Nhiều trường đại học chuyển sang học trực tuyến
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học (ĐH) vừa thông báo kế hoạch học tập trung, đã ngay lập tức phải chuyển sang lịch học trực tuyến.
Đơn cử như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa có thông báo về việc những tân sinh viên (K66) sẽ chuyển sang hình thức học tập tực tuyến trong thời gian 4 tuần từ ngày 28/2/2022 đến ngày 27/3/2022.
Trường ĐH Công đoàn thông báo tới sinh viên về việc tiếp tục học trực tuyến của sinh viên các lớp năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba trình độ ĐH hệ chính quy. Theo đó, kế hoạch học trực tiếp tại trường từ ngày 24/2 sẽ tạm dừng do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hà Nội và các địa phương.
Cùng đó, Trường ĐH Mỏ Địa chất thông báo chỉ cho sinh viên khóa cuối được học trực tiếp tại trường còn tất cả các khóa, các lớp khác sẽ học trực tuyến theo thời khóa biểu. Với các lớp ở các điểm liên kết đào tạo giảng viên chủ động liên hệ để có hình thức giảng dạy phù hợp.
Trước đó, từ cuối tuần trước các trường gồm Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường ĐH Vinh (Nghệ An) thông báo tạm dừng đón sinh viên đến trường học trực tiếp từ ngày 21/2 và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Thông báo này gây ra phản ứng từ phía sinh viên ngoại tỉnh khi vừa nhận phòng trọ hoặc có những em đã đặt cọc tiền phòng trọ từ trước.
Tuy nhiên, cũng ngay trong ngày 21/2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải ra văn bản thông báo ngày trở lại trường cụ thể cho sinh viên. Theo đó, thời gian học tập trung tại Học viện là từ ngày 28/2 với các nghiên cứu sinh, cao học; từ ngày 7/3 đối với các lớp ĐH chương trình liên kết quốc tế, các lớp ĐH hệ vừa làm vừa học tại Học viện; từ 14/3 đối với các lớp ĐH chính quy hệ chất lượng cao K39, K40; từ ngày 21/3 với các lớp ĐH chính quy hệ chuẩn...
Việc chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến hiện gây ít nhiều phiền toái, khó xử cho các sinh viên ở các địa phương về Hà Nội. Các nhà trường thông báo hoãn học trực tiếp khiến không ít sinh viên rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhất là khi tiền cọc nhà trọ đã đóng. Theo đó, nhiều sinh viên cho biết đã chuẩn bị cho việc quay trở lại trường từ trước Tết.
Trên các diễn đàn dành cho sinh viên, nhiều bạn có chung băn khoăn, nếu không trả phòng, có thể sẽ giống như năm ngoái, mất 6 - 7 tháng tiền nhà nhưng sau đó bỏ không để về quê tránh dịch. Nhưng nếu bây giờ chấp nhận mất cọc, nhượng phòng thì đến lúc có thông báo đi học, lại không dám đảm bảo có đủ phòng cho sinh viên thuê không… Hiện nhiều sinh viên đang theo dõi thông báo mới từ các nhà trường.
Trước đó, khi kểm tra công tác đón sinh viên trở lại của các ĐH sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn yêu cầu các trường quyết tâm hơn nữa trong việc mở cửa trường học nhưng cũng không chủ quan. Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông để sinh viên yên tâm hơn khi đến trường, để các em cảm thấy mình không đơn độc, luôn có nhà trường, bạn bè, ký túc xá và cả chính quyền địa phương sẵn sàng hỗ trợ.
Theo ông Sơn, việc tổ chức cho sinh viên trở lại trường học tập trung là cần thiết. Đó vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhà trường và cán bộ, giảng viên, sinh viên. Trong thời gian tới các trường ĐH cần mạnh dạn hơn, quyết tâm hơn trong việc đón sinh viên trở lại trường nhưng cũng không lơ là trong phòng, chống dịch, kịp thời hỗ trợ sinh viên để các em và phụ huynh yên tâm.
Về việc tổ chức cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã yêu cầu các học viện, trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề... phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong quản lý, hỗ trợ sinh viên, học viên; tuyên truyền, vận động lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái”, trách nhiệm xã hội đối với các chủ cho thuê trọ bảo đảm chỗ ở cho sinh viên, học viên trong trường hợp trở thành F1, F0. Chính quyền các quận, huyện, thị xã phối hợp với các trường học triển khai tổ chức các điểm cách ly, điều trị bảo đảm cho sinh viên yên tâm quay lại trường học.
Về vấn đề hiện nay nhiều trường ĐH khuyến khích sinh viên xét nghiệm nhanh Covid- 19 hoặc xét nghiệm đồng loạt cho sinh viên trước khi trở lại trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, xét về tâm lý chung, sinh viên cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi những bạn bè thầy cô xung quanh mình không mắc bệnh. Việc xét nghiệm được thực hiện theo cách khác nhau ở các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục lắng nghe và sẽ có trao đổi với Bộ Y tế để hướng dẫn kịp thời.