TP HCM: Trẻ mắc Covid-19 tăng
Chiều 23/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay, số ca trẻ em mắc Covid-19 trên địa bàn TP HCM gia tăng.
Xây dựng kế hoạch điều trị trẻ Covid-19
Từ ngày 14/2 đến nay, TP HCM ghi nhận số ca trẻ em mắc Covid-19 gia tăng. Tuy nhiên hầu hết là ca bệnh ở mức độ nhẹ nhẹ và trung bình. Tính đến ngày 22/2, hiện có 100 ca bệnh trẻ em mắc Covid-19 đang điều trị nội trú tại 3 bệnh viện Nhi đồng.
Theo phân tích tình hình sức khỏe của 100 trẻ mắc Covid-19 (có 15% ca bệnh đến từ các tỉnh) cho thấy, 84% trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng). Trong đó, có 89 ca có các triệu chứng trung bình hoặc nhẹ và chỉ 11 ca phải hỗ trợ hô hấp.
Sở Y tế TP HCM đặc biệt quan tâm đến số ca mắc mới ở trẻ em. Về tình trạng gia tăng số trẻ em mắc Covid-19, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, từ 14/2 đến nay, số ca trẻ em tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước (7-13/2). Theo đó, tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học, gồm: 706 giáo viên và 6.799 học sinh. Hơn 200 trường học phát sinh ca nhiễm ở tuần rồi.
“Ngành y tế xem đây là nhóm cần được quan tâm đặc biệt. Đáng lưu ý, 93% trẻ em mắc bệnh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine”, ông Thượng nói.
Nguyên nhân số trẻ mắc Covid-19 tăng được cho là do học sinh đi học trở lại. Hiện thành phố đã chuẩn bị 450 giường. Cụ thể, có 150 giường hồi sức hô hấp tại 3 bệnh viện Nhi thành phố, sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 cũng như phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị.
Sở Y tế TP. HCM đã lên kế hoạch theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TP HCM xem xét chính sách dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, TP HCM cũng xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng. Sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ < 12 tuổi. Tập huấn cho hệ thống y tế, giáo viên, giúp nhận biết các dấu hiệu xử trí ban đầu, quy trình xử trí F0 trong trường học.
Ngày 21/2, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp. Điểm mới mà Bộ Y tế đưa ra là giảm thời gian cách ly đối với trường hợp F1.
Theo đó, đối với những học sinh là F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng sẽ cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5.
Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 5 thì được đi học trực tiếp trở lại và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo, đồng thời thực hiện 5K.
Đối với những học sinh là F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine thì thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7.
Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 sẽ được đi học trực tiếp trở lại và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo. Với những trẻ cùng lớp không phải là F1 thì sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì vẫn đến trường học bình thường.
Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có 1 ca F0 thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú tương tự như qui định cho F1 chưa tiêm đủ liều vaccine.