Cẩn trọng hơn với cúm mùa
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến người dân mất cảnh giác với nhiều bệnh thường gặp theo mùa, trong đó có bệnh cúm mùa. Tuy nhiên theo các bác sĩ, đây cũng là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây trầm trọng hơn bệnh lý nền.
Nhiều biến chứng do cúm mùa gây ra
Cúm mùa không chỉ là bệnh lý đường hô hấp thông thường mà còn là tác nhân gây trầm trọng hơn các bệnh lý nền khác, như bệnh lý tim mạch (tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ), thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa với 3 -5 triệu ca nặng, trong đó có đến 650.000 ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương 1 phút có 1 người tử vong. Hầu hết trường hợp tử vong liên quan đến cúm xảy ra ở người cao tuổi (trên 65 tuổi).
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm Đào tạo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông tin: Ai và bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể nhiễm cúm và biến chứng do cúm mùa gây ra, cụ thể như tình trạng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng hơn các bệnh lý đang có ở trẻ em; góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể hồi phục trở lại đủ chức năng trước đó khi đã qua khỏi nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, cúm mùa có thể thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch.
“Đặc trưng của virus cúm là thay đổi rất nhanh. Do đó, để bảo sự tương thích giữa chủng virus cúm có trong vaccine và virus cúm lưu hành trong thực tế, thành phần của vaccine cúm sẽ được cập nhật hàng năm dựa trên khuyến cáo về công thức vaccine cúm của WHO”, BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cũng thông tin.
Tiêm phòng là giải pháp quan trọng
Theo PGS Cao Hữu Nghĩa: Số ca mắc cúm mùa trong giai đoạn dịch Covid-19 giảm đáng kể. Điều này nhờ biện pháp 5K, nguồn lực y tế dồn qua Covid-19 nên hoạt động giám sát cúm giảm. Tuy nhiên, người mắc cúm có bệnh nền sẽ diễn tiến nặng hơn, phụ nữ có thai dễ gặp các biến chứng. Hiện tượng đồng nhiễm cúm và Covid-19 có tồn tại.
Ngoài ra, PGS Nghĩa cho biết trong bệnh truyền nhiễm có thuyết ẩn/trội, nghĩa là khi một tác nhân virus nổi trội, các tác nhân khác sẽ tạm ẩn. Vì thế, có thể dự đoán cúm mùa sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu khi Covid-19 giảm xuống. Nguyên nhân là khi ít người tiếp xúc với virus đường hô hấp theo mùa, khả năng miễn dịch của quần thể giảm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng lên đáng kể.
“Trong thời điểm việc lưu hành virus cúm mùa thấp, người dân tiếp tục tiêm phòng cúm hàng năm vẫn là giải pháp quan trọng để tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, đề phòng đồng nhiễm cúm và Covid-19”, ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, theo ông Nghĩa, vaccine phòng Covid-19 không thể thay thế vaccine phòng cúm mùa. WHO và Bộ Y tế cũng chấp thuận việc tiêm đồng thời vaccine cúm mùa bất hoạt và vaccine phòng Covid-19 mà không cần giãn cách giữa 2 mũi tiêm.
Ông Nghĩa nói thêm với bệnh truyền nhiễm, virus chỉ bị khuất phục khi con người tìm được giải pháp phòng, chống phù hợp, khống chế chúng bằng công cụ y học. Do đó, các giải pháp phòng ngừa như chúng ta đã áp dụng với Covid-19 của giai đoạn trước (cách ly, khoanh vùng dập dịch, tách F0 khỏi cộng đồng) thực chất không mang lại hiệu quả cao.
“Biện pháp cốt yếu là sự thay đổi trong hành động của con người, tuân thủ 5K và không bỏ quên tất cả virus gây bệnh truyền nhiễm mà chúng ta đã có vaccine để phòng ngừa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine cúm hàng năm, đây là biện pháp hiệu quả đề phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều rủi ro và phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tiêm phòng cúm hàng năm vẫn rất quan trọng để đảm bảo khả năng miễn dịch quần thể, giúp giảm nguy cơ nhiễm cúm, từ đó giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19.
Ngoài ra, tiêm ngừa cúm cũng giúp giảm nguy cơ nhập viện do cúm, hạn chế quá tải hệ thống y tế vốn đang chịu nhiều áp lực từ Covid-19 và đồng thời cũng giúp giảm số ca tử vong và bệnh truyền nhiễm.