Tục 'Kéo vợ' đang bị biến tướng?
“Kéo vợ” là phong tục hình thành từ lâu đời, chứa đựng nét văn hóa rất riêng của người Mông; thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của các chàng trai, cô gái. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tục lệ này đang bị biến tướng, lợi dụng khiến cho dư luận bức xúc.
Phong tục bị biến tướng?
Tục “Kéo vợ” của đồng bào dân tộc Mông vừa chất phác, vừa táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị. “Kéo vợ” là thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông mà không có sự ép buộc.
Người Mông kéo vợ khi các cặp trai gái đã yêu nhau, có thời gian tìm hiểu kỹ và quyết định đi đến hôn nhân. Thậm chí, có những đoàn đón dâu đưa vợ về gần đến nhà trai cũng tổ chức kéo vợ. “Kéo vợ” thường diễn ra vào mùa cưới, tại những phiên chợ, hoặc ở trên nương rẫy, được bố trí và phải được sự đồng ý của cô gái. Khi kéo vợ về, cha của chàng trai sẽ thực hiện một nghi lễ báo cáo với tổ tiên để cô gái được công nhận là thành viên mới của gia đình.
Theo TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Đối với những người phụ nữ dân tộc Mông thì tục “Kéo vợ” đề cao giá trị của người con gái, họ tự hào khi được người con trai kéo. Phong tục “Kéo vợ” còn thể hiện tính nhân văn. Đó là khi người con trai kéo được cô gái về nhà mình không có nghĩa đã trở thành vợ. Theo luật tục thì khi người con gái được kéo về nhà trai thì người con gái sẽ ngủ cùng chị gái hoặc em gái của chú rể hai đến ba đêm để tâm sự, nói chuyện. Khi đã quen nhà và được gia đình nhà trai đồng ý, khi đó mới tổ chức cưới và chàng trai mới chính thức là chồng của cô gái”.
Tục “Kéo vợ” còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong hôn nhân. Đây là một phong tục tích cực nhằm chống lại việc thách cưới cao của nhà gái, giúp cho đôi trai gái yêu nhau có thể đến được với nhau bất kể gia cảnh. Trước kia thách cưới ở những vùng biên giới rất cao. Nhưng khi tiến hành tục “Kéo vợ” thì sẽ không xảy ra tình trạng thách cưới, cả chàng trai và cô gái đều có thể phản đối tục thách cưới, khi hai người đồng tình đến với nhau thì những tục thách cưới sẽ được phá bỏ.
Một phong tục đẹp, là kết quả của tình yêu đôi lứa nhưng hiện nay đang bị biến tướng. Cụ thể, gần đây liên tiếp hai vụ bắt vợ diễn ra tại Mèo Vạc (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai) được người dân quay lại rồi đăng tải trên mạng xã hội đang lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người bất bình với những hành vi có thiên hướng bạo lực, ép buộc trước sự cự tuyệt của cô gái.
Cần xử lý nghiêm bằng pháp luật
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cần trả lại đúng nghĩa của phong tục này với cách gọi đúng tên của hành động này là “kéo vợ” chứ không phải “bắt vợ” hay “cướp vợ” như nhiều người vẫn nhầm lẫn bấy lâu nay.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, việc “lợi dụng” phong tục này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể được Hiến pháp 2013 ghi nhận, tùy tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp, lợi dụng “Kéo vợ” để cưỡng ép kết hôn vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình, cấm các hành vi: Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn”( điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình).
Bên cạnh đó, khi “kéo vợ” trở thành “bắt vợ” thì người thực hiện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về Tội bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ Luật Hình sư 2015. Tùy tính chất mức độ hình phạt cao nhất cho tội danh này là 12 năm tù.
Theo TS Trần Hữu Sơn, chúng ta phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khi có hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó tuyên truyền trong nhận thức của người dân, tránh tư tưởng cực đoan coi “kéo vợ” là hủ tục. Phải để người dân hiểu và phân biệt được “cướp vợ, bắt vợ” là những hành vi vi phạm pháp luật không đồng nghĩa là “kéo vợ”. Quan trọng nhất vẫn là sự nghiêm trị của cơ quan pháp luật. Khi để xảy ra những vụ việc cướp vợ, bắt vợ thì phải xử lý bằng tòa án. Phiên tòa đó có thể tiến hành xét xử lưu động đến cộng đồng nhằm tuyên truyền tới người dân. Giải pháp quan trọng nhất là sự kiên quyết của chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Nếu để xảy ra việc cướp vợ, trước hết phía chính quyền phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, phần lớn “hành vi lợi dụng” này thường diễn ra tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi mà các chính sách pháp luật rất khó tiếp cận, mặt bằng chung nhận thức của dân cư còn thấp… Khi phát hiện ra những trường hợp có dấu hiệu lợi dụng phong tục tập quán để xâm phạm đến quyền tự do, thân thể của công dân thì cần phải có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra. Đồng thời để xử lý phần gốc của vấn đề, chính quyền địa phương cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch bổ ích, thiết thực đồng thời giúp bà con nâng cao nhận thức về pháp luật, xóa đói giảm nghèo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
“Tôi muốn đề cao vai trò của địa phương trong việc ngăn chặn những hành vi lợi dụng truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình. Cần phải có kế hoạch để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật kiên quyết loại trừ những thủ tục lạc hậu, gìn giữ phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc. Việc tuyên truyền này nên được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng dân cư. Trong môi trường trường học, đối với học sinh có thể kết hợp đưa vào môn Giáo dục công dân, xây dựng thành chương trình ngoại khóa cho các học sinh” - Luật sư Hoàng Tùng nói.