Điều trị Covid-19 tại nhà: Không tự ý sử dụng thuốc kháng virus
Số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao đã tác động tiêu cực tới tâm lý của người dân, đặc biệt là những F0 đang điều trị tại nhà. Các mặt hàng như kit test nhanh Covid-19, thuốc kháng virus, nước muối sinh lý, xuyên tâm liên… được nhiều người tìm mua với đủ chủng loại và giá cả, mà chất lượng thì không đảm bảo…
Nhộn nhịp mua thuốc online
Một ví dụ cụ thể về thuốc kháng virus đang được rất nhiều người tìm mua là loại thuốc Arbidol của Nga, với nhiều lời quảng cáo như hỗ trợ tăng sức đề kháng và điều trị Covid-19. Tại một tiệm thuốc trên địa bàn quận Ba Đình, khi được hỏi về sản phẩm này, nhân viên nhà thuốc cho biết: “Thuốc Arbidol dạng viên có giá gần 600.000 đồng/hộp nhưng đã hết hàng, đây là loại thuốc đang được khá nhiều người mua”.
Khảo sát tại một vài nhà thuốc khác trong khu vực, kết quả đều tương tự khi nhân viên thông báo loại thuốc này đang “cháy hàng”.
Không chỉ Arbidol, Liên hoa thanh ôn - một loại thuốc của Trung Quốc cũng đang được mua bán rất nhộn nhịp trên mạng xã hội. Một trang thương mại điện tử rao bán công khai loại thuốc này với giá 250.000 đồng/hộp.
Trang mạng này cũng quảng cáo, đây là loại thuốc khuyên dùng trong sơ đồ chẩn đoán và hỗ trợ điều trị viêm phổi virus chủng mới do Ủy ban Sức khỏe quốc gia và Cục quản lý nhà nước về Y học Cổ truyền Trung Quốc đồng thời công bố. Tác dụng của loại thuốc theo chia sẻ là nhằm ức chế sự phát triển của virus, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh…
Những quảng cáo công khai đó cũng xuất hiện trên các hội nhóm, các Facebook cá nhân. Có giá thành rẻ kèm theo cách hướng dẫn sử dụng chi tiết, cụ thể khiến nhiều người sẵn sàng mua để dự phòng.
Ông Vũ Trọng Hùng (60 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Được người quen giới thiệu về tác dụng tốt của thuốc Liên hoa thanh ôn trong điều trị bệnh Covid-19 cùng với giá thành khá rẻ nên tôi đã quyết định tìm mua và dùng thử. Dù chưa mắc Covid-19 nhưng người bán hướng dẫn rằng thuốc này có cả tác dụng phòng bệnh nên tôi uống hàng ngày”.
Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Tuy nhiên, thực tế về công dụng của những loại thuốc được quảng cáo như “thần dược” này ra sao?
Về vấn đề này, BS Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, Arbidol có hoạt tính kháng một số chủng virus cúm A, B và adenovirus, rhinovirus… Đây là loại thuốc được Bộ Y tế Nga đưa vào danh sách các thuốc điều trị Covid-19 nhưng tháng 9/2021 thì cũng chính cơ quan này đã loại Arbidol ra khỏi danh sách đó, thậm chí ngay cả trường hợp mắc Covid-19 nhẹ, không triệu chứng cũng không được khuyến cáo sử dụng thuốc.
Arbidol cũng được thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc từ năm 2020 và được kết luận rằng, “thần dược” đang được người dân Việt Nam săn lùng không có sự khác biệt về tỷ lệ hạ sốt, giảm triệu chứng ho và tỷ lệ cải thiện hình ảnh CT ngực; cũng không có sự thay đổi rõ ràng các các triệu chứng bất lợi do dùng thuốc như tiêu chảy, buồn nôn và chán ăn. Tức là thuốc “vô thưởng vô phạt”.
Nghiêm khắc hơn, Dược sĩ Hà Quang Tuyến - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: Mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus cần đúng chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra.
Hiện nay, các loại thuốc như Arbidol, Liên hoa thanh ôn đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam, các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm các diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng…
Vì vậy, việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược giảm hiệu quả phòng, chống dịch, tạo cơ hội cho nhưng cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân.
Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng của người bệnh khi mắc Covid-19.
Theo Bộ Y tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi.
Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng,... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.
Bộ Y tế đề nghị, các địa phương và các đơn vị tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chồng chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.
“Chúng ta đã từng lên án thuốc ung thư giả một cách gay gắt. Vậy thì tại sao, chúng ta lại sẵn sàng thỏa hiệp về việc sử dụng các mặt hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, chất lượng, với cam kết chỉ bằng mồm của người bán và không chịu trách nhiệm pháp lý khi có vấn đề xảy ra? Việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược; giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho nhưng cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân” - Dược sĩ Hà Quang Tuyến nói.