Nhiều thủ tục 'ngáng chân' doanh nghiệp
Từ những kiến nghị của doanh nghiệp (DN), thời gian qua, các thủ tục thông quan đã được cải thiện hơn nhưng vẫn còn nhiều hoạt động gây tốn kém cho DN. Mong muốn của DN hiện nay là, nhà quản lý tiếp tục có những hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa trong năm nay để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN.
Cải thiện phải bằng những việc làm cụ thể
Ông Pederson - lãnh đạo một DN nước ngoài hoạt động ở Việt Nam từ nhiều năm nay, cho biết: “Là một công ty xuất khẩu, chúng tôi chứng kiến sự cải thiện trong lĩnh vực hải quan ở Việt Nam giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức trong việc giải quyết các thủ tục”. Đó là một trong những lý do mà công ty của ông Pederson tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và hiện đang triển khai xây dựng nhà máy mới để tăng gấp đôi công suất, dự kiến đưa nhà máy mới vào hoạt động trong tháng 3/2022.
Theo vị lãnh đạo DN này, Việt Nam đang rất nỗ lực để xây dựng những quy định đầu tư kinh doanh phù hợp với các quy định của quốc tế. Môi trường đầu tư thực sự rất thuận lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Qua khảo sát, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hay các DN nội địa khác cũng đánh giá khâu thủ tục hải quan ngày càng cải thiện tích cực, đồng thời mong muốn trong năm nay sẽ tiếp tục làm tốt khâu này nhằm giảm chi phí xuất nhập khẩu cho DN.
Ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc một DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm ở TPHCM cho rằng, việc tiếp tục cải thiện khâu thủ tục xuất nhập khẩu phải bằng những việc làm cụ thể từ các cơ quan quản lý. Nhất là không làm khó DN trong thủ tục hồ sơ, việc thực hiện các thủ tục hải quan trong xuất nhập khẩu hàng hóa sao cho dễ dàng, thuận lợi, tránh gây mất thời gian và chi phí.
Dưới góc độ quản lý, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong năm nay, ngành Hải quan thành phố sẽ phấn đấu giảm thời lượng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, không để phát sinh gây thiệt hại cho DN. Đặc biệt là tích cực hỗ trợ tạo thuận lợi cho cộng đồng DN chấp hành tốt pháp luật, tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiên quyết xử lý hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, xa rời DN.
Tổng cục Hải quan mới đây đã khuyến nghị các DN sử dụng phần mềm khai hải quan mới để khai báo nhằm thống nhất trong quản lý, vận hành, hỗ trợ, dự kiến từ 1/4/2022. Theo đó, các DN chỉ cần có thiết bị kết nối internet là có thể truy cập để khai hải quan. Phần mềm khai hải quan này cũng được kịp thời cập nhật để đáp ứng các yêu cầu mới về hải quan số, hải quan thông minh. Điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các DN tiết kiệm được chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Bãi bỏ những quy định không cần thiết
Với việc thực thi Nghị quyết 02, đơn cử trong vấn đề kiểm dịch hàng nhập khẩu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có công văn chỉ đạo Bộ NN&PTNT khẩn trương rà soát, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quý II/2022 để bãi bỏ quy định thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa sản phẩm hàng hóa phải kiểm dịch nhập khẩu, đặc biệt là nhóm hàng hóa vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau. Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ.
Có thể nói đây là tin vui đầu năm mới với các DN trong ngành thủy sản. Bởi lẽ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) từng phản ánh, thời gian qua, cộng đồng DN thủy sản đã gặp vướng mắc lớn về các quy định liên quan đến hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm khi nhóm sản phẩm này bị áp vào danh mục có tên là “kiểm dịch”.
Theo Vasep, vướng mắc kể trên đã tồn tại trong 6 năm qua và vẫn chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết nghị cụ thể về nội dung này ghi rõ tại các Nghị quyết 19 (2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết 02 (2019, 2021) của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Thực ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định về thủ tục nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp (như khâu kiểm dịch nêu trên) từng vấp phải không ít ý kiến cản trở từ tư duy bảo thủ của một số nhà quản lý khi cho rằng, sẽ mang lại nhiều bất cập, nhất là nguy cơ lớn các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, động vật thủy sản xâm nhiễm vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cứ khăng khăng níu giữ những quy định cứng nhắc sẽ khiến cho quy mô, số lượng lô hàng phải kiểm dịch là rất lớn. Bởi, gần như 100% các container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan. Nhất là việc duy trì mở rộng các đối tượng hoặc danh mục “hàng chế biến” làm thực phẩm phải kiểm dịch được quy định tại một số Thông tư vẫn được cho là biện pháp quá mức và không cần thiết.