Nghệ nhân trẻ 'giữ lửa' nghề thêu tay bằng cả trái tim
Với mong muốn gìn giữ nghề thủ công cũng như nét văn hóa truyền thống Việt, nghệ nhân trẻ Quản Thị Cúc (35 tuổi, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã nảy ra ý tưởng sáng tạo các sản phẩm từ nghệ thuật thêu 3D khiến người xem trầm trồ.
Vốn sinh ra và lớn lên tại làng nghề thêu Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nghệ nhân Quản Thị Cúc (35 tuổi, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã sớm có cơ hội tiếp xúc với nghề thủ công truyền thống. Tuy vậy, chị Cúc vẫn phải mất rất nhiều thời gian để tập luyện cũng như học hỏi thêm. Đến năm 2015, chị chính thức theo nghề thêu tay các sản phẩm thủ công và tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt.
Nhận thấy trong xã hội hiện đại ngày nay, nhu cầu sử dụng phụ kiện, đồ trang trí thủ công vẫn rất thịnh hành, nghệ nhân trẻ đã nảy ra ý tưởng sáng tạo các sản phẩm như: khuy cài áo, hoa giả… từ nghệ thuật thêu 3D.
Nói về quá trình đặt nền móng theo đuổi loại hình nghệ thuật mới, chị Cúc cho biết, bản thân đã phải trải qua nhiều khó khăn với quyết tâm không hề nhỏ. Thực tế, để có được thành công và chỗ đứng như bây giờ, nghệ nhân Quản Thị Cúc đã phải đi từ những bước chân đầu tiên đầy chông gai.
Chị Cúc tâm tình, bản thân mình luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm ra những sản phẩm mới mẻ, độc đáo và nhất định phải có dấu ấn riêng. Chị Cúc cho rằng chính những sản phẩm thêu tay theo cách cũ là nguồn cảm hứng thúc đẩy bản thân tạo nên điều khác biệt.
Đối với nghệ nhân Quản Thị Cúc, việc thêu tay không chỉ là nghề mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chị Cúc tìm đến thêu tay như là cách để giải tỏa áp lực đè nén hay những lúc căng thẳng, thêu tay có thể giúp chị thoải mái, nhẹ nhõm và quên hết được những muộn phiền, âu lo trong cuộc sống.
Theo chị Cúc, ý tưởng sáng tạo sản phẩm có thể đến bất chợt vào thời điểm không nói trước trong ngày nên trước khi bắt tay thực hiện, chị thường phải lên kế hoạch kĩ càng về cả kích thước vẽ trên giấy cho đến những công đoạn cuối cùng khi hoàn thiện sản phẩm. Sau khi đã có ý tưởng, chị phải thực hiện qua 6 công đoạn chính từ vẽ mẫu, chép lại mẫu lên vải, chọn màu cho đến thêu, xử lý cắt ghép, cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm.
Chị Cúc thông tin, trong tất cả các công đoạn, thêu tay là công đoạn mất nhiều thời gian nhất bởi cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo. “Đối với mình công đoạn nào cũng quan trọng, vì là sản phẩm rời có thể nhìn đa chiều nên chỉ làm ẩu một công đoạn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tính thẩm mĩ của toàn bộ tác phẩm” - chị Cúc nhìn nhận.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, chị Cúc cho hay việc làm hỏng hay sự kết hợp màu, các họa tiết chưa hài hòa cũng là điều bình thường đối với nghề thủ công. Để tạo ra một tác phẩm như mong muốn, chị phải thực hành và thường xuyên trau dồi các kỹ năng, tham gia các khóa học. Thông thường, chị Cúc mất vài ngày để hoàn thiện một tác phẩm kích cỡ nhỏ và mất đến vài tháng cho một sản phẩm lớn, phức tạp, yêu cầu độ kỹ thuật cao.
Trong suốt 6 năm làm nghề, nghệ nhân Quản Thị Cúc đã không ngừng sáng tạo và phát triển nghề thêu dựa trên xu hướng mới. Trước đây, sản phẩm của chị thường là những mẫu mã đơn điệu như: bình hoa, cánh bướm… thì bây giờ chị đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã phong phú, đặc sắc hơn. Trong số đó, phải kể đến như: khuy cài áo được cách điệu hài hòa, đường nét tinh xảo hay những nét chữ mang ý nghĩa biểu trưng, cô đọng được khắc họa tinh tế trên lá bồ đề…
“Trong suốt 6 năm làm nghề, mình luôn trăn trở, suy nghĩ để làm sao có thể đưa nghề truyền thống bắt kịp với xu hướng của thời đại. Theo dòng chảy của thị trường, nghề thêu tay truyền thống vẫn luôn giữ được "chất" của mình hay không, chính phụ thuộc vào khả năng của những người thợ lành nghề” – nữ nghệ nhân bày tỏ.
Tuy nhiên, ngay khi chia sẻ những “đứa con tinh thần” của mình trên mạng xã hội, chị Cúc đã nhận về “cơn mưa lời khen” từ cộng đồng mạng. Những tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ, tinh xảo khiến nhiều người không phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Chính những phản hồi tích cực đã giúp chị gặt hái được nhiều thành tựu từ các Hội nghệ nhân, mỹ thuật Việt Nam.
Bằng chính tình yêu với nghề truyền thống, chị Quản Thị Cúc quyết tâm mở một lớp dạy thêu tay 3D online với mong muốn duy trì nét văn hóa truyền thống, truyền cảm hứng cũng như niềm yêu thích nghề thủ công đến nhiều lứa tuổi.
Cho đến nay, chị đã dạy nghề cho hàng nghìn học viên yêu thích nghệ thuật và đồng thời là giám đốc tại công ty TNHH Thêu tay Việt Nam. Theo đuổi nghề trong sự hội nhập và phát triển chóng mặt như hiện nay đã khó, việc giữ và truyền nghề lại càng khó hơn. Thế nhưng bằng tất cả tình yêu nghệ thuật truyền thống, chị Cúc đích thị là người “giữ lửa” nghề thêu tay bằng cả trái tim.
“So với ở nước ngoài, nghề thêu tay tại Việt Nam đang dần bị mai một. Chính vì vậy, mình mong rằng thông qua những sản phẩm của mình, người Việt sẽ nhớ đến nghề thêu như là nét đẹp truyền thống của người Việt. Từ đó, quảng bá nét đẹp này rộng hơn tới bạn bè quốc tế”, chị Cúc nhắn nhủ.