Mối hiểm họa với biến đổi khí hậu khi giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã vô tình kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, tác động trực tiếp đến những cam kết toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở Glasgow năm 2021.
Khủng hoảng năng lương tại châu Âu
Chỉ ba tháng trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã gặp gỡ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu COP26 ở Glasgow và đưa ra những cam kết đầy tham vọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 cho phép quân đội quốc gia tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở khu vực Donbass, châu Âu đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn về năng lượng khi giá cả leo thang chóng mặt.
Vấn đề an ninh năng lượng đã trở cấp thiết hơn bao giờ hết trong khi cuộc xung đột ở Ukraine đang làm gia tăng mối lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên đối với châu Âu.
Bà Lucia van Geuns, cố vấn năng lượng chiến lược tại Trung tâm Hague nhấn mạnh: “Giá xăng đã tăng rất cao, đồng thời sự an toàn về nguồn cung và giá cả đột ngột biến động đã trở thành chủ đề chính của nhiều cuộc tranh luận công khai”.
Vấn đề độc lập năng lượng và an ninh quốc gia có thể sẽ khuyến khích các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia lùi bước trong nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trực tiếp làm tăng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào bầu khí quyển.
Giá cả tăng vọt đã thúc đẩy nhiều quốc gia sản xuất và tiêu thụ thêm các loại nhiên liệu đang góp phần làm Trái đất nóng lên. Nhập khẩu than đá sang Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 1/2022 đã tăng hơn 56% so với năm trước.
Ở Anh, Cơ quan Quản lý Than vào tháng trước đã cho phép một mỏ ở xứ Wales tăng sản lượng thêm 40 triệu tấn trong hai thập kỷ tới. Tại Australia, quốc gia này có kế hoạch mở rộng các mỏ than đá. Bên cạnh đó ở Trung Quốc, quốc gia có truyền thống coi an ninh năng lượng là mối ưu tiên hàng đầu, đã tăng cường hơn nữa sản xuất than đá và phê duyệt ba mỏ than mới trị giá hàng tỷ USD trong tuần này.
Vào tháng 12/2021, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm tuyên bố: “Hãy tăng số lượng giàn khoan”, đồng thời thúc giục các nhà sản xuất dầu của Mỹ tăng sản lượng. Các công ty dầu khí đá phiến ở bang Oklahoma, Colorado và các bang khác đang tìm cách phục hồi hoạt động, nơi việc khoan hiện đã trở nên có lãi sau sự cố dầu mỏ vào nửa đầu năm 2020, trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong tháng này, Exxon Mobil - Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ, đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu cho các giếng dầu mới và nhiều dự án khác.
Ian Goldin, Giáo sư toàn cầu hóa và phát triển tại Đại học Oxford cảnh báo rằng, giá năng lượng tăng cao có thể dẫn đến việc khai thác nhiều hơn các nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Ông nói: “Các chính phủ sẽ muốn loại bỏ năng lượng tái tạo và năng lượng bền vững, đó chính xác là một phản ứng sai lầm”.
Đối với Đức, sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã là một phần không thể thiếu của quốc gia này trong nhiều năm. Kế hoạch cho đường ống dẫn dầu trực tiếp đầu tiên giữa hai nước, Nord Stream 1, bắt đầu vào năm 1997. Đi đầu trong việc thúc đẩy giảm lượng khí thải carbon, thủ đô Berlin đã chuyển sang đóng cửa các mỏ than đá và nhà máy điện hạt nhân, sau thảm họa năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật.
Ý tưởng là khí đốt của Nga sẽ cung cấp nhiên liệu cần thiết trong quá trình chuyển đổi kéo dài nhiều năm sang các nguồn năng lượng sạch hơn. 2/3 lượng khí đốt mà Đức tiêu thụ năm ngoái đều đến từ Nga.
Các kế hoạch trong tương lai của Đức đang hướng đến Nord Stream 2, một đường ống mới dài 1200 km dưới Biển Baltic nối trực tiếp đường ống dẫn dầu của Nga với đông bắc nước Đức. Tuy nhiên, vào ngày 22/2, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở Ukraine và huy động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tạm dừng và đánh giá lại việc chứng nhận dự án đường ống dẫn dầu trị giá 11 tỷ USD được hoàn thành vào năm ngoái.
Tương lai nào cho các cam kết về khí hậu?
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững của châu Âu luôn là một phép tính phức tạp, đòi hỏi khu vực này phải tránh xa nhiên liệu hóa thạch gây hại nhất như than đá, trong khi vẫn phải duy trì hợp tác với các nhà sản xuất dầu và khí đốt để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình, ô tô và nhà máy, cho đến khi có các giải pháp thay thế tốt hơn.
Chắc chắn, con đường chuyển đổi năng lượng chưa bao giờ rõ ràng. Năm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đã diễn ra trong vòng 30 năm qua, và tiến độ thực hiện các cam kết vẫn còn quá chậm chạp. Những biến động mới nhất này có thể chỉ là bước đầu trong một chuỗi dài các thất bại nửa chừng.
Tuy nhiên, nếu không có một chiến lược toàn diện hơn để tự loại bỏ khí đốt, châu Âu sẽ không thể hoàn thành mục tiêu giảm lượng khí thải 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990, hoặc đạt được mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Glasgow là đạt “net zero” vào năm 2050.
Giá năng lượng bắt đầu tăng trước khi Tổng thống Putin bắt đầu tập trung quân đội ở biên giới phía đông Ukraine, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nhu cầu tăng vọt.
Sarah E. Mendelson, người đứng đầu trường Đại học Carnegie Mellon’s Heinz ở Washington, khẳng định: “Châu Âu phụ thuộc khá nhiều vào khí đốt và dầu của Nga, và điều này là không bền vững”. Bà nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đã không tập trung đủ vào độc lập năng lượng trong những năm gần đây.
Nhìn chung, châu Âu sử dụng hơn 1/3 lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu từ Nga. Việc lưu thông năng lượng đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây, trong khi nguồn dự trữ ở châu Âu đã giảm xuống chỉ còn 31% công suất.