Mở rộng 'lá chắn' vaccine
Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu thập những thông tin khách quan về ý kiến của các tầng lớp nhân dân xung quanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả cho thấy đại đa số nguồi dân đồng thuận sẵn sàng đưa trẻ từ 5-11 tuổi đi tiêm vaccine phòng Covid-19.
Cụ thể cuộc thăm dò cho thấy 78% ý kiến cho rằng việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi là “rất cần thiết, cần tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt; coi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vaccine thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi...)”. Đại đa số ý kiến (81%) cho biết “sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng Covid-19” nếu ngành y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới.
Kết quả cuộc thăm dò kể trên là đáng tin cậy khi số lượt người tham gia trả lời lên tới 387.037 và Viện Dư luận xã hội đã tiến hành chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng, chọn 18.743 mẫu, đại diện cho các giai tầng và 6 khu vực kinh tế - xã hội của cả nước. Đáng chú ý, chỉ có 1% số người được hỏi bày tỏ thái độ ít hoặc không quan tâm đến việc có nên cho trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19; số người “khá quan tâm” là 19%. Từ đó dẫn tới tỷ lệ người được hỏi cho biết sẵn sàng đưa trẻ em từ 5-11 tuổi đi tiêm vaccine phòng Covid-19 rất cao. Trong đó đa số những người sẵn sàng đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Covid-19, đa số ý kiến cho biết họ sẵn sàng cho con, cháu đi tiêm vì “mong muốn con, cháu mình được an toàn trước dịch bệnh, nếu có mắc bệnh cũng nhanh khỏi, không bị nặng” (70%).
Đây là tỷ lệ này cao nhất so với kết quả khảo sát tháng 8/2021. Điều đó cho thấy nhận thức cũng như ý thức của người dân về đại dịch Covid-19 ngày một nâng lên.
Kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 tới nay, nước ta đã qua hơn 2 năm với 4 lần bùng phát dịch lớn. Đặc biệt, với đợt dịch Covid-19 thứ 4, kể từ ngày 27/4/2021 thì tình hình diễn biến dịch là rất nghiêm trọng với biến thể Delta. Đầu đợt dịch thứ 4, TP Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh phía Nam phải chịu đựng những thiệt hại rất lớn. Kể từ đầu năm 2022, dịch Covid-19 lại tràn ra các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tại thời điểm này, Hà Nội đã phải qua gần 2 tháng dịch bùng phát dữ dội, với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày luôn đứng đầu cả nước. 3 ngày qua, số ca mắc mới tăng mạnh, đã ở mốc gần 8.000 ca/ngày.
Trong khi đó, một số tỉnh thành phía Nam, dịch cũng có xu hướng quay trở lại sau một thời gian lắng xuống. Tại TP Hồ Chí Minh, đã có ngày gần 2.000 ca mắc mới.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, vaccine được coi là vũ khí quan trọng bậc nhất. Suốt nhiều tháng qua, Chính phủ đã ban hành chủ trương thần tốc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tất cả những đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao được ưu tiên, tiếp đó là tiêm mở rộng toàn dân từ 18 tuổi trở lên. Rồi tiếp tục hạ độ tuổi xuống còn 12. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, trong khi chúng ta chưa chủ động được vaccine.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 170 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19: Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I năm 2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2/2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.
Như vậy, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất hợp lòng dân, càng cho thấy dù cuộc chiến chống Covid-19 còn cam go nhưng đại dịch cũng sẽ sớm chấm dứt với ít tổn thất, khi xã hội đã được bảo vệ bằng vaccine.