Xuất khẩu lấy lại đà tăng
Theo bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP HCM, thông tin từ các doanh nghiệp thành viên cho biết tín hiệu xuất khẩu khả quan ngay từ những ngày đầu năm mới. Dự báo, tình hình xuất khẩu trong năm 2022 sẽ có chuyển biến tốt hơn nhiều.
Trong những ngày đầu năm 2022, hơn 3.800 lao động của Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã bắt tay thực hiện đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU.
Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, năm 2022, ngành dệt may kỳ vọng đạt tăng trưởng cao từ 10-15% vì các DN đều có đơn hàng sản xuất đến hết quý 1, quý 2. Dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2022 vì DN khai thác tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại, đồng thời tiếp cận đa dạng khách hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TPHCM thông tin, xuất khẩu trở lại trong điều kiện bình thường mới với nhiều đơn hàng. Cơ hội cho DN gỗ trong năm nay vẫn là phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc...
Trong đó, thị trường Hoa Kỳ vẫn là thị trường chủ lực, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ. Vài năm tới thị trường Asean và Trung Quốc sẽ có sự chuyển hướng mạnh về mặt hàng đồ gỗ, thay vì hiện nay chỉ xuất khẩu gỗ dăm. Sắp tới, Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ sẽ tiếp tục kết nối giao thương với bạn hàng nhằm giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp thời gian qua khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, nhiều thị trường siết chặt hàng rào phi thuế quan, gia tăng bảo hộ trong nước... Tuy nhiên, DN đang cố gắng lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh nhờ các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang trên đà phát triển với nhiều điều kiện thuận lợi. Theo đó, 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thế giới. Kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi nhanh và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Công thương, sau hơn 1 năm thực thi các DN Việt Nam cũng đã tận dụng được cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3%. Đáng chú ý, với EVFTA, nhiều mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam vào EU như hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, chè, cao su… đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi. Dự kiến trong năm 2022, xuất khẩu cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỉ USD mỗi năm mà EU đang có.
Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TPHCM cho rằng: “Để xuất khẩu trong năm 2022 khả quan hơn, các DN cần tận dụng 15 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA và Hiệp định RCEP. Hải quan TPHCM có nhiều chương trình tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu để đẩy mạnh phát triển”.
Cũng theo ông Thiện, Chính phủ đã thực hiện mạnh mẽ các chính sách, pháp luật, quy định để khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu cũng dễ dàng hơn về thủ tục, hồ sơ…
Đơn cử, năm 2020 hàng xuất khẩu phân theo “luồng xanh” tại TPHCM chiếm hơn 70%. Bước sang năm 2021 tỷ lệ “luồng xanh” lên đến 80%. Điều đó cho thấy cơ quan Hải quan tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho DN xuất khẩu.
Với sự hậu thuẫn của các FTA, các chính sách, thủ tục thông thoáng… đã tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu. Thế nhưng, lo lắng lớn nhất hiện nay của các DN xuất khẩu chính là: giá cước vận tải biển tăng cao gấp nhiều lần, thời gian vận chuyển kéo dài, tình trạng thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở...