Vương quốc Anh vật lộn với tàn dư của ba cơn bão liên tiếp
Từ những con đường ngập nước đến những ngôi nhà đổ nát, cùng những thành phố chìm trong bóng đêm, Vương quốc Anh đang bị bao vây bởi những cơn bão lớn từ cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ba cơn bão liên tiếp
Lũ lụt, mất điện và thiệt hại tài sản tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở khắp các vùng của Anh sau khi 3 cơn bão liên tiếp tấn công quốc gia này trong vòng một tuần.
Franklin là cơn bão thứ ba đổ bộ vào Anh trong một vòng một tuần sau bão Dudley và bão Eunice - một trong những cơn bão lớn nhất ở Anh trong vòng 30 năm qua, khiến 3 người thiệt mạng và 1,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện.
Theo Văn phòng Khí tượng Quốc gia Anh, đây là lần đầu tiên cơ quan này ghi nhận 3 cơn bão lớn tại Anh trong vòng một tuần kể từ khi hệ thống đặt tên bão được đưa vào hoạt động cách đây 7 năm.
Bão Franklin đã gây ra mưa lớn và tình trạng ngập lụt nghiêm trọng do nước tràn bờ tại các con sông ở Bắc Ireland và khu vực phía bắc nước Anh. Hạt Yorkshire và thành phố Manchester là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại phía nam Manchester, lực lượng cứu hộ Anh đã đưa hơn 400 hộ gia đình đi sơ tán sau khi khu vực này nhận được 2 cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng, trong khi đó các đội khẩn cấp đang khẩn trương dựng lên các rào cản ngăn lũ nhằm ngăn không cho nước tràn vào nhà dân.
Ở ngôi làng Ashford in the Water tại hạt Derbyshire, nhiều chiếc xe hơi vẫn bị mắc kẹt trong những con đường ngập nước sau khi cơn bão Franklin càn quét qua khu vực hôm 20/2.
Ông Martin Crapper, cư dân 62 tuổi tại đây cho biết dòng nước lũ lạnh cóng đã trải dài giữa bóng đêm trên con đường chính từ thị trấn Matlock đến tận thị trấn Buxton.
Hội đồng hạt Derbyshire đã đóng cửa các tuyến đường bị ngập lụt từ tối 20/2, nhưng một số tài xế đã phớt lờ các biển báo và tiếp tục lái xe qua khu vực, Crapper nói, điều này đã tạo ra “làn sóng thủy triều lớn gây nguy hiểm cho những chiếc xe đang bị mắc kẹt”.
Theo Crapper, mặc dù khu vực này thường có xu hướng ngập lụt, nhưng đó là trận lụt tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến trong 5 năm sinh sống tại đây.
“Trận lụt hồi tháng 1 năm ngoái thật tồi tệ, nhưng mọi thứ dường như thậm chí còn tồi tệ hơn ở thời điểm hiện tại. Người hàng xóm kế bên của tôi đã sống ở Ashford hơn 10 năm và cũng chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ thảm họa nào như vậy”, Crapper nói.
Câu chuyện phía sau những cơn bão
Bà Pippa Palmer, một nhà nghiên cứu chiến lược 59 tuổi, khi đang ở nhà tại thủ đô London để tránh cơn bão Eunice hôm 18/2 thì đã nghe thấy những tiếng động chói tai.
“Tôi đã ngồi đó để cố gắng trấn an bản thân rằng không có gì xảy ra cả”, Palmer kể lại. Trong khu vườn cách nhà Palmer không xa là một cây mai dương khổng lồ cao 7,6 mét.
Sau khi nghe thấy tiếng va chạm, Palmer nói rằng bà đã đi vào vườn và chỉ nhìn thấy một cành cây đổ xuống.
“Tôi nghĩ, chính nó đã tạo ra tiếng động lớn vừa rồi. Nhưng ngay sau đó, tôi quay đầu lại và, ôi chúa ơi, có nguyên một cái cây nằm trên mái nhà của tôi”.
Cây mai dương cao 7,6 mét hiện đang nằm ngang và đâm xuyên qua ngôi nhà của bà sau những cơn gió kinh hoàng từ cơn bão Eunice.
Khi nguồn điện bị cắt trong ngôi nhà của Yvonne Turner ở hạt Aberdeenshire vào sáng ngày 21/2, đó đã là lần thứ ba trong tháng. May mắn thay, khoảng thời gian cắt điện chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ.
Những cơn bão gần đây đã liên tục khiến khu vực của họ chìm trong bóng tối nhiều ngày liền. “Chúng tôi đã cảm thấy chán ngán với những cơn bão”, Turner giải thích rằng tình trạng mất điện liên tục xảy ra do cây cối bị đổ vào đường dây điện.
Đối với Turner, mất điện là “nỗi đau gấp đôi” do chính điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp nước của người dân ở đây sẽ bị cắt vì chúng được bơm từ một giếng khoan. Tìm nước uống trong cơn bão còn khó khăn hơn cả tìm thức ăn: tất cả các siêu thị đều đã “hết sạch”.
“Khi bạn không có điện và thậm chí không có nước, và lại đang sống giữa mùa đông, thì không gì có thể khủng khiếp hơn được nữa”, ông thở dài.
Khi Turner tự trồng trọt và chăn nuôi để kiếm sống, việc cắt điện thường xuyên sẽ trực tiếp gây thiệt hại cho ông.
“Chúng tôi thường chất đầy sản phẩm vào tủ đông vào cuối vụ mùa và trữ đến hết năm. Vì vậy, khi nguồn điện bị cắt trong vài ngày, điều đó thực sự là một vấn đề lớn - chúng tôi phải đối mặt với việc mất tất cả những thành quả đã tạo ra suốt một năm”.
Trong khi đó ở hạt Gloucestershire, ông Douglas Campbell, 63 tuổi, đã phải sống trong cảnh mất điện hơn 72 giờ sau khi cơn bão Eunice ập vào hôm 18/2.
Campbell cùng gia đình bốn người của ông đã chuyển đến một khách sạn gần đó vào ngày 20/2, vì ngôi nhà hiện tại của họ "không thể ở được".
“Tất cả mọi thứ đều được vận hành bằng điện, vì vậy khi không có điện, chúng tôi sẽ không có nước nóng, không có ánh sáng, không có nhiệt sưởi, không có gì cả. Đó là một khoảng thời gian khủng khiếp”, ông kể lại.
Campbell cũng nhấn mạnh đã được “thông báo một cách đáng tin cậy” bởi nhà cung cấp điện Scottish Power rằng nguồn điện sẽ trở lại vào 11h tối 21/2. “Vì vậy chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển ra ngoài sinh sống tạm thời”.