F0 liên tục lập đỉnh, Hà Nội quá tải?
Số ca F0 liên tiếp tăng mạnh những ngày gần đây tại Thủ đô đã gây nên tình trạng quá tải tại nhiều tuyến y tế cơ sở; hàng loạt các mặt hàng thuốc ho, kit xét nghiệm…cháy hàng; giá các loại lá xông, gừng, xả cũng tăng lên chóng mặt.
Bất lực khi liên hệ y tế cơ sở
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, có ngày ghi nhận lên đến hơn 7000 ca và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc trong khoảng thời gian gần đây.
Sở Y tế Hà Nội khẳng định, dịch bệnh vẫn được kiểm soát, số ca mắc tăng nhanh song tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng hiện “trong ngưỡng an toàn”. Thành phố cũng tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24h tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng. Tuy nhiên, số lượng F0 tăng quá nhanh đã làm cho nhiều hoạt động của người dân trở nên xáo trộn.
Điển hình là tình trạng ùn ứ tại các điểm xét nghiệm, trạm y tế phường để xin xác nhận F0 khiến y tế cơ sở gần như quá tải.
Ngay khi có các dấu hiệu ho, rát họng, anh Phạm Văn Cường (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) đã lập tức mua test nhanh tại nhà và kết quả dương tính. Vội vàng liên hệ đến trạm y tế phường để được hướng dẫn, anh được yêu cầu đến địa chỉ số 6 Trần Quốc Hoàn làm xét nghiệm vào lúc 9h sáng.
Tuy nhiên, phải đợi đến hơn 11h anh Cường mới được lấy mẫu vì số lượng quá đông, trong khi chỉ có 3 nhân viên y tế làm việc.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều trung tâm y tế khác, điển hình như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) những ngày gần đây.
Tình trạng người dân ùn ùn kéo đến trạm y tế phường không chỉ để xin xét nghiệm Covid-19 mà thực hiện các thủ tục xác nhận hồ sơ để hưởng trợ cấp, hỗ trợ Covid-19 của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến trong khi lực lượng y tế cơ sở hạn chế đã dẫn đến tình trạng quá tải.
Không những vậy, nhiều F0 cho biết, họ hoàn toàn không thể liên lạc được với y tế cơ sở khi đã có kết quả test nhanh dương tính.
Dù đã tự điều trị 6 ngày kể từ khi “2 vạch”, tuy nhiên chưa ngày nào chị Đinh Quỳnh Anh (25 tuổi, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) liên hệ được với trạm y tế phường.
“Số máy luôn trong tình trạng bận hoặc không nhấc máy nên tôi tự chủ động điều trị tại nhà theo hướng dẫn trên mạng và người quen”, chị Quỳnh Anh cho biết.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Lưu Ngọc Anh (24 tuổi, phường Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết, sau khi tự xét nghiệm, biết mình mắc Covid-19 nhưng khi gọi vào số đường dây nóng của trạm y tế phường Mai Dịch toàn thấy “thuê bao”. Bất lực, chị cùng người bạn tự chủ động cách ly và điều trị cho nhau.
“Điều tôi lo lắng là sau khi đã điều trị xong thì các giấy tờ, thủ tục ra sao để được hưởng những chế độ bảo hiểm xã hội và chính sách của công ty. Trong khi không có giấy tờ gì để chứng nhận, liên hệ thì không được nhưng tôi cũng hoàn toàn thông cảm vì biết bây giờ mọi nơi đều quá tải”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Ngoài tình trạng trên, nhiều F0 sau khi đã hoàn thành quá trình tự cách ly và điều trị tại nhà cũng đành “bó tay” vì không liên hệ được y tế phường để được xác nhận F0 khỏi bệnh.
Trên các nhóm zalo chăm sóc F0 tại nhà của phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), nhiều bệnh nhân than thở, dù đã được hướng dẫn rất nhiệt tình về các thủ tục cũng như danh sách danh bạ liên hệ, tuy nhiên việc gọi điện hầu như không có kết quả.
Giá cả nhiều mặt hàng tăng “phi mã”
Song song với tình trạng quá tải tại tuyến y tế cơ sở, thị trường các mặt hàng thuốc, thực phẩm phục vụ cho việc điều trị của F0 cũng được thời “loạn giá”. Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, hàng loạt hiệu thuốc trong trạng thái “cháy hàng” kit test nhanh, nước muối sinh lý, viên sủi bù điện giải…Tình trạng này không khỏi khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Vừa nhận tin trong nhà có 3 thành viên mắc Covid-19, bà Trần Thị Bình (57 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu) tất tả ra hiệu thuốc để chuẩn bị cho quá trình điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đến nhà thuốc nào cũng đông nghẹt người xếp hàng chờ mua mà thuốc thì “cháy hàng”.
“Đến tận hiệu thuốc thứ 3, xếp hàng cả buổi mà tôi mới mua được 4 lọ viên sủi điện giải và nước muối sinh lý”, bà Bình cho hay.
Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, giá kit test nhanh cũng liên tục tăng chóng mặt do sức mua lớn, hàng loạt hiệu thuốc rơi vào tình trạng khan hàng. Chủ một hiệu thuốc trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) cho biết, nếu như trước Tết, giá một bộ kit test BioCredit nhập buôn là 50.000 đồng/bộ thì hiện tại đã lên đến hơn 60.000 đến 70.000 đồng/bộ. Vậy nên giá bán lẻ bắt buộc phải tăng theo, trong khi hàng không có sẵn mà nhập. Giá tăng mạnh nhưng người dân vẫn phải “cắn răng” mua.
Bên cạnh đó, các loại lá xông, gừng, xả…cũng tăng phi mã. Đang là F1 nhưng Nguyễn Đức Cường (20 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cứ 3 ngày một lần lại ra chợ mua hương liệu xông hơi cho người bạn cùng phòng. Tuy nhiên, mỗi lần mua lại thấy giá gừng, xả tăng hơn lần trước từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg.
Cũng theo khảo sát của PV, so với thời điểm trước Tết, giá các loại thực phẩm để xông hơi như: Chanh tăng từ 20.000 đồng lên khoảng 30.000-40.000 đồng/kg; giá gừng tăng 10.000 đồng, lên khoảng 40.000-50.000 đồng/kg; giá sả tăng từ 10.000 đồng lên khoảng 30.000 đồng/kg; các loại lá xông khác như tía tô, ngải cứu, lá bưởi có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/bó…
Không nên quá phụ thuộc vào kết quả test nhanh
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, các ca F0 tại Hà Nội sẽ vẫn còn tiếp tục tăng lên trong thời gian sắp tới và chưa có dấu hiệu “đạt đỉnh”, bởi vậy, giá các loại thuốc điều trị triệu chứng Covid-19, kit test nhanh hay các loại hương liệu để xông hơi tăng lên là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tình trạng kit test nhanh liên tục khan hàng, thậm chí “cháy hàng” do F0 tăng lên đột biến mà công suất xét nghiệm PCR không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong hoàn cảnh dịch diễn biến phức tạp, cách tốt nhất để hạn chế tình trạng trên vẫn là người dân cần tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm.
Hiện nay nhiều người đang có tâm lý “đằng nào cũng F0”, thà bị một lần rồi thôi. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận lại cho thấy rất nhiều trường hợp tái nhiễm. Chúng ta cũng không nên quá phụ thuộc vào kết quả của test nhanh hay PCR bởi mục tiêu của các phương pháp này đều là chẩn đoán và điều trị. Trong khi chẩn đoán không chỉ phụ thuộc vào xét nghiệm mà còn bao gồm các tiêu chí: Kinh nghiệm, lâm sàng, triệu chứng và dịch tễ. Ngoài ra, sau khi điều trị, các triệu chứng đã hết cũng không cần cố gắng đợi test để thành âm tính. Để tránh trường hợp âm tính giả, người dân cũng có thể chủ động tự cách ly thêm 3 – 5 ngày, nếu trong người vẫn mệt mỏi, có thể ở nhà trong vòng 10-14 ngày để đảm bảo lượng virus đã được đào thải hết khỏi cơ thể và nồng độ virus thấp không có nguy cơ lây nhiễm cho mọi người.
Tăng cường xử lý các thủ tục hành chính qua mạng
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, cần tăng cường việc xử lý các thủ thủ tục hành chính qua mạng như xác nhận F0, xác nhận đã khỏi bệnh…để tránh tình trạng xếp hàng dài đến trạm y tế phường gây nên quá tải. Số lượng dương tính hiện nay rất nhiều và tăng lên rất nhanh, thực tế có thể gấp 5 đến 10 lần số lượng báo cáo. Do vậy, các thủ tục hành chính cần được xem xét để giản lược hoặc có thể loại bỏ để tránh phiền hà, phức tạp.
Về vấn đề loạn giá kit test nhanh, PGS.TS. Nga cho rằng, khi không có các triệu chứng mắc Covid-19, người dân cũng không cần thiết phải mua test nhanh theo “phong trào”. Bên cạnh đó, báo chí cũng không nên kêu gọi người dân tự ý test nhanh tại nhà. Quan trọng nhất vẫn là chủ động bảo vệ mìnhvà tuân thủ các quy định phòng chống dịch dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế.