Phận người gánh cả đêm đông

Giang Vương 24/02/2022 08:19

Chúng tôi có mặt tại ở khu chợ đầu mối Long Biên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong cái rét dưới 10 độ C, để ghi nhận những phận người đang oằn mình mưu sinh trong cái lạnh thấu xương. Mặc cho cơn mưa đêm mỗi lúc một nặng hạt, những người cửu vạn vẫn miệt mài gùi, kéo những xe hàng nặng trĩu…

Không kể là phụ nữ, người già họ vẫn trầm mình kéo những chuyến hàng mưu sinh.

Đẫm mồ hôi trong giá rét

Gần 10h đêm, từng đoàn xe tải đầy ắp hàng nối đuôi nhau đổ về chợ đầu mối Long Biên. Phần lớn là xe hoa quả, hải sản từ ngoại tỉnh đổ về. Cũng từ đây, các thương lái sẽ lấy hàng để phân đi các mối nhỏ lẻ khác.

Hòa lẫn trong sự tất bật của các thương lái là những phận người làm nghề bốc xếp ở khu chợ này. Họ đến ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, có cả người già, người trẻ, phụ nữ trung niên…tất cả đều hằn lên sự nhọc nhằn, vất vả.

Càng về khuya, nền nhiệt càng xuống thấp, kéo theo mưa phùn. Những đợt gió cuộn từ sông Hồng kéo vào, thổi thốc lên, tạt từng hạt mưa vào mặt, tê buốt. Tuy nhiên, sự huyên náo, gấp gáp ở khu chợ luôn tỏa ra sức nóng hầm hập. Quãng đường từ trong bãi tập kết hàng ra đến xe của thương lái chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1km, sình lầy, trơn trượt khiến những bước chân của người cửu vạn nặng nề hơn.

Người đàn ông trạc tuổi 50 tuổi đang chờ đến lượt xe mình xếp hàng, anh tên Thu, quê ở Hưng Yên. “Đây là năm thứ 20 tôi làm phu khuân vác ở chợ này. Từ năm 28 tuổi cơ. Năm nay đã 48 tuổi rồi” – anh Thu chia sẻ và cho biết thêm, mới đầu thì bốc, vác, sau nâng lên xe kéo nhỏ, giờ thì kéo cái xe trọng tải lớn hơn.

Những chuyến xe nặng trĩu bờ vai.

Về cái duyên gắn với nghề “phu chợ” anh kể, 20 năm trước, anh theo nhóm bạn cùng quê lên Hà Nội kiếm việc làm, tìm mãi chẳng có ai thuê nên đêm đói bụng cả nhóm 5 người kéo nhau ra chợ chơi cho qua cơn đói. “Ai ngờ, đang ngơ ngác thì có người thuê bốc hàng. Thế là bốc thôi. Đói mà, ai thuê gì làm nấy”. Sau đó, cả nhóm anh chuyển đến thuê nhà ở phía sau chợ, ngày nghỉ, đêm làm.

Ngày công kiếm được chẳng là bao nhưng tằn tiện, tích cóp hàng tháng cũng gửi về phụ giúp cho bố mẹ được một ít. Năm 30 tuổi, anh Thu bén duyên với một người phụ nữ cùng quê, cũng cùng làm bốc vác ở khu chợ này. “Cưới xong, cả hai vợ chồng vẫn làm ở đây, đến gần 2 năm sau thì vợ tôi có bầu và nghỉ làm. Đến giờ, các cháu cũng lớn rồi, nên từ năm ngoái vợ tôi lại sát cánh cùng chồng” – người đàn ông hóm hỉnh chia sẻ.

Cũng theo anh Thu, chừng 5 năm trở lại đây, cánh “phu hàng” không đi thuê nhà trọ để ở nữa mà có một xe chung chuyển chở đi làm.

“Tầm 20 -21h là xe đón chúng tôi ở quê, sau đó chở sang chợ này để làm việc. Sau khi chợ tan họp, xe lại chở chúng tôi trở về quê. Người khỏe thì vẫn túc tắc làm công việc của nhà nông, người yếu thì nghỉ ngơi, dưỡng sức để đêm lại bước vào một ngày mới”.

Cũng như anh Thu, chị Nguyễn Thị Lan, quê Nam Định vừa chuyến hàng gần 2 tạ trên xe cho tiểu thương. Chị bảo, đêm nay đã chuyển được chuyến hàng thứ 3 cho chủ hàng, còn chuyến nữa thì xong.

"Nghề này tốn sức lắm, nhất là với cánh phụ nữ chúng tôi, thế nhưng kiếm đồng tiền bây giờ đâu có dễ, vì vậy có việc, có thu nhập là vui rồi” - chị Lan chia sẻ.

Dệt những ước mơ con trẻ

Cùng đội bốc dỡ hàng với anh Thu, Khanh - 21 tuổi, mới vào nghề cho biết, ở quê không có việc làm nên theo các anh, các chú sang đây làm phu khuân vác.

“Mỗi chuyến hàng phụ thuộc vào loại hàng gì, và quãng đường vận chuyển bao xa để chủ hàng ra giá thuê. Phần lớn, mỗi thùng hàng loại 10kg, người khỏe, mỗi chuyến kéo được 30 – 40 thùng (4 tạ). “Làm đêm, vất vả, cơ cực lắm anh ạ. Ráo mồ hôi hết tiền nên kiếm được chút vốn em phải tranh thủ học thêm nghề sửa chữa điện tử để tính kế lâu dài”, Khanh cho biết.

Trong số những người phụ nữ bốc vác ở đây, chúng tôi khá ấn tượng với chị Thanh - người đàn bà dáng nhỏ thó, khoác trên mình chiếc áo có dòng chữ: Trường Đại học Quốc gia. Chị Thanh năm nay 50 tuổi, người Hưng Yên.

Thấy chúng tôi tò mò về chiếc áo, chị gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thổ lộ: “Cái áo của con gái lớn đang học Đại học Quốc gia cho hồi năm ngoái đấy”.

Dưới cái lạnh tê tái dưới 8 độ C, lưng áo họ vẫn thấm đẫm mồ hôi.

Chị Thanh chia sẻ, gia đình khó khăn, nhà chỉ trông vào 3 sào ruộng nên không đủ ăn.

“Chồng tôi nghiện rượu hầu như chả làm gì. Từ khi cháu lớn lên Hà Nội học cũng là lúc tôi lên cùng. Những ngày khi mới làm nghề bốc vác, chưa quen việc, hôm nào đi làm về tay chân cũng sưng đỏ, đau nhức, ê ẩm khắp người. Nhiều lần tôi định bỏ về quê nhưng không đành, bỏ về rồi lấy gì sinh sống”.

Còn theo chị Bích, một người có thâm niên gần 20 năm làm bốc vác ở đây chia sẻ, chở hay bốc vác những thùng hoa quả nặng như xoài (khoảng 10, 15kg/thùng) có giá 5.000 đồng/thùng, loại khác thì 2.000 -3.000 đồng/thùng. Khi hết việc của khách quen, muốn kiếm thêm thì rong xe trong chợ, ai gọi thì chở.

“Hai chị em thuê căn phòng hơn 1 triệu đồng, tiền gửi xe ở nhà, ở chợ khoảng 6 trăm nghìn đồng. Nếu chăm chỉ mỗi tháng cũng bỏ ra được 5, 6 triệu đồng, đủ nuôi hai cháu ăn học ở quê”, chị Bích cho biết.

3h sáng, những chuyến xe kéo của phu cửu vạn cũng thưa dần, những chuyến xe tải của thương lái cũng nổ máy ra về. Thấp thoáng trong một con ngõ nhỏ trở về khu ở trọ, dáng những phu khuân vác liêu xiêu trong cái giá lạnh tái tê.

Chừng 5 năm trở lại đây, cánh “phu hàng” không đi thuê nhà trọ để ở nữa mà có một xe trung chuyển chở đi làm. Tầm 20 -21h là xe đón họ ở quê, sau đó chở sang chợ Long Biên để làm việc. Sau khi chợ tan họp, xe lại chở mọi người về quê nghỉ ngơi để đêm mai bắt đầu vào công việc mới…

Giang Vương