tinh giảm biên chế, sắp sếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đã giảm được được 12,61% biên chế; thu gọn nhiều đầu mối.
Hiện ở Nam Định mỗi xã mỗi cấp học chỉ có một trường học, mới đây cùng lúc Nam Định sáp nhập 7 trường nghề thành một, 3 đoàn nghệ thuật truyền thống thành một; tỉnh cũng vừa thực hiện xong việc sáp nhập các thôn xóm, tổ dân phố, qua đó giảm được hơn 40% số các thôn xóm, tổ dân phố.
Tại hội nghị, đoàn khải sát và các cán bộ ở địa phương đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, trao đổi nhiều vấn đề, khía cạnh liên quan đến công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.
Trong đó, có vấn đề phương thức lãnh đạo của của Trung ương đối với hoạt động của các Tỉnh ủy, Thành ủy hiện nay có vấn đề gì cần đổi mới không? Có phương thức nào không phù hợp với địa phương không? Ở địa phương có hay không việc Đảng làm thay chính quyền?
Xử lý vấn đề “Đảng ko quan tâm thì thành buông lỏng, quan tâm quá thì thành làm thay chính quyền” ra sao? Mô hình cán bộ kiêm nhiệm áp dụng thời gian qua hiệu quả ra sao, bất cập thế nào?
Tương tự như vậy là công tác luân chuyển cán bộ? Công tác phát hiện, sử dụng nhân tài?
Các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập hoạt động, vận hành ra sao, có những bất cập gì phát sinh? Sau tinh giản biên chế chất lượng cán bộ, hiệu quả hoạt động của bộ máy có được nâng lên?
Từ thực tiễn ở địa phương, từ vị trí công tác, nhiều thành viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã nêu một số kết quả, kinh nghiệm về công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập.
Tại hội nghị, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đề xuất, kiến nghị 3 nhóm vấn đề. Trong đó:
Đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về thẩm quyền, trách nhiệm giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ gắn với xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng với cơ quan của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Tăng cường phân cấp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các địa phương trên các lĩnh vực được phân cấp. Quy định đầy đủ việc thống nhất quản lý, tăng cường phân cấp về quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý ngành.
Đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ chuyên ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP, Nghị định 108/2020/NĐ-CP.
Ban hành hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đối với các cơ quan của Đảng và chính quyền sau khi sáp nhập; hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế công chức trong các cơ quan hành chính, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Phó ban Chỉ đạo Châu đánh giá, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã triển khai bài bản, nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, khóa 10; đánh giá thành tựu các mặt của Nam Định ngày nay, nhất là những thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục của Nam Định chính là kết quả từ việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, từ sự đoàn kết, đồng thuận.
Ông Lê Tiến Châu đồng thời đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn của các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy khi thảo luận, nhất là khi đề cập đến những vấn đề khó khăn, hạn chế, bất cập, vướng mắc.
Đồng thời ghi nhận những kinh nghiệm Nam Định đã đúc kết sau 15 năm thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tiếp thu những kiến nghị của tỉnh để đưa vào báo cáo tổng hợp gửi Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII).
Trước đó, trong sáng cùng ngày Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Nam Định cùng nội dung trên.