Chuyển đổi số tiêu dùng bán lẻ: Hệ sinh thái Masan sở hữu các lợi thế vượt trội
Masan là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi mô hình cung cấp nhu yếu phẩm thuần túy sang mini-mall đa tiện ích.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu bởi những công nghệ mới như AI, Blockchain, IoT, BigData… đã và đang làm thay đổi hành vi xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Chuyển đổi số là xu hướng không thể cưỡng lại trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động lên mọi mặt của nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam.
McKinsey: Việt Nam dẫn dắt tăng trưởng tiêu dùng châu Á
Trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đạt 4.128 nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia dự báo nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ 2 năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD về quy mô.
Với 40% dân số thuộc tầng lớp tiêu dùng, Việt Nam đang có vị thế rất tốt để trở thành động lực dẫn dắt câu chuyện tiêu dùng của khu vực châu Á bước sang một chương mới, theo nhận định của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI).
Ngoài ra, ” Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt “của McKinsey chỉ ra nhiều sự thay đổi về nhân khẩu học của tầng lớp tiêu dùng Việt. Đáng lưu ý là sự nổi lên nhanh chóng của đối tượng người tiêu dùng kỹ thuật số. “Công dân thế hệ số”, gồm thế hệ Z và thế hệ Y - những người sinh trong giai đoạn 1980-2012, có thể chiếm 40% tiêu dùng của Việt Nam ở năm 2030.
Chuyển đổi số là xu hướng không thể cưỡng lại
Ở mặt tích cực, các doanh nghiệp Việt đang có cơ hội lớn để chuyển đổi số. Những thống kê đã chỉ ra rằng, đang có những thay đổi lớn về thói quen chi tiêu của khách hàng và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tác động của đại dịch Covid-19 cũng đã phần nào đó giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, qua khảo sát về tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp phải những rào cản, khó khăn. Trong đó, có tới 60% doanh nghiệp nói rằng chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ là một rào cản. Năng lực quản trị dữ liệu, khả năng tiếp cận nguồn vốn, thông tin, tài liệu, tìm kiếm chuyên gia chính là những rào cản lớn đối với chuyển đổi số Việt Nam, bên cạnh vấn đề về chi phí.
Trong giai đoạn vừa qua, lợi ích của chuyển đổi số có thể trông thấy rõ khi đã giúp nhiều doanh nghiệp phát triển thêm kênh bán hàng, mở rộng tệp khách hàng để phân phối tốt hơn tới các thị trường tiềm năng.
Là tập đoàn tiêu dùng dẫn đầu giá trị vốn hóa, và sở hữu hệ thống WinMart/ WinMart+ quy mô nhất cả nước, Masan cũng là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi mô hình cung cấp nhu yếu phẩm thuần túy sang mini-mall đa tiện ích, kết nối toàn bộ nhu cầu của người tiêu dùng, trên một nền tảng bao trùm xuyên suốt từ online đến offline, là điểm đến “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe, chiếm đến 80% chi tiêu của người tiêu dùng.
Mô hình mini-mall là bước đầu mà Masan đang từng bước hiện thực hóa chiến lược Point-of-life. Chiến lược "Point of Life" của Masan hướng đến phục vụ 35 - 50 triệu khách hàng.
Hiện nay, tại các điểm WinMart+ hoạt động theo mô hình mini-mall được tích hợp đa tiện ích không chỉ nhu yếu phẩm (WinMart+) và F&B (Phúc Long), dịch vụ tài chính (Techcombank) mà còn có dịch vụ số (Mobicast, sở hữu thương hiệu mạng Reddi), dược phẩm (Phano),…
Chủ tịch Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: "Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX thành nền tảng tiêu dùng, công nghệ hàng đầu. Trong năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần đến phân phối để phục vụ 100 triệu người Việt. Bước đi này không chỉ tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) nhằm nâng cao hiểu biết về khách hàng, phục vụ các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất".
Từng bước vươn lên vị trí hàng đầu
Hoạt động tích cực nhất trong năm 2021, Masan Group với hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ Point of Life đã liên tục thực hiện các thương vụ M&A nhằm bổ sung những mảnh ghép chiến lược, đầu tư vào các phát kiến mới và bắt tay hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới để tăng tốc số hóa.
Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Chính vậy, Masan đã đầu tư 295,5 tỷ đồng, mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast (sở hữu thương hiệu mạng Reddi), mở rộng sang lĩnh vực viễn thông, bước đầu số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”.
Đây là bước chân đầu tiên của Masan để đạt mục tiêu xa hơn - có mặt ở lĩnh vực dịch vụ số - 1 trong 3 trụ cột của nền tảng Point of Life sau nhu yếu phẩm và dịch vụ tài chính. Các dịch vụ của Mobicast hướng đến các khách hàng yêu thích công nghệ, có nhu cầu lớn về sử dụng data và đời sống số.
Tận dụng các thành quả và đón đầu các xu hướng tương lai của ngành viễn thông và công nghệ như 5G, IOT, e-sim, mobile money,… mạng Reddi tập trung phát triển và cung cấp các giải pháp viễn thông và dịch vụ số cho nhóm khách hàng trẻ, hiện đại, yêu thích khám phá các tiện ích mới thông qua nền tảng ứng dụng di động. Reddi đang hoàn thành từng bước theo đúng lộ trình trên hành trình mang đến các dịch vụ thú vị, cá nhân hóa trải nghiệm cho người dùng.
Ước tính, nhu yếu phẩm và dịch vụ tài chính chiếm 50% chi tiêu tiêu dùng của người dân Việt Nam. Với mảnh ghép chiến lược thứ 3 này, Masan đã gia tăng khả năng tiếp cận chi tiêu tiêu dùng (wallet share) của người Việt lên 80%.
Việc có mặt ở nhiều lĩnh vực đem lại cho tập đoàn này cơ sở khách hàng lớn: 98% gia đình Việt có ít nhất một sản phẩm của Masan, 9 triệu khách trung thành tại WCM, gần 5 triệu người dùng có thu nhập khá giả từ Techcombank.
Bên cạnh đó là đối tượng người trẻ, có phong cách sống hiện đại từ Phúc Long lẫn khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng từ các đối tác offline-to-online chiến lược, trong đó có Lazada.