Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tuy Phước (Bình Định) đã chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM.
Chia sẻ về kết quả này, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, luôn xác định phương châm hướng đến kết quả thực chất; cốt lõi là tâm huyết của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung tay của người dân. Thực hiện phương châm đó, nhiều hướng đi táo bạo được triển khai đã mang lại hiệu quả lớn trong thực tế.
Cũng theo ông Hùng, quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện Tuy Phước đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, để vượt qua, huyện Tuy Phước đã phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, xác định đúng phương pháp, lựa chọn đúng nội dung, khâu đột phá.
Nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã được áp dụng hiệu quả. Đồng thời, đã phát huy các tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Đặc biệt, đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong huyện.
“Chúng tôi xác định rõ, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thường xuyên và liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững”, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, sẽ chú trọng phát huy sức mạnh sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về nhiệm vụ xây dựng NTM bền vững, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Đồng thời, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí; triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, phải chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm nhằm tăng thu nhập của người dân.
Cùng với đó là thường xuyên phát động phong trào vệ sinh môi trường tại các xã, thị trấn, thôn, xóm, khu dân cư. Đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, trồng hoa tại các khu vực công cộng, công sở để tạo cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng văn minh, xanh, sạch, đẹp…