Những 'chuyến bay ma' nhộn nhịp trên bầu trời
Sau 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp châu lục, nhu cầu đi lại đã bắt đầu khôi phục, các biện pháp hạn chế tại sân bay đã dần được nới lỏng, nhưng những "chuyến bay ma" vẫn không ngừng "ám ảnh" trên bầu trời.
Những “chuyến bay ma" không ngừng cất cánh
Đây là những chuyến bay gần như trống rỗng, do lịch trình của các hãng hàng không phải thực hiện nghĩa vụ bay theo hợp đồng, theo trang tin CNN Travel.
Trên thực tế, hơn 100.000 "chuyến bay ma" phải bay trên bầu trời châu Âu vào mùa đông này, theo phân tích gần đây từ nhóm môi trường Greenpeace.
Giám đốc điều hành hãng máy bay lớn nhất của Đức Lufthansa, ông Carsten Spohr, cho biết Tập đoàn Lufthansa đang đối mặt với viễn cảnh có 18.000 chuyến bay thừa trong 6 tháng mùa đông để giữ chỗ tại sân bay theo quy định của châu Âu.
Lufthansa chiếm 17% lưu lượng hàng không của thị trường châu Âu. Thống kê cho thấy, biến thể Omicron khiến Lufthansa phải cắt giảm 33.000 chuyến bay trong mùa đông này.
Trong số 18.000 chuyến thực hiện để đáp ứng yêu cầu giữ chỗ có 3.000 chuyến hoàn toàn không có hành khách từ hãng hàng không Brussels.
Chuyến bay trống rỗng để... giữ “khoảng thời gian vàng"
Bất chấp nhu cầu thấp, Lufthansa Group Airlines vẫn phải khai thác các chuyến bay này để tiếp tục đảm bảo quyền cất cánh và hạ cánh tại các sân bay lớn của khu vực EU.
Ông Paul Steele của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết: "Máy bay cất cánh từ một nơi, nó có thể hạ cánh vào một thời điểm nhất định tại một điểm khác. Nếu vì lý do gì phải phân bổ lại vị trí ở một đầu của sân bay, nó sẽ tạo ra sự hỗn loạn ở đầu kia. Chúng tôi cần một hệ thống máy bay lên xuống hoạt động nhịp nhàng".
Các sân bay phải áp dụng nguyên tắc về việc các hãng máy bay phải đăng ký vị trí tại các sân bay trên toàn thế giới (WASG). Đây là nền tảng để quy trình phân bổ vị trí hoạt động của các hãng bay toàn cầu. IATA, Hội đồng Sân bay quốc tế và Nhóm điều phối viên sân bay toàn cầu đồng đưa ra nguyên tắc này, vì lợi ích của các hãng hàng không, sân bay và người tiêu dùng.
Nếu vì lý do gì phải ngừng bay, việc lập lại kế hoạch bay đến và đi tại tất cả những sân bay trên thế giới sau mỗi 6 tháng sẽ quá phức tạp. Vì vậy có một quy tắc nêu rõ rằng nếu một hãng hàng không sử dụng không hiệu quả vị trí của mình ít nhất 80% thời gian, hãng không được phép giữ lại vị trí tại sân bay vào mùa tiếp theo.
Các slot giữ chỗ tăng giá kỷ lục
Ở Anh, sân bay Heathrow có công suất máy bay lên xuống hạn chế, đã đẩy giá của các slot (giữ vị trí ở sân bay) lên cao ngất ngưởng.
Một cặp slot vào buổi sáng sớm trị giá khoảng 19 triệu USD, giảm xuống còn 13 triệu USD vào buổi trưa và 6 triệu USD vào buổi tối, theo báo cáo tóm tắt của Hạ viện Anh.
Kỷ lục mà các hãng hàng không đã giao dịch các chỗ trống này bao gồm trường hợp của Oman Air, đã trả 75 triệu USD cho một cặp chỗ cất cánh và hạ cánh tại sân bay Heathrow vào đầu năm 2016.
Vào tháng 3/2017, SAS Scandinavian Airlines đã bán hai cặp chỗ trống tại sân bay Heathrow cho American Airlines với giá 75 triệu USD.
Nới lỏng nguyên tắc giữ chỗ, "chuyến bay ma" vẫn tiếp diễn
Hai năm trước, khi tác động ban đầu của Covid-19 tàn phá mạng lưới hàng không, quy tắc 80% thời gian sử dụng sân bay đã được nới lỏng.
Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã từ bỏ tỉ lệ thời gian hãng bay phải sử dụng chỗ trống. Ở châu Âu, trong giai đoạn mùa đông 2021 - 2022 hiện tại, ngưỡng "sử dụng hoặc mất vị trí" tại sân bay đã được hạ xuống 50%. .
Trong khi đó, ACI Europe, hiệp hội chuyên nghiệp của các nhà khai thác sân bay, đại diện cho hơn 500 sân bay ở 55 quốc gia, đã bày tỏ sự thất vọng trước sự leo thang của ngành công nghiệp hàng không và những luận điệu chính trị xung quanh các "chuyến bay ma". Người ta cũng nghi ngờ lý do của các hãng hàng không lớn cho rằng các "chuyến bay ma" là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, bác bỏ cáo buộc của các hãng hàng không, ông Stefan De Keersmaecker, phát ngôn viên cao cấp Ủy ban châu Âu khẳng định, quy định của EU không bắt buộc các hãng hàng không phải thực hiện những "chuyến bay ma".
Việc khai thác tuyến bay là quyết định của từng hãng và không phải hệ lụy do quy tắc đề ra. Ngược lại châu Âu cũng đang có biện pháp nhằm tránh những chuyến bay trống, gây hại cho kinh tế, môi trường.
Trong khi đó, Hội đồng sân bay Quốc tế (ACI) cũng bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm của Ủy ban châu Âu.
Ông Olivier Jankovec Tổng giám đốc ACI Châu Âu cho biết: “Các yếu tố tải trọng thấp là một thực tế trong đại dịch, nhưng việc duy trì kết nối hàng không rất quan trọng đối với cả nhu cầu kinh tế và xã hội. Do đó, cân bằng khả năng thương mại bên cạnh duy trì kết nối là một nhiệm vụ tế nhị”.