Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: Nhiều thị trường lớn mở cửa

Lê Bảo 21/02/2022 13:30

Những tháng đầu năm 2022 nhiều thị trường lớn như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… đã mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực sau gần 2 năm thị trường lao động “đóng băng” do ảnh hưởng dịch Covid-19. (Xem tiếp tr. 7)

Lao động tại Hàn Quốc kết thúc thời gian cách ly, đang làm thủ tục bảo hiểm.

Liên tiếp tin vui

Trước thông tin Nhật Bản sẽ chính thức mở cửa đón nhận lao động từ tháng 3, anh Nguyễn Văn Mạnh, Quốc Oai, Hà Nội vui mừng khôn siết. Đã hoàn thành chương trình học, có lịch bay từ tháng 4/2020 nhưng bị hoãn vì Covid-19 đến nay, anh và cả gia đình sống trong thấp thỏm mong được sang Nhật Bản rồi lại thất vọng vì bị hoãn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sở dĩ nói cả gia đình, bởi để có được số tiền đi học và làm lệ phí đi Nhật gia đình anh đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.

“Gần 2 năm không đi xuất khẩu được, để có tiền trang trải, tôi đi làm thuê đủ nghề và chờ đợi. Đến giờ số tiền vay trước kia giờ đã lên gấp 2-3 lần nên khi có thông tin mở cửa thị trường cả gia đình thở phào nhẹ nhõm, dù phía trước vẫn là cả một đoạn đường khó khăn” – anh Mạnh chia sẻ.

Đó không chỉ là niềm vui của riêng anh Mạnh mà còn là nỗi niềm của nhiều người lao động bị lỡ xuất cảnh vì dịch Covid. Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Chính phủ Nhật Bản vừa chính thức công bố sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh, cho phép thực tập sinh nhập cảnh, trong đó có thực tập sinh Việt Nam, nâng số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày từ 3.500 lên 5.000 người, bắt đầu từ tháng 3.

Thời gian cách ly sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản, bất kể là người Nhật hay người nước ngoài, sẽ là 7 ngày, 3 ngày hoặc không phải cách ly. Về nguyên tắc là 7 ngày, trường hợp tính đến ngày thứ 3 xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ không cần cách ly tiếp.

Những người đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và nhập cảnh từ quốc gia được coi là không bùng dịch sẽ được miễn cách ly. Những người nhập cảnh từ quốc gia có tình trạng lây nhiễm lan rộng phải cách ly tại một cơ sở do chính phủ chỉ định từ 3 đến 6 ngày, tùy thuộc vào tình hình lây nhiễm ở quốc gia đó. Từ tháng 3, điều này sẽ được giảm xuống còn 3 ngày. Riêng trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vaccine có thể được cách ly tại nhà thay vì tại cơ sở chỉ định. Việc nhập cảnh mới của người nước ngoài được cho phép đối với visa kinh doanh, du học sinh, thực tập sinh trên cơ sở giám sát của công ty, trường học.

Trước Nhật Bản, cơ quan chức năng phía Đài Loan (Trung Quốc) hôm 7/2/2022 cũng thông báo việc tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc tại Đài Loan giai đoạn 2 kể từ ngày 15/2/2022.

Nhiều chính sách kích cầu

Cùng với thị trường Đài Loan, Nhật Bản, đầu năm 2022, Hàn Quốc cũng đã có thông báo tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS trong năm 2022 sẽ tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021, chỉ tiêu tuyển dụng sẽ là 59.000 người. Đây là thông tin vô cùng khả quan trong bối cảnh trước đó, vào năm 2021, số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc đã sụt giảm mạnh. Vì vậy, sự gia tăng chỉ tiêu tiếp nhận sẽ giúp lao động Việt Nam có thêm cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Trước thông tin nhiều thị trường mở cửa đón lao động, để giúp DN kịp thời nắm bắt cơ hội cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động, mới đây Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH đã ban hành công văn để thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan thực hiện ngay một số nội dung. Theo đó, doanh nghiệp cần phải phối hợp với bên tiếp nhận lao động để sắp xếp cho người lao động xuất cảnh; Cần có bảng kiểm tra kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 được ngành chức năng xác nhận khi làm visa cho người lao động. Bảng kiểm tra thể hiện các nội dung cam kết thực hiện theo phương án của Đài Loan. Nếu thực hiện không đúng sẽ bị tạm dừng tiếp nhận lao động.

Một số địa phương hiện nay cũng đang triển khai nhiều chính sách kích cầu nhằm đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đơn cử như tại Thừa Thiên - Huế để tạo điều kiện cho người lao động trong tỉnh tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong điều kiện ngân sách Trung ương chỉ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ và có đủ tài sản đảm bảo theo quy định, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ thêm cho người lao động thuộc diện ngân sách Trung ương hỗ trợ nhưng không có tài sản hoặc có tài sản nhưng không đủ điều kiện vay vốn; những đối tượng khó khăn khác không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương cũng được vay vốn tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Bên cạnh đó, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, diện bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật, thân nhân người có công với cách mạng được hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, đào tạo kiến thức cần thiết, hỗ trợ vay vốn và các chi phí như: visa, thị thực, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, hỗ trợ đào tạo nâng cao theo nhu cầu của nước tiếp nhận.

Đánh giá về tiềm năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, tại các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy lao động Việt Nam đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ tại thị trường vốn đòi hỏi cao tại các quốc gia phát triển này.

Cũng theo ông Quỳnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu lao động, mang về cho đất nước nhiều cơ hội, cả về ngoại tệ lẫn học hỏi kỹ thuật, nâng cao tay nghề để đưa đất nước phát triển nhanh hơn.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 là 45.058 lao động bằng 57,29% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2020 (78.641 lao động). Năm 2022, Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài.

Lê Bảo