Học sinh là F0: Không hoang mang
Trong những ngày qua, số lượng học sinh bị mắc Covid-19 (F0) tăng cao, một số em phải nhập viện điều trị. Điều này khiến nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng một khi học sinh trở lại trường.
1.Hà Nội được đánh giá là địa phương “rất thận trọng” khi quyết định cho học sinh trở lại trường. Sự thận trọng không chỉ thể hiện ở vấn đề thời điểm, mà ngành giáo dục Thủ đô đã tiến hành từng bước để rút kinh nghiệm. Ngay cả khi quyết định cho học sinh tiểu học và lớp 6 trở lại trường học trực tiếp, Hà Nội cũng chia thành 2 đợt. Đợt đầu từ ngày 10/2 cho học sinh các huyện và thị xã ở ngoại thành. Đợt hai, dự kiến từ ngày 21/2 gồm tất cả các quận nội thành.
Tuy nhiên, vào chiều ngày 18/2, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất trong ngày của Sở GDĐT Hà Nội hoãn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành trở lại trường vào thứ hai tới (21/2). Sự thay đổi này căn cứ vào tính chất phức tạp của dịch tại Hà Nội, nhiều phụ huynh hoang mang, không yên tâm cho con trở lại trường.
Thực tế cho thấy, số ca F0 trong giáo viên và học sinh trên địa bàn Thủ đô tăng cao trong mấy ngày vừa qua. Chị Phan Thu Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái học lớp 4 cho biết, mấy hôm nay đi làm về chị đều được con thông báo là lớp có bạn bị F0. “Lớp con hiện vẫn học trực tuyến, nhưng khi nghe con nói lớp có nhiều bạn bị F0 tôi cũng rất lo lắng”, chị Giang bày tỏ
Trong nhiều nhóm phụ huynh trên mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục học trực tuyến đến hết năm học này. “Theo dõi diễn biến dịch tễ của Hà Nội mỗi ngày có đến gần 4.000 ca F0 tôi khá lo. Mặc dù việc được đến trường học tập là tốt hơn học online nhưng khi Hà Nội xuất hiện nhiều F0, trong đó có nhiều trẻ em, thì không nên quá vội để quyết cho con tới trường”, anh Bùi Tuấn Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ.
2. Nhìn rộng ra các địa phương khác khi học sinh trở lại trường học trực tiếp cũng luôn phải đối diện với tình trạng giáo viên và học sinh mắc Covid-19. Mới đây, khi kiểm tra tại 9 tỉnh/thành phố sau Tết Nguyên đán, Bộ GDĐT đã đưa ra kết quả: khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh gồm: Hải Phòng 9.649 ca (chiếm 1,76%), Hà Tĩnh 675 ca (chiếm 0,24%), Nghệ An 298 ca (chiếm 0,08%), Thanh Hóa: 2.359 ca...
Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Sự lúng túng trong xử lý các tình huống phát sinh cũng chưa có sự thống nhất. Có nơi việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp…
3.Trở lại câu chuyện phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội băn khoăn, lo lắng khi cho con đến trường học trực tiếp là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và giáo dục đều cho rằng, phụ huynh không nên quá lo lắng dẫn tới hoang mang. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông thường trẻ khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám.
Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa oxy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa oxy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…
Một trong những lưu ý khi học sinh trở lại trường mà bị mắc Covid-19 đó là tránh tình trạng xa lánh, kỳ thị. Đây là yêu cầu đã được Bộ GDĐT đặt ra trong công điện gửi giám đốc các Sở GDĐT. Theo đó, các trường tuyệt đối không để xảy ra kỳ thị đối với học sinh là F0. Hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.