Lạc quan nhưng không chủ quan

THẾ TUẤN 20/02/2022 06:20

Hàng loạt tuyên bố và động thái từ châu Âu và Bắc Mỹ mới đây khiến không ít người cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng Omicron đã qua. Giới chức y tế Thụy Điển tuyên bố đại dịch Covid-19 đã kết thúc tại quốc gia Bắc Âu này. Trong khi đó, Đan Mạch, Na Uy thông báo dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại. Anh, Hà Lan cũng có kế hoạch tương tự vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, Covid-19 vẫn tồn tại như một mối đe dọa.

Người dân London (Anh) chờ ngày chính thức tuyên bố đại dịch chấm dứt. Ảnh: The Times.

Vào giữa tháng 2, Tiến sỹ Anthony Fauci- cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, khẳng định giai đoạn đỉnh của đại dịch “gần như” đã kết thúc tại quốc gia có số người nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong do Covid-19 nhiều nhất thế giới. “Giai đoạn tồi tệ nhất đã qua, kể cả sự tấn công của biến thể Delta hay làn sóng mới Omicron. Giờ đây, chúng ta hãy sẵn sàng cho cuộc sống bình thường” - ông Fauci nói.

Còn tại Anh, vùng England, người dân đang nóng lòng chờ đến cuối tháng 2 khi mà các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ hoàn toàn, kể cả việc bỏ quy định tự cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Marie Lande, một sinh viên năm thứ 3 nói, mình đã phải chịu “vô vàn hạn chế” suốt hai năm qua, và chỉ còn ít ngày nữa là được “tự do”.

- Chúng tôi sẽ lại được đến trường mà không phải đeo khẩu trang và cũng không còn phải sống trong sự ngờ vực và lo sợ. Chúng ta đã phải chịu đựng quá đủ rồi - Lande nói.

Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London (Anh), David Heymann, cho biết: “Không có tiêu chí thực sự nào cho sự kết thúc của đại dịch, nhưng có lẽ có thể cảm thấy điều này.”

Đó cũng là tâm trạng chung của người dân Anh, quốc gia từng là tâm dịch của thế giới. Thực tế thì từ tháng 11/2021, khi biến thể Omicron xuất hiện, người ta đã lo ngại một làn sóng Covid mới dữ dội hơn cả làn sóng dịch do biến thể Delta gây ra. Nhiều người hoảng hốt khi biết rằng tốc độ lây lan của Omicron nhanh hơn Delta từ 5 đến 7 lần. Nhưng rồi, thông tin từ Nam Phi và các nước châu Âu cho thấy, Omicron lây lan rất nhanh nhưng đỉnh dịch cũng đến sớm hơn, hạ nhiệt mau hơn. Và đáng kể là nó không khiến người ta bệnh nặng hơn, vì thế số ca tử vong cũng rất ít.

Tới thời điểm này, Italy và Tây Ban Nha không còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngoài trời. Còn Thụy Sĩ đã bỏ quy định làm việc tại nhà và truy vết tiếp xúc, đồng thời dự kiến ngừng sử dụng hộ chiếu vaccine. Bỉ cũng đã hạ mức cảnh báo Covid-19 “xuống mức thấp nhất”.

Trước đó, kể từ tháng 10/2021, người ta đã cảnh báo châu Âu sẽ phải chịu đựng một mùa Đông ảm đạm nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Lý do được đưa ra là nhiệt độ xuống thấp là môi trường để virus phát triển, trong khi các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng và không thống nhất ở các quốc gia trong châu lục. Mối lo ngại ấy đã khiến cho mùa Giáng sinh cũng như lễ đón năm mới 2022 của hầu hết các nước châu Âu trở nên buồn tẻ, cho dù chuông nhà thờ vẫn gióng giả.

Còn bên kia bờ Đại Tây dương, nước Mỹ, kể từ giữa tháng 2/2022, các bang lớn, gồm New York và California, bỏ quy định đeo khẩu trang ở không gian công cộng trong nhà. Giới y tế Mỹ cho rằng, những thay đổi về chính sách phòng, chống dịch của chính quyền liên bang cũng như các tiểu bang cần phải thay đổi ngay, chuyển từ “cách tiếp cận pháp lý có hiệu lực từ trên xuống” sang “chương trình kiểm soát bệnh dịch” tương tự như chương trình chống bệnh cúm mùa.

Nói như Giáo sư Ali Mokdad (Đại học Washington), thì đại dịch đã bước vào giai đoạn trong đó mọi người tự cân nhắc rủi ro cá nhân thay vì được yêu cầu phải làm gì. “Một cách tự nhiên, mọi người đang bình thường hóa cuộc sống, và câu hỏi giờ đây không còn là liệu các quốc gia sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch hay không, mà là khi nào” - ông Mokdad nói.

Thực tế là từ cuối tháng 1/2022, số ca mắc mới Covid-19 có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn một số quốc gia tiếp tục duy trì số ca mắc mới ở mức cao. Nếu trung bình tuần đầu tháng 2, mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 2,3 triệu ca mắc mới thì trong tuần giữa tháng 2 đã giảm xuống ở mức 1,5 triệu ca.

Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã giảm 73% so với mức đỉnh của làn sóng Omicron, trong khi tỷ lệ này giảm 60% tại Anh, Tây Ban Nha và Bỉ. Tỷ lệ này cũng giảm ngay tại những quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao hoặc kéo dài như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Hà Lan.

“Quan trọng hơn, dù số ca mắc vẫn cao nhưng các ca bệnh nặng đã giảm hẳn, số người tử vong theo đó cũng ở mức thấp. Hiện chỉ khoảng 23% số ca mắc Covid-19 so với tháng 1 phải vào bệnh viện. Và họ cũng chỉ cần mất từ 3 đến 5 ngày là khỏi, thay vì từ 7 đến 10 ngày như trước”, Giáo sư Mokdad cho biết.

Tương tự, chuyên gia trưởng của nhóm lập mô hình dịch tại Cơ quan y tế công cộng Đan Mạch, Camilla Holten Moller nói: “Chúng tôi không thấy mức độ bệnh nặng như các làn sóng dịch trước đó và khoa điều trị tích cực tại các bệnh viện không bị quá tải bệnh nhân Omicron”.

Vẫn theo bà Moller, khi mối đe dọa của đại dịch thực sự thấp, chính phủ nhận ra rằng điều quan trọng là cố gắng khôi phục trở lại trạng thái bình thường bằng cách nới lỏng các quy định phòng dịch. Song dẫu vậy thì cũng không có nghĩa là đại dịch đã chấm dứt.

Giáo sư Kevin Schulman (Đại học Stanford, Mỹ), cũng nhấn mạnh việc loại bỏ các hạn chế nên đi kèm với tuyên bố “thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch”. Ông cho rằng quan điểm đại dịch đã được giải quyết không phải là thông điệp phù hợp, “vì rằng thế giới đã mất mát rất nhiều thì rất cần bảo vệ những thành quả đã đạt được”. Còn Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Scotland), Mark Woolhouse, thì nhắc nhở “virus luôn đi trước chúng ta một bước, và sẽ thật dại dột nếu đã vội quên điều đó”.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thế giới có thể không đạt được mục tiêu mà WHO đặt ra là tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số tất cả các nước đến tháng 9/2022, Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch hành động toàn cầu gồm 6 điểm. Cụ thể là:

- Thứ nhất, tăng tiếp cận với vaccine và giải quyết các vấn đề về vận chuyển.

- Thứ hai, củng cố chuỗi cung ứng vaccine và các nguồn cung ứng quan trọng khác như kim tiêm, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị.

- Thứ ba, giải quyết tình trạng thiếu thông tin dẫn đến do dự tiêm phòng và đẩy lùi những thông tin sai lệch về tiêm phòng.

- Thứ tư, cung cấp thêm hỗ trợ cho các nhân viên y tế.

- Thứ năm, tạo điều kiện tiếp cận với thuốc điều trị và các phương pháp trị liệu.

- Thứ 6, củng cố an ninh y tế toàn cầu trong tình trạng khẩn cấp tiếp theo bằng cách đảm bảo nguồn tài chính bền vững để sẵn sàng và ứng phó với đại dịch.

Cho dù rất lạc quan nhưng bà Soumya Swaminathan- Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định đại dịch Covid-19 hoành hành thế giới hơn 2 năm qua vẫn chưa thể kết thúc do có thể sẽ có thêm biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh. Điều đó buộc tất cả các nước phải có cách tiếp cận thận trọng khi dỡ bỏ, nới lỏng các quy định phòng, chống dịch hay mở cửa trở lại.

THẾ TUẤN