Giá xăng dầu vù vù tăng
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/2 là 25.530 đồng một lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng một lít (tăng 960 đồng). Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít) và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức “đỉnh” được lập vào tháng 7/2014 khoảng 110 đồng một lít.
Cùng đó, giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hỏa là 19.500 đồng một lít, tăng 750 đồng. Dầu diesel là 20.800 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu mazut là 17.930 đồng một kg, tăng 280 đồng.
Việc xăng dầu tăng giá liên tiếp trong một thời gian ngắn đã tác động tới giá cả nhiều mặt hàng, tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như doanh nghiệp. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, mặt hàng thiết yếu không thể thiếu nên việc tăng giá liên tiếp và ở mức cao khiến nhiều người lo lắng. Giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng, điều này sẽ tác động đến một loạt vấn đề. Cùng đó, giá xăng dầu tăng lên sẽ là một trong những nhân tố tác động đến chỉ số lạm phát. Điều đó làm cho mức thu nhập thực tế của người lao động, người hưởng lương sẽ giảm xuống.
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu đã tăng 3 lần liên tiếp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.
Được biết chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Hiện giá dầu thô thế giới đã ở mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. Theo ông Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Vẫn theo ông Lâm, đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đáng chú ý, thống kê cho thấy chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Cũng có nghĩa là cuộc sống của mỗi gia đình sẽ khó khăn hơn khi vừa trả tiền xăng dầu cao hơn, đồng thời phải chi trả cho các mặt hàng khác nhiều hơn do giá bị đẩy lên trước áp lực giá nhiên liệu.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Ông Thịnh cho rằng, giải pháp trong ngắn hạn chúng ta phải thực hiện nghiêm chỉnh việc điều chỉnh giá xăng dầu cho chuẩn xác với xăng dầu thế giới. Tuy nhiên qua những đợt điều hành xăng dầu vừa qua đã cho thấy Bộ Công thương thiếu linh hoạt, chủ động.
Về vấn đề này, ngày 19/2, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, chỉ đạo, kết hợp nhiều giải pháp phù hợp bình ổn giá xăng dầu.
Sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nay chính là thời điểm phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giá xăng dầu quá cao sẽ tác động tiêu cực tới quá trình này. Chủ động, linh hoạt, dự báo chính xác diễn biến tình hình - đó chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công thương. Với diễn biến phức tạp giá dầu thô trên thế giới, thì dự báo và sự chuẩn bị các phương án ổn định thị trường lại càng phải chu toàn hơn. Tiếc rằng, qua liên tục những lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu vừa qua đã không cho thấy điều đó.