Lưu ý để hạn chế mắc các bệnh hô hấp
Theo các chuyên gia y tế, nghiên cứu và thực tiễn cho thấy virus và vi khuẩn là các tác nhân lớn để gây bệnh trong mùa mưa lạnh và con đường mũi họng là con đường xâm nhập dễ dàng nhất. Một số bệnh hô hấp do virus và vi khuẩn gây ra thường gặp là bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, nặng nữa là viêm phổi.
Chia sẻ với báo chí, TS.BS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết một số cách phòng bệnh chung cho các bệnh hô hấp. Trong đó, rửa tay bằng xà phòng và nước đúng, thường xuyên là một trong những cách đơn giản nhất và tốt nhất để tránh lây lan cảm cúm và các virus khác trong khi tiếp xúc. Trước khi chạm tay vào mắt, mũi hay miệng phải chắc chắn rằng bạn đã rửa hoặc vệ sinh bàn tay một cách cẩn thận, đặc biệt là sau khi bạn sờ tay vào vật bẩn. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối và giữ ấm cơ thể.
Theo BS Hải: Virus cúm lan truyền trong không khí tồn tại trong các giọt nước bọt khi ai đó hắt hơi hoặc ho. Bạn phải biết cách che mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho bằng khăn giấy hoặc ho và hắt hơi vào vị trí bên trong khuỷu tay của mình.
Ngoài ra, khuyến khích không chia sẻ đồ dùng và ly tách với người khác trong mùa mưa lạnh. Tiêm phòng vaccine cúm và viêm phổi trước khi bước vào mùa mưa lạnh để giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm virus và vi khuẩn hô hấp. Nên tránh các khói kích thích phổi như khói gỗ từ bếp ăn, dầu hỏa, nến thơm, hương và nguy hiểm nhất là khói thuốc lá trong các ngày không đi ra khỏi nhà do mưa lạnh. Các loại khói vừa nêu quanh quẩn trong nhà khi hít vào có thể làm nặng thêm bệnh hen suyễn và phổi tắc nghẽn mãn tính.
Biện pháp phòng bệnh nữa cần lưu ý là tập thể dục trong nhà: Có thể tập trong nhà, tốt nhất là duy trì đi bộ 30 phút/ngày trong nhà kín và ấm. Tập thể dục giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cơ thể trong những ngày trời lạnh và giúp chức năng hô hấp làm việc tốt. Bên cạnh đó là: Làm nóng người trước khi ra ngoài trời mưa lạnh; Ăn uống đủ chất và tránh mất nước…
Người bệnh cũng cần theo dõi sát các triệu chứng hen suyễn và phổi tắc nghẽn mãn tính: Nếu có các triệu chứng cảnh báo nguy cơ khó thở, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ đã tư vấn trước đó như sử dụng bơm xịt giãn phế quản chẳng hạn. Tự nhận biết các triệu chứng nặng để gọi ngay bác sĩ và nhập viện khi cần.