Thị trường không nghỉ Tết
Vừa qua xảy ra sự lộn xộn trong việc kinh doanh xăng dầu, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Trong khi doanh nghiệp xăng dầu rơi vào thua lỗ không dám nhập hàng, bán cầm chừng, thậm chí “găm hàng” chờ lên giá, thì người tiêu dùng lãnh đủ.
Theo quy định của Nghị định 95/2022 có hiệu lực từ ngày 2/1, một tháng sẽ có ba lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, mỗi lần cách nhau 10 ngày (ngày 1, 11 và 21 hàng tháng). Song, do “vướng” Tết Nhâm Dần nên kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu gần nhất bị chậm hơn so với quy định tới 10 ngày. Lẽ ra phải điều chỉnh giá vào ngày 1/2, nhưng vì rơi vào mùng 1 Tết nên cơ quan chức năng “chờ” đến ngày 11/2 mới thực hiện việc điều chỉnh.
Chính vì có sự nghỉ điều hành giá cả xăng dầu bán lẻ vì Tết đã khiến cho thị trường này trở nên bất ổn thời gian qua. Các cây xăng ở không ít tỉnh, thành phố trên cả nước đã treo biển hết xăng tạm ngừng bán hàng, khiến người tiêu dùng “thất điên bát đảo”. Ai cũng biết xăng dầu là nhiên liệu đầu vào, làm sao có thể thiếu nó trong sản xuất, kinh doanh đây?
Dĩ nhiên là trong số các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu treo biển tạm ngừng kinh doanh cũng có những nơi hết hàng thật sự, nhưng cũng một số nơi găm lại không bán đợi lên giá để trục lợi. Và ngành công thương từ Trung ương đến địa phương đã phải một phen “vất vả” đi thanh tra, kiểm tra, xác định nơi nào hết hàng, ở đâu găm hàng không bán để xử lý.
Không phải vô cớ mà Chính phủ phải ban hành nghị định hướng dẫn việc điều chỉnh giá xăng dầu tới 3 lần trong một tháng. Đó là để việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu có thể tiệm cận, theo sát hơn với thị trường. Song, chỉ vì các cơ quan có nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu còn phải nghỉ Tết đã gây ra sự lộn xộn không đáng có trong kinh doanh xăng dầu.
Nếu chỉ riêng thị trường xăng dầu nảy sinh bất ổn thì không nói làm gì. Nhưng vì sự lộn xộn đó mà làm bất ổn nền kinh tế, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân, khiến các doanh nghiệp lao đao trong sản xuất kinh doanh thì lại là chuyện khác. Thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội như thế ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
Dĩ nhiên là sẽ không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm rồi. Chưa kể việc điều hành giá xăng dầu là nhiệm vụ chung của hai ngành Công thương và Tài chính, chứ không phải trách nhiệm của riêng ngành nào. Chỉ nội lý do nghỉ Tết là chính đáng cũng khó có thể quy trách nhiệm cho ai được. Vậy nên doanh nghiệp và người dân chịu thiệt.
Ai biết liệu hiện tượng trên có còn tiếp tục tái diễn trong tương lai hay không, bởi trong một năm có không ít kỳ nghỉ lễ dài ngày. Nếu chẳng may kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lại rơi vào đúng vào ngày nghỉ (chẳng hạn như ngày Quốc tế lao động 1/5) thì đương nhiên sẽ phải 10 ngày sau liên ngành mới lại thực hiện nhiệm vụ được giao của họ.
Trong khi đó, thị trường xăng dầu, giao thông vận tải và nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác không hề “nghỉ tết” mà vẫn luôn sôi động từng giờ, từng phút. Việc giá bán lẻ xăng dầu không thể kịp thời cập nhật theo thị trường do “vướng” các kỳ nghỉ lễ, tết chính là bất cập mà các cơ quan chức năng cần sớm tham mưu cho Chính phủ để bổ sung quy định bịt lại “lỗ hổng” này. Nếu không sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế.
Để kết, xin dẫn lời của PGS.TS Ngô Trí Long (chuyên gia về thị trường giá): Việc điều hành giá xăng dầu thực tế vừa qua chưa linh hoạt, còn bất ổn. Trong bối cảnh thị trường có biến động về giá cả, cung cầu mà không điều chỉnh đúng chu kỳ cho phù hợp sẽ tác động tiêu cực đến thị trường, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia, tạo cú sốc cho nền kinh tế, gây ra những hệ lụy khôn lường.