Cầu nối đưa nông sản ra thế giới

QUỐC ĐỊNH 19/02/2022 14:32

Nông nghiệp nước nhà đang từng bước chuyển mình theo hướng chuyên môn hóa cao. Để tiếp thêm lợi thế đó, thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) kiều bào đang tích cực có các hoạt động trong việc tạo “cầu nối” để hàng Việt tiếp cận được nhiều nước phát triển như châu Âu, châu Á…

Rau quả đang là ngành hàng có nhiều tiềm năng tiếp cận thị trường thế giới.

Lợi nhuận đang bị “chia năm, sẻ bảy”

Tại diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức, ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp Hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, nhiều năm qua, Hiệp hội cùng với DN, người Việt Nam tại Hàn Quốc luôn tích cực kết nối tiêu thụ hàng Việt. Đặc biệt là thúc đẩy vai trò “cầu nối” cho các hoạt động đầu tư nông nghiệp về Việt Nam, xuất khẩu nông sản đi Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những hoạt động đó mới đem lại một số thành công nhất định, nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng có được từ nước nhà. Đơn cử, hàng năm Hàn Quốc chi hàng chục tỷ USD cho cà phê nhưng đa số cà phê Việt Nam xuất sang Hàn Quốc chủ yếu dưới dạng thô, có giá trị thấp. Ông Linh đề xuất, cần tận dụng thế mạnh liên kết giữa DN hai nước trong thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc và các thị trường khác qua các cửa ngỏ của Hàn Quốc.

Trăn trở về giá trị sản phẩm nông nghiệp đang bị “chia năm, sẻ bảy”, ông Nguyễn Ngọc Luận - chủ thương hiệu Meet More Coffee, một Việt kiều Úc cho rằng, khi bị lệ thuộc vào một thị trường nào đó thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều giá trị của sản phẩm.

Ông Luận mong muốn Nhà nước cần kết hợp cùng với DN và người nông dân đưa ra chương trình nghiên cứu bài bản để tập trung đầu tư chế biến sâu và khác biệt nhằm tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu thị trường. Đồng thời cần xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn cho việc tuyên truyền người Việt tự hào sử dụng hàng Việt.

Còn theo ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, người Việt ở Đức khá đông, thống kê hiện có hơn 200 ngàn người đang làm việc và sinh sống. Đây là lực lượng tiêu thụ không nhỏ đối với hàng Việt. Bên cạnh đó, người Việt cũng có mối quan hệ với những DN và người dân nước sở tại. Do đó họ chính là “cầu nối” để hàng Việt thâm nhập đến thị trường Đức.

Ông Long cho rằng, nên nhìn nhận lại, xem thị trường những nước phát triển là thị trường đầy tiềm năng thay vì là “thị trường khó tính” để từ đó tiếp thêm động lực phấn đấu điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với quy định, thị hiếu người tiêu dùng nước họ.

“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là một cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm đúng chất lượng, mẫu mã đẹp, các DN trong nước cần tham gia vào chuỗi cung ứng của các nước sở tại để nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển bền vững", ông Long đề nghị.

Tận dụng tối đa khoa học công nghệ

Ở khía cạnh khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ông Nguyễn Quốc Sỹ, Viện sĩ hàn lâm Viện Khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga, nhấn mạnh, để đưa được sản phẩm của mình ra thế giới, trước hết phải đưa được khoa học công nghệ thế giới vào Việt Nam.

Theo đó, ông Sỹ giới thiệu phương pháp dùng khí ion, dùng lò phản ứng plasma để làm bất hoạt virus, đây là công nghệ không chỉ mới ở Việt Nam mà còn mới ở thế giới. Công nghệ này có tác dụng chống được nấm mốc, nấm men, bào tử nấm..., nhờ đó tăng thời lượng bảo quản nông sản lên nhiều lần. "Việt Nam đang bị thiệt thòi do thiếu công nghệ.

“Nguồn lực rất quan trọng là tri thức, cần kết nối mạnh hơn với kiều bào, và cả nguồn lực, mối quan hệ của kiều bào với các chuyên gia quốc tế để mang khoa học công nghệ về nước”, ông Sỹ nói.

Đề cập đến giải pháp nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê, ông Trần Hải Linh chia sẻ: "Chúng tôi tham gia nghiên cứu, trao đổi cùng Hội chuyên gia trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc; đối tác, các trường đại học, viện nghiên cứu… áp dụng một số kỹ thuật công nghệ vào trong quá trình sơ chế điều chế lại cà phê thô Việt Nam thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu Hàn Quốc. Bước đầu trong tháng 5 vừa qua đã đạt được kết quả khả quan. Hy vọng năm 2022 tiếp tục chương trình này với đối tác Hàn Quốc để cà phê Việt Nam sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn, mang lại giá trị hơn tại Hàn Quốc”.

Trong khi đó, TS Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu đề nghị, cần xây dựng một trung tâm dữ liệu chung để kiều bào và DN truy cập trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi.

Theo ông Huê, mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các DN trong nước hiện còn lỏng lẻo, khiến DN đánh mất nhiều cơ hội kinh doanh. Do đó, cần phát huy vai trò tổ chức, Hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, DN người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… để trao đổi thông tin.

Về phía các cơ quan quản lý, ông Huê cho rằng, nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để kiều bào và DN truy cập trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ.

QUỐC ĐỊNH