Sách Tiếng Việt 1 chưa dạy chữ P là một việc làm khó hiểu

Nguyễn Hoài 24/02/2022 14:19

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc sách Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam chưa dạy chữ P đứng trước nguyên âm.

Sách Tiếng Việt 1, tập 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam, do tác giả Bùi Mạnh Hùng làm chủ biên, đã bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục. Việc làm này đang khiến nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh và dư luận hết sức bất ngờ. Không ít chuyên gia bày tỏ nghi ngại về vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, ngôn ngữ chính thức của một quốc gia là ngôn ngữ được hình thành từ sự giao lưu văn hoá của cộng đồng các dân tộc trong nước và với cả nước ngoài.

Tiếng Việt cũng vậy, nó là kết quả của giao lưu văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc trên đất Việt Nam và cả với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Xét về các từ ngữ của một ngôn ngữ phải tính đến cả từ chung lẫn từ riêng.

Sách Tiếng Việt 1, tập 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam.

Theo PGS.TS Dân, đối với chữ cái P, khi xét vị trí của nó trong tiếng Việt, phải tính đến cả vị trí của nó trong các từ chung và các từ chỉ tên riêng.

Như thế, chữ P xuất hiện rất nhiều trong từ ngữ tiếng Việt, đặc biệt là trong những từ ngữ dân tộc thiểu số có chữ P độc lập hoặc đi với nguyên âm đã gia nhập ngôn ngữ phổ thông của Việt Nam.

“Việc bỏ không dạy chữ P độc lập và chữ P đi với nguyên âm là một việc làm khó hiểu và không thể biện minh", PGS.TS Nguyễn Văn Dân nêu quan điểm.

Về vấn đề này, thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn để phản hồi về SGK.

Theo thầy Vịnh, sự việc bắt đầu khi có một cô giáo là Chủ biên 1 SGK trong Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống trả lời ông rằng, sách Tiếng Việt 1 của Bộ Kết nối tri thức không dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.

Trước lí do này, thầy Vịnh cho rằng, SGK cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh. Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc.

Với tư cách quản lý giáo dục, thầy Vịnh đã đề nghị Bộ GDĐT và các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam cần bổ sung ngay việc dạy chữ P và đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy đinh.

Thầy Vịnh cho biết, theo thống kê có những địa danh, tên người cụ thể có chữ P đứng trước nguyên âm và khẳng định với Bộ trưởng rằng, đó không phải là những từ ngoại lai như vị chuyên gia soạn SGK đã trả lời ông.

Thầy Vịnh hy vọng rằng, Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc này để học sinh người dân tộc được học chữ P một cách danh chính ngôn thuận bằng hướng dẫn ngay trong sách giáo khoa, vừa không gây khó cho các giáo viên, vừa giúp học sinh học xong lớp một biết đọc tên xã, tên trường, và tên cha mẹ mình, thậm chí ngay chính tên mình.

Về phía NXB Giáo dục Việt Nam, phóng viên đã liên hệ tới bộ phận truyền thông của đơn vị này. Đại diện NXB cho biết sẽ sớm có thông tin chính thức về vấn đề này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới quý bạn đọc ở bài viết tiếp theo.

Nguyễn Hoài