60% đường vành đai 4 ‘đi trên cao’: Liệu có hợp lý?

H.Vũ 19/02/2022 07:16

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đang được lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học. Dự án đường vành đai 4 nằm trên địa phận TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với dự kiến 60% tuyến đường sẽ “đi trên cao”. Phương án này liệu có hợp lý?

Dự án vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên.

Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027. Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

UBND TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là chủ đầu tư thực hiện hợp phần dự án số 1 (bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư); số 2 (xây dựng đường đô thị, đường song hành theo hình thức đầu tư công) trên địa phận của từng địa phương.

Đặc biệt, sân bay thứ 2 của vùng thủ đô Hà Nội dự kiến đặt tại phía Nam thủ đô, khu vực ngoài vành đai 4. Dự kiến thuộc về địa bàn các huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Sân bay được định hướng bám trục kết nối vành đai 4 với quốc lộ 1, gắn với cao tốc Bắc Nam và đường sắt tốc độ cao dọc tuyến Bắc Nam trong tương lai.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 sẽ tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ vùng thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm mà hiện nay đường vành đai 3 đang đảm nhiệm nhưng đã quá tải. Bên cạnh đó, các địa phương đều đồng tình chủ trương chung là “đi trên cao”. Tuy nhiên xây dựng đường trên cao sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, nên sau khi tính toán kỹ sẽ có khoảng 60% tuyến đường trên cao.

Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, “đi trên cao” là giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, nâng cao tốc độ của phương tiện, giảm tai nạn dù rằng “đi trên cao” đắt gấp 4-5 lần so với đi dưới đất. Ở các nước, những tuyến vành đai quan trọng thường được làm trên cao. Như Hàn Quốc và các quốc gia khác 60% đường tàu cao tốc là đường trên cao.

Tuy nhiên theo ông Thủy cần quan tâm đến hướng đi của vành đai 4 xem có hợp lý hay không? Và đó chính là công tác quy hoạch. “Nhiều khi chúng ta quan tâm tới chất lượng đường, đường rộng bao nhiêu? công nghệ gì? hơn là quy hoạch.

Nhưng thực tế quy hoạch cực kỳ quan trọng. Nghĩa là đi hướng nào và kết nối với cái gì. Một số cầu vượt nối với sân bay Tân Sơn Nhất chúng ta làm chưa đúng hướng nên làm xong ít người đi và ùn tắc của sân bay này vẫn tiếp tục. Do đó hiện đang làm thêm một đường khác nữa”-ông Thủy phân tích.

Ông Thủy cũng cho rằng, nếu có hướng tuyến tốt thì sẽ phát huy hiệu quả, tránh ùn tắc. Cho nên cần lưu ý các hướng tuyến của đường vành đai. “Còn 50 hay 60% “đi trên cao” là tùy quy hoạch. Ví dụ nếu làm nghiên cứu kỹ và công nghệ tối ưu có khi chỉ 30% nhưng vẫn hiệu quả bằng 60%. Nhưng nếu cần thiết thì cũng có thể 60-70% đi trên cao.

Do đó quan trọng là quy hoạch. Nếu quy hoạch tốt có thể giảm chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông Thủy nói và lưu ý khâu quy hoạch cần đi trước, là khâu quyết định đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng thiết kế trong vấn đề quy hoạch.

Còn theo quan điểm của Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự án đường vành đai 4 đã được định hướng vị trí trong quy hoạch. Vấn đề quan trọng là cần tăng cường khảo sát thực tiễn để đề xuất các phương án.

Ví dụ các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 do Hà Nội chủ trì thì từ định hướng quy hoạch cho đến thực tiễn đã có nhiều phương án để so sánh. Đường vành đai 3 đoạn qua Minh Khai lúc đầu giải phóng mặt bằng hết, nhưng thấy kinh phí quá lớn nên buộc phải “đi trên cao”.

Cho nên đường vành đai 4 cũng phải căn cứ vào thực tiễn, so sánh các phương án, và xem nguồn lực đầu tư huy động được bao nhiêu, lúc đó mới quyết định phương án. “Hiện bây giờ mới bắt đầu chuẩn bị kêu gọi đầu tư mà xác định bao nhiêu % trên cao, bao nhiêu % dưới thấp thì đó chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn”, ông Nghiêm cho hay và đề nghị: “Lựa chọn tổ chức tư vấn có năng lực nhưng phải lập Ủy ban thẩm định gồm: Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Việc thẩm định phải có chuyên gia và đại diện cộng đồng dân cư”.

H.Vũ