Tiềm ẩn trầm cảm sau sinh
Mới đây liên tiếp xảy ra 2 vụ việc đau lòng “mẹ sát hại con rồi tự tử” ở TP HCM và Hà Tĩnh. Nguyên nhân ban đầu được cho là do người mẹ bị trầm cảm sau sinh. Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm sau sinh thường xảy ra vài ngày hoặc vài tháng sau khi phụ nữ sinh con. Đáng ngại, chứng trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển trí tuệ, cảm xúc, thể chất của trẻ nhỏ.
Biểu hiện
Theo các chuyên gia y tế, không ít phụ nữ sau sinh con cảm thấy mình không còn là mình, thiếu tự do, khó chịu, chán nản... Đó là những biểu hiện của hội chứng “trầm cảm sau sinh”. Một số phụ nữ mắc chứng trầm cảm vì cảm thấy mình ít được quan tâm.
Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ một ngày mùng 5 Tết Nhâm Dần xảy ra hai vụ việc đau lòng ở TP HCM và Hà Tĩnh: mẹ giết con, cả hai vụ việc đều bắt nguồn từ việc người mẹ bị trầm cảm sau sinh. Vụ việc đầu tiên được phát hiện khi anh L.Q.B (31 tuổi, quê Sóc Trăng) phát hiện vợ mình tử vong trong tư thế treo cổ ngay tại phòng trọ (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM).
Sau đó, anh phát hiện con gái 7 tháng tuổi tử vong trong máy giặt. Được biết, trước khi xảy ra vụ việc, vợ anh có dấu hiệu trầm cảm. Cùng ngày, tại tỉnh Hà Tĩnh, bé trai 2 tháng tuổi được phát hiện tử vong tại nhà, tiếp đó phát hiện người mẹ trong tình trạng hoảng loạn, có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP HCM), hai vụ việc trên không phải lần đầu tiên xảy ra, trước đó không ít trường hợp tương tự đã được phát hiện. Nguyên nhân là do căn bệnh trầm cảm sau sinh.
Thống kê trên thế giới cho thấy tỉ lệ trầm cảm sau sinh là khoảng 10-20%, ở Việt Nam ghi nhận lên tới 33%. Trầm cảm sau sinh hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay vẫn có nhiều người xem nhẹ chứng trầm cảm sau sinh con, chỉ đến khi bản thân thật sự trải qua thì mới hiểu căn bệnh này có sức ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe và cuộc sống.
Theo đó, đối với bản thân người mẹ, trầm cảm sau sinh con có thể khiến mẹ bị suy dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược thần kinh, có những suy nghĩ hoang tưởng và dễ dẫn đến hành vi nguy hiểm, tự gây hại cho bản thân. Mắc chứng trầm cảm sau sinh con thì người mẹ sẽ không có đủ tâm trí để chăm sóc cho gia đình và đứa con. Đặc biệt, khi trầm cảm nặng thì người mẹ thường hay có suy nghĩ tự tử, một số người bị rối loạn tâm thần và luôn có cảm giác bị hại nên luôn tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con.
“Hung thủ” thầm lặng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Trong đó, trầm cảm sau sinh ngày càng được ghi nhận ở nhiều phụ nữ và là “hung thủ” khó nhận biết.
BS chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, hiện tại vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến trầm cảm sau sinh. Sự tụt giảm đột ngột hormone sinh dục oestrogen và progesterone được cho là một trong những nguyên nhân khiến xuất hiện tình trạng này. Theo Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (APA), trầm cảm sau sinh thường xuất hiện trong vòng 4 tuần sau sinh. Tỉ lệ dao động từ 8-15%, tùy theo thống kê tại các quốc gia khác nhau.
Các mức độ trầm cảm khá đa dạng dưới nhiều biểu hiện như thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt. Đây là một dạng trầm cảm sau sinh nhẹ và thoáng qua, thường chỉ kéo dài 1-2 tuần (đa số bà mẹ tự vượt qua). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trầm cảm ở mức độ nặng hơn cần phải có sự can thiệp về y khoa từ tư vấn tâm lý đến dùng thuốc chống trầm cảm. Có trường hợp trầm cảm sau sinh tiềm ẩn từ thời kỳ mang thai.
Về dấu hiệu có thể nhận biết sớm trầm cảm sau sinh, BS Huỳnh Thanh Hiển cho hay: Cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ, buồn bã cả ngày; cảm giác khó thở như bị đè chặt, lo lắng quá mức với các biểu hiện bất an, giảm trí nhớ, kém tập trung; hay khóc với những lý do nhỏ nhặt, rối loạn giấc ngủ; chán ăn, cảm giác kiệt sức. “Nếu có từ 3-5 triệu chứng như đã nêu trở lên thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay”, BS Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo BS Huỳnh Thanh Hiển, một số nguy cơ khác có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh là có tiền sử bị trầm cảm; bị biến cố tâm lý trước ngày sinh (mất người thân, mất việc làm, bạo hành gia đình…); có tiền sử lạm dụng rượu hoặc ma túy. Các yếu tố thúc đẩy trầm cảm bao gồm những khó khăn về kinh tế, có thai ngoài ý muốn, mang thai và sinh con không có thân nhân, bạn bè.
Còn theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng TP HCM) bất cứ phụ nữ nào sau sinh cũng có thể rơi vào tình trạng “trầm buồn thoáng qua sau sinh”. Tình trạng này thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày (tối đa lên đến 2 tuần) với những khó khăn về cảm xúc buồn rầu, chán nản, suy nghĩ tiêu cực ở mức độ nhẹ.
Tuy nhiên, một bà mẹ có tình trạng trầm cảm sau sinh với triệu chứng trầm cảm kéo dài trên 2 tuần sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Những bà mẹ này có thể có khí sắc trầm buồn, cảm thấy bất lực, chán nản, tuyệt vọng, mất ngủ, cảm thấy không có khả năng làm mẹ kèm theo các ý tưởng, hành động tự gây hại bản thân và con mình. Nghiêm trọng nhất là các hành vi tự sát và sát hại con.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trầm cảm là một thể rối loạn tâm thần chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cùng với sự tuân thủ phác đồ điều trị từ phía người bệnh, gia đình. Tuy nhiên, trên thế giới, hơn 2/3 số người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Điều này khiến quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn.