Khi phụ nữ lặn biển
Với hầu hết phụ nữ, những bãi biển có bờ cát trải dài, làn nước trong xanh vời vợi, những đọn sóng nhấp nhô là thế giới tuyệt vời để thư giãn, vui đùa và chụp hình trong các kỳ nghỉ. Nhưng với chị Nguyễn Thị Thúy, 34 tuổi, ngụ tại xã Bình An (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) biển là nơi mưu sinh, là bữa cơm của những đứa con nhỏ và hiểm nguy tiềm ẩn chực chờ. Biển của chị cũng nằm dưới sâu thẳm đáy đại dương, nơi những con dòm, vẹm, cua đá, ốc hoàng đế hay cá mao ếch trú ngụ.
1.Tôi từng theo nhiều ghe tàu của ngư dân khai thác hải sản lênh đênh trên biển. Và trong tất cả các nghề mưu sinh giữa đại dương mênh mông này, nghề lặn là nhọc nhằn, gian khổ. Thậm chí dưới đó, con người còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Vì thế, ngay cả với đàn ông, nghề lặn biển cũng rất kén người.
Trước khi vào nghề, hầu hết đều phải là người khỏe mạnh, có sức dẻo dai, có nhiều khả năng phối hợp cũng như được tập luyện, chỉ dẫn của những thợ lặn đi trước. Anh Bảy, chủ một ghe lặn biển ở cảng Ba Hòn (thị trấn Kiên Lương), người thân quen với tôi tâm sự rằng hầu hết người quá 50 tuổi sẽ không thể theo đuổi nghề lặn biển vì nhiều lý do khác nhau. Đó là lý do tôi vô cùng bất ngờ khi gặp chị Thúy, một ngư dân lặn biển mà nhiều người nói đùa rằng “giỏi hơn cả chồng mình”.
Chị Thúy kể duyên nợ với nghề lặn biển của chị cũng hết sức tình cờ. Chị quê dưới mạn U Minh (Cà Mau) nhưng lấy chồng và chuyển về vùng Kiên Lương này sinh sống. Chồng chị sinh ra và lớn lên cùng biển cả. Anh mưu sinh đủ thứ nghề gắn với biển. Nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình nhỏ của anh chị. Ở trên bờ, trước khi cùng chồng đi lặn biển, chị cũng làm thuê làm mướn cho các bãi nghêu, phân loại cá cua ghẹ cho chủ ghe khi tàu cập cảng... Rồi sau đó chị nhận nấu cơm nước cho chủ ghe lặn biển này.
“Chủ ghe là chú Sáu cùng xóm em. Mỗi sáng chú cùng 7 - 8 người nữa, trong đó có chồng em chạy ra những đảo ven vịnh Cây Dương, vịnh Ba Hòn để lặn biển. Em theo ghe phụ nấu cơm nước, phân loại cá ốc cua. Sau thấy mấy ảnh lặn cũng dễ nên nhờ chồng dạy lặn. Ban đầu ảnh không chịu, nói lặn nguy hiểm lắm. Mà xưa nay đâu thấy phụ nữ lặn biển bao giờ. Ai ngờ em lặn cũng ổn vì mình sinh ra từ bé đã quen với sông nước rồi. Mới hơn 3 năm gắn bó với nghề lặn mà em thấy quen lắm rồi. Giờ đi dưới đáy biển như đi chợ vậy”, chị Thúy chia sẻ.
Khi mặt trời lên, ánh nắng rọi xuống nước là công việc của người thợ lặn bắt đầu. Nhưng trước đó họ phải chạy ghe từ nhà ra những hòn đảo này với khoảng cách từ 5 tới 15 hải lý. Nếu mùa mưa hay trời tối, họ sẽ buộc phải dừng công việc của mình vì rất khó quan sát dưới đáy biển để săn bắt.
“Mình lặn ven những vách đá, mỏm đá nhỏ quanh đảo để tìm ốc hoàng đế, dòm, vẹm hay cá mao ếch... Nói chung thấy con gì bắt con đó. Nước biển ở đây có chỗ sâu 4-5 sải, có chỗ sâu 7-8 sải (mỗi sải khoảng 1,5 mét) tùy theo. Mà càng sâu thì càng nhiều hải sản nhưng phải là người có sức khỏe mới xuống được. Em là đàn bà con gái chỉ lặn ven đảo chừng vài sải thôi. Xuống sâu quá nước nó lại đẩy mình lên”, chị Thúy chia sẻ thêm.
Cũng theo người phụ nữ này, hầu hết nhóm thợ lặn đây là hàng xóm hay họ hàng, quen biết với nhau. Mọi người đi chung ghe của ông Sáu để tiết kiệm nhiên liệu và cũng bởi hầu hết đều là người nghèo, không có ghe riêng. “Nghề lặn nay đây mai đó. Quanh mấy vịnh này bán kính vài chục hải lý chỗ nào cũng đi hết nên phải ghe lớn. Ghe nhỏ đi không lại.
Có đợt còn ra tới gần đảo Phú Quốc lặn nữa. Tui là chủ ghe nhưng cũng lặn như mấy người thôi. Có điều mình bỏ tiền dầu, tiền mua ghe, tiền cơm nước nên anh em họ trích lại 3-7 phụ với mình. Họ có chén cơm thì mình cũng có chén cháo. Ngày trẻ tôi cũng lặn dữ lắm. Nhưng giờ già rồi, lặn phụ thêm cho đỡ nhớ biển mà thôi”, ông Sáu- chủ ghe tâm sự.
2.Nghề lặn bấp bênh, chỉ có thể theo đuổi một thời gian ngắn ngay cả khi không gặp tai nạn bất thường nào. Trước mỗi ca lặn, chị Thúy có khoảng 10 phút để chuẩn bị. Đầu tiên là mấy dây chì quấn quanh bụng để giữ cơ thể chìm dưới đáy biển.
Tiếp đó là mắt kính che mặt và quan trọng nhất là dây ô xy nối với một chiếc bình ắc quy. Dây và bình có chiều dài khoảng 30 mét được gắn vào người bằng sợi dây song song khác để cung cấp ô xy và theo người. Cuối cùng chị quàng thêm một chiếc túi trước ngực để bỏ những thứ bắt được vào đó. Khi lặn dưới biển, chị di chuyển và dùng đôi tay chỉ có chiếc găng để săn bắt. Tất nhiên, rất nhiều nguy hiểm và tai nạn mà những người thợ lặn phải đối mặt.
“Nghề lặn nguy hiểm lắm. Vợ chồng em cố mấy năm nữa cho tụi nhỏ học xong rồi vay mượn mua chiếc ghe vỏ đi vớt mực cho đỡ cực. Chứ sao mà ở dưới biển mãi được. Người chứ có phải cá đâu. Hồi mới lặn, chân em bị xước chảy máu hoài. Rồi bị khớp tay nữa. Mình ở dưới nước sâu nên cơ thể lạnh rất nhanh, nếu không ngoi lên kịp thì các khớp chân tay không cử động được”, chị Thúy giãi bày.
Thông thường mỗi ca lặn kéo dài từ 30 - 60 phút, tùy theo sức khỏe hay số lượng đánh bắt được. Chờ đợi một lúc lâu, chúng tôi thấy chị Thúy ngoi lên ghe lại và chiếc túi trước ngực chỉ vài con dòm, con ốc mặt trăng. Vừa thở dài, chị vừa bảo: “Vùng biển này mấy năm trước nhiều cua ốc lắm. Cá mao ếch cũng nhiều, mỗi ký bán 150 nghìn đồng nên lặn cũng dễ sống. Gần đây mấy ghe cào gắn máy phát điện khiến cá tôm cua ghẹ mực gì cũng chạy hết trơn. Phần vì bị cào, phần vì điện giật làm chúng sợ bỏ đi nơi khác hết cả. Ai cũng biết dùng ghe điện cào là hủy hoại nguồn sống nhưng họ có ghe lớn, họ chạy được nhiều nơi. Chỗ này cạn kiệt thì họ đi chỗ khác. Mình nghề lặn sao ra ngoài ra mà đánh bắt được. Giờ mỗi ngày vợ chồng em chỉ được 400-500 nghìn đồng. Có hôm còn không được”.
Trên vùng biển Kiên Lương rộng lớn này có nhiều cụm đảo, với chiều sâu nước biển không quá lớn là thế giới không thể tốt hơn của những người thợ lặn. Nhiều người lần đầu tới vùng biển này, thấy những ghe trống trơn neo đậu và những chiếc bình ắc quy nằm rải rác trên những thùng xốp mà không biết đó là cuộc sống của những thợ lặn. Một ngày dài, họ ở dưới biển nhiều gấp 10 thời gian trên ghe. Ngoài ra, do không tốn kém tiền bạc mua ngư cụ nên rất nhiều người theo đuổi nghề lặn.
Cũng như các ngư dân khác, chị Thúy và nhóm lặn của mình chỉ mưu sinh được hơn một nửa thời gian trong năm. Mùa sóng gió gần như phải ở nhà hay kiếm việc khác làm thuê. Bởi chỉ những ai đi biển mới hiểu, sóng trên mặt nước một thì sóng ngầm dưới đáy biển dữ dội gấp 2-3 lần. Nó đủ sức nhấn chìm cả sinh kế và những thợ lặn nhỏ nhoi trong đó có người phụ nữ kia. Bởi từ bao đời nay, biển hào phóng nhưng cũng nguy hiểm khôn lường.