Núi Bà Đen - nơi Phật tử trở về cội nguồn Phật Giáo
Chỉ một năm sau khi khánh thành tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, cụm công trình tâm linh trên đỉnh núi Bà Đen tiếp tục được bồi đắp với rất nhiều lớp, tầng văn hoá và công nghệ hiện đại, mở ra cho du khách một chuyến hành hương đi qua suốt ngàn năm Phật Giáo.
Từ tượng Phật Bà kỷ lục của riêng Tây Ninh…
Tháng 2/2021, người dân, Phật tử và du khách trầm trồ trước tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn uy nghi, sừng sững toạ lạc trên độ cao 986 m tại khu du lịch Sun World BaDen Mountain. Với tổng chiều cao 72 m, tượng được các nghệ nhân và Tập đoàn Sun Group thực hiện bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của châu Âu.
Công trình ngay lập tức xác lập 2 kỷ lục: "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” và "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi”.
Điểm đặc biệt nhất, tượng được tạo tác theo phong cách kiến trúc thời Lê, dựa trên cơ sở tham khảo nhiều mẫu tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại các ngôi chùa trầm tích hàng trăm năm lịch sử và một số pho tượng Phật Quán Thế Âm hiện đang là bảo vật quốc gia được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử - Mỹ thuật. Bởi thế, khi chiêm bái Phật Bà, du khách thập phương luôn nhận ra phần hồn cốt dân tộc ẩn giấu tinh tế trong từng đường nét, khiến lòng người vừa gần gũi, ấm áp mà lại nhẹ bẫng, an nhiên.
Tất cả đã tạo nên một Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn có một không hai, một công trình tâm linh ý nghĩa của riêng Tây Ninh, không thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu.
… đến chuyến hành hương chưa từng có qua ngàn năm Phật Pháp
Không dừng lại ở đó, chỉ 1 năm sau, cụm công trình tâm linh đã được tập đoàn Sun Group và các nghệ nhân tiếp tục hoàn thiện, với một khu trưng bày triển lãm Phật Giáo 4 tầng quy mô và độc đáo chưa từng có tại Việt Nam.
Nằm tại không gian khối đế của tượng Phật Bà, các tầng có lối kiến trúc đồng tâm, thu nhỏ dần khi lên cao, biến cả cụm công trình thành một toà sen khổng lồ đang bừng nở với điểm nhấn trung tâm là tượng Phật Bà ẩn hiện giữa trời xanh. Điều đặc biệt nhất là mỗi tầng của toà sen lại mở ra một hành trình riêng, giúp du khách có thể đi xuyên suốt hàng ngàn năm Phật Pháp theo cách trước nay chưa từng có.
Mở đầu hành trình tại tầng 1, du khách bước vào một trung tâm triển lãm với hàng trăm pho tượng, tranh và phù điêu, thực hiện từ nhiều chất liệu đặc trưng mang đậm phong cách Phật Giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Đặc biệt, một “rạp phim khổng lồ” đã được thiết lập tại khu vực đại sảnh mái vòm. Ở đó, bằng công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới, những hình ảnh và sự vận động của vũ trụ trong quan niệm Phật Giáo tái hiện đầy sinh động, chân thực trên màn hình dạng vòm, đưa người xem từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Bước chân lên tầng 2, du khách tiếp tục ngỡ ngàng trước những trải nghiệm đặc biệt mới lạ. Tại đây, một không gian trưng bày với toàn bộ tượng được các chuyên gia “3D hoá” thông qua công nghệ hình ảnh 3 chiều hologram. Thư thái dạo bước dọc lối đi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia ngay tại Tây Ninh, đang xoay xoay trước mắt. Hay tham quan gian phòng đặc biệt và xoay các bánh xe Kinh Luân - vốn là pháp khí đặc hữu của đất thánh Tây Tạng. Lịch sử, tinh hoa Phật Giáo được “kể lại” cho người xem theo một cách rất đặc biệt.
Tiếp tục chuyến hành hương đặc biệt trên một trong các đỉnh thiêng của đất nước, du khách sẽ được tận mắt ngắm các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới; các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ các cổ vật trong kiến trúc Phật giáo bằng gỗ, đá có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII và chiêm bái Phật Bảo Xá Lợi Phật tỏa sáng lung linh giữa không gian uy nghiêm tại tầng 4.
Điểm kết thúc tại tầng 5 cũng chính là nơi ngự toạ Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. 5 tầng tháp kể lại cho du khách một “hành trình kỳ diệu” - bắt đầu từ vũ trụ quan nguyên sơ ở tầng đầu, hiện thực hoá trong từng hiện vật ở tầng 2 và 3 để rồi kết tụ ở nơi linh thiêng trưng bày Xá Lợi tại tầng 4. Phía trên, tượng Phật Bà như một biểu tượng hội tụ tất cả tinh hoa của “con đường Phật Pháp” ấy.
Cách đây đúng 1 năm, khi đánh giá về tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, Hoà thượng Thích Niệm Thới, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tây Ninh đã cho rằng, công trình đã thể hiện ý nghĩa sâu xa: Cầu cho nhân dân Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung vạn sự cát tường như ý.
Nhưng có lẽ, với việc đã, đang và sẽ kể lại cho chúng sinh một “hành trình Phật Giáo”, quần thể tâm linh trên nóc nhà Nam Bộ không chỉ nâng tầm nghệ thuật những trải nghiệm tâm linh tại Núi Bà Đen, mà sẽ còn là một di sản vượt qua phạm trù dân tộc, chạm tới mẫu số chung của nhân loại để mãi trường tồn với thời gian.