Ba phương án thiết kế cầu Trần Hưng Ðạo vượt sông Hồng có gì nổi bật?
Sau 2 tháng tổ chức thi tuyển, ba thiết kế cầu Trần Hưng Đạo (vượt sông Hồng) nổi bật nhất đã được lựa chọn để trình UBND TP Hà Nội. Kiến trúc sư cho rằng đây không phải là cuộc thi thiết kế cầu mà chỉ là cuộc thi vẽ trang trí cầu…
Ba thiết kế nổi bật đoạt giải
Ban QLDA đầu tư hạ tầng giao thông TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, đại diện Ban tổ chức đánh giá có 12 đơn vị đáp ứng yêu cầu sơ tuyển, trong đó có các đơn vị tư vấn, thiết kế quốc tế đến từ các nước như Nhật Bản, Phần Lan…
Ngày 19/1 vừa qua, Ban Giao thông và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã họp và công bố danh sách các phương án tham gia thi tuyển kiến trúc thiết kế cầu Trần Hưng Đạo. Theo đó, có 20 phương án thi tuyển của 12 đơn vị tư vấn, thiết kế trong và ngoài nước có đủ điều kiện được Ban tổ chức họp chấm điểm, trao giải.
Theo đó, kết quả của cuộc thi này là do Hội đồng chấm thi lựa chọn theo tiêu chí của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng cũng là Chủ tịch Hội KTS Việt Nam TS.KTS Phan Đăng Sơn đã cho biết: "Các phương án được lựa chọn đều đáp ứng các tiêu chí về tính bền vững, thẩm mỹ, sáng tạo, phù hợp với văn hoá, môi trường cảnh quan xung quanh và kinh phí đầu tư xây dựng”.
Được biết, tại vòng thi tuyển, Hội đồng tuyển chọn đã nghe thuyết trình 20 phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Sau 1 ngày chấm thi, Hội đồng tuyển chọn đã tìm ra được 3 phương án có thiết kế nổi bật nhất để đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận, trao giải. Tiếp đó sẽ chọn ra phương án tối ưu nhất để làm phương án thiết kế xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, 3 phương án kiến trúc vừa được Ban Tổ chức chọn để đề xuất UBND TP.Hà Nội trao giải, bao gồm: Phương án thiết kế số 12, Phương án thiết kế số 18, Phương án thiết kế số 7. Trong đó, phương án thiết kế số 12 của Đơn vị Tư vấn, thiết kế đến từ Nhật Bản được Hội đồng chấm thi cho điểm cao nhất.
Tuy nhiên, theo ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội chia sẻ: “Cần nói rõ đây không phải thi thiết kế cầu mà chỉ là thi vẽ trang trí cầu. Vì đề thi đã chỉ ra cầu làm theo loại kết cấu, toàn bộ kích thước hình dáng ,chiều dài, chiều cao, độ dốc, điểm đầu điểm cuối đã được khẳng định. Nhiệm vụ các phương án dự thi là thêm thắt các phần trang trí vào… Như vậy thì không có gì nổi bật cả, vì các phương án phải bám chặt các khối hình có sẵn”.
Đẹp và tiện lợi khó đi cùng đường
Theo ông Ánh, cả ba phương án làm tốt nhất các yêu cầu trong đầu bài thi đặt ra, dựa trên các dạng hình học khống chế để uốn éo cho lạ mắt… nhưng cũng không vượt khỏi các định dạng kết cấu cơ bản. Mỗi phương án đặt ra một cái tên và mô tả bằng lời ý nghĩa gán cho cái tên tự đặt ra… Cái chưa tốt là càng uốn éo thì đi kèm với nó là giá thành chế tạo tăng, tổng đầu tư xây dựng tăng và sẽ còn tăng mạnh sau này khi vận hành duy tu sửa chữa.
Chính vì vậy ông Chủ tịch Hội đồng TS.KTS Phan Đăng Sơn đã rất thận trọng lưu ý khi nhận định như sau: “Phương án được lựa chọn xong sẽ tiếp tục hoàn thiện nhưng những cái hoàn thiện đó là hoàn thiện về chi tiết, còn cái tổng quan về hình thái kiến trúc cũng như về cấu trúc về giao thông phù hợp và thứ 3 là về kinh phí cũng sẽ đáp ứng được theo yêu cầu tổng mức của Hà Nội quy định".
Ngoài ra, ông Ánh cho rằng về mặt kỹ thuật thì hầu như tất cả các cầu lớn và trung bình trên thế giới ngày nay đã được tính toán tự động bởi các phần mềm chuyên dụng. Kết quả tính toán cho ra các thông số kỹ thuật an toàn và kèm theo giá thành, thậm chí còn thông báo cho cả địa chỉ nhà sản xuất, thời gian thực hiện…
“Do vậy tôi cũng chưa rõ cầu này lấy tiêu chí nào làm ưu tiên. Nếu ưu tiên là giá thành thì cầu này với cùng nhiệm vụ 6 làn xe chạy 80km/h với chiều dài cầu và đường dẫn tương đương …cầu hơn 9000 tỷ đắt gần gấp đôi cầu Vĩnh Tuy và gấp 4 lần cầu Hưng Hà mới khánh thành nối Hưng Yên với Nam Hà”, ông Trần Huy Ánh cho biết thêm.
Theo vị Kiến trúc sư này, Quy hoạch GTVT ghi là cầu hoặc cầu ngầm Trần Hưng Đạo, Bản vẽ quy hoạch do Viện Quy hoạch Hà Nội công bố vẽ là cầu ngầm …Là có lý do:
Thứ nhất Quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống chưa phê duyệt thì vẽ cầu nổi tại đây căn cứ vào quy hoạch nào? Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang còn rà soát đánh giá và riêng mục giao thông thủy đang thiếu hụt, giao thông đô thị đang tồn tại nhiều bất cập.
“Tĩnh không cầu +9,5 m thấp hơn tất cả các cầu mới xây +11,1m đảm bảo cho tàu 3000 tấn qua lại. Nếu hạ thấp được bằng cầu Chương Dương, Long Biên thì sao không làm luôn cầu 2 tầng cho đường sắt đường bộ chạy chung như cầu Thăng Long” ông Ánh băn khoăn.
Đường dẫn xuống không được đặt ngoài đê (ý kiến của Bộ NN&PTNT) Đặt trong phố thì làm rối loạn giao thông trung tâm thành phố - Chuyên gia Nhật Bản đã phân tích trong báo cáo đánh giá quy hoạch phát triển toàn diện Thủ đô ( báo cáo HAIDEP 2006) và phá hủy trực tiếp phương án hạn chế phương tiện cơ giới vào trung tâm TP nhằm hạn chế ùn tắc và bảo vệ môi trường đã được Hà Nội quyết tâm triển khai nhiều năm nay.
Cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được tổ chức từ tháng 11/2021, sau khi phương án kiến trúc do nhà đầu tư đưa ra bị phản ứng. Giải thưởng phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tại cuộc thi này là 1,3 tỷ đồng, trong đó giải Nhất là 800 triệu đồng, giải Nhì là 300 triệu đồng và giải Ba là 200 triệu đồng. Sau khi chọn được 3 phương án thi công, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã đề xuất việc triển lãm, trưng bày kết quả thi tuyển và tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo trong thời gian tới. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị có liên quan tổ chức trưng bày, triển lãm và tham vấn ý kiến cộng đồng trong thời gian 1 tháng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, từ việc triển lãm, trưng bày kết quả thi tuyển, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổng hợp ý kiến cộng đồng, xem xét kết quả phê duyệt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo báo cáo UBND TP Hà Nội. |