Nguy cơ tiền mất tật mang vì dùng thuốc kháng Covid-19 không rõ nguồn gốc

Toàn Nghĩa 21/02/2022 16:39

Tâm lý lo lắng trước diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến không ít người dân lùng mua những loại thuốc kháng virus không rõ xuất xứ được rao bán trên mạng xã hội. Dẫn tới nguy cơ tiền mất, tật mang.

Một tài khoản có tên Quynh Anh Nguyen chào bán: “Thuốc Liên Hoa Thanh Ôn là phương pháp điều trị Covid-19 của Ủy ban Y tế Trung Quốc. Đây là loại thuốc đang được nhiều người săn tìm nhất và được dùng trong trường hợp mắc Covid-19, tự điều trị tại nhà và dùng được cho cả phụ nữ cho con bú, trẻ em trên 9 tuổi”.

Một loại thuốc khác cũng đang được rao bán rất nhiều trên mạng xã hội là Arbidol của Nga cùng với đó là các loại thuốc favipiravir, molnupiravir hàng “xách tay” từ Ấn Độ, Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Đại Đoàn Kết, những tài khoản bán các loại thuốc nói trên không hề có chuyên môn về dược, bằng chứng là hầu hết trong số này đều bán đủ mọi loại mặt hàng trước đó. Thế nhưng những người này sẵn sàng bán thuốc, kê đơn, hướng dẫn cách dùng cho người bệnh.

Thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng

Theo Dược sĩ Hà Quang Tuyến, trưởng khoa Dược, bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, hiện nay xuất hiện tình trạng người dân tự mua thuốc phòng, điều trị Covid-19 và tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng hoặc “bác sỹ google”.

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam như Arbidol với lời quảng cáo có cánh về khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả Covid-19. Các thuốc “xách tay” này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như facebook, zalo, shopee,… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.

“Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra”, dược sĩ Tuyến nhấn mạnh

Bên cạnh đó, dược sĩ Hà Quang Tuyến khuyến cáo người dân, các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm các diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, ko rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho nhưng cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân.

Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh.

Toàn Nghĩa