Giải quyết tình trạng được mùa, mất giá
Theo nhận định của các chuyên gia, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành trước tiên cần giải quyết căn bản tình trạng được mùa, mất giá. Đồng thời, tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại năng suất, chất lượng, bền vững và sức cạnh tranh cao.
Cần sự tham gia của “5 nhà”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan khẳng định, Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành mang tầm nhìn dài hạn, không chỉ giải quyết các vấn đề nội tại của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà còn tiếp cận xu thế phát triển của thời đại, của thế giới. Tuy nhiên để hiện thực hóa được Chiến lược, cần sự tham gia của 5 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà tiêu thụ và nhà băng (ngân hàng).
Mục tiêu của Chiến lược đòi hòi ngành nông nghiệp phải đổi mới tư duy sản xuất, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “đa giá trị”.
Hướng tới hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh là yêu cầu đặt ra, gắn với việc cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương. Cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học – công nghệ. Chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.
Cùng với nông nghiệp, ngành cũng sẽ chú trọng phát triển kinh tế nông thôn. Nghiên cứu, có chính sách để thu hút, khuyến khích các DN đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động; từ đó, từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, các chuyên gia cho rằng trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân; đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Cùng với sự tham gia tích cực cũng cần phải có cơ chế chính sách phù hợp, đột phá.
Trong đó để từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra, đảm bảo “ly nông bất ly hương" sẽ cần phải đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, có các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động.
Đổi mới thị trường phân phối
Một trong những giải pháp để xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp là phải có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.
“Cần phải sửa đổi, có các chính sách linh hoạt về sử dụng đất đai; phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Thứ nữa là về tín dụng, cần phát triển tín dụng chính thức cho nông hộ, DN, hợp tác xã và tín dụng theo chuỗi” - TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh.
Cũng theo TS Thắng, trong giai đoạn mới, nếu muốn nâng cao quy mô sản xuất, vị thế của người nông dân thì bắt buộc phải hợp tác. Ngành cũng sẽ cần hình thành hệ thống các DN đầu tư vào nhóm ngành hàng chiến lược; trong đó, DN đầu tàu đảm bảo vai trò hạt nhân, dẫn dắt chuỗi giá trị. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò của các hiệp hội. Đặc biệt để hướng đến kinh tế nông nghiệp cần phải giải quyết căn bản tình trạng được mùa, mất giá.
Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, để không còn tình trạng được mùa, mất giá, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, rất cần cải thiện vấn đề thông tin thị trường và liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Đặc biệt, hiện nay ngành trồng trọt không có quy hoạch cho từng sản phẩm mà gắn với quy hoạch chung của từng tỉnh, thành phố, do đó các địa phương trong định hướng phát triển cần có quy hoạch phát triển cho nông nghiệp, nông thôn. Từ đó có chính sách dài hơi trong đầu tư phát triển.
Về vấn đề thị trường, Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho rằng hiện nay các nước có cơ quan nghiên cứu, phân tích, trong khi ở Việt Nam thì chưa có. Cơ sở dữ liệu ngành hàng nông sản hiện cũng chưa tạo được hệ thống đồng bộ. Do đó trong định hướng chiến lược thời gian tới, việc chuyển đổi số phải được chú trọng nhằm giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ nông sản…
Để bảo đảm đầu ra cho nông sản, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đổi mới hệ thống phân phối thị trường trong nước là yêu cầu đặt ra. Kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản gắn với các vùng chuyên canh. Từng bước hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistic ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm…