'Dọn rác' phim lậu
Sự bùng nổ của công nghệ đang tạo môi trường “mở” trong việc quảng bá, phát hành phim. Tuy nhiên, do thiếu các chế tài quản lý vấn nạn xem “phim chùa”, phim có nội dung không lành mạnh, vi phạm bản quyền thậm chí ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vẫn đang tràn lan.
“Vòi bạch tuộc”
Không thể phủ nhận, trong những năm gần các sản phẩm điện ảnh, phim truyền hình trong nước và quốc tế đang gia tăng cả chất lẫn lượng trên các nền tảng (truyền hình, rạp chiếu phim, mạng xã hội…). Thậm chí, nhiều nhà sản xuất, đơn vị phát hành cũng sẵn sàng “chịu chi” để mang đến cho khán giả các sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển đó là những thói quen “xấu xí” xem “phim chùa” của một bộ phận khán giả, cùng với sự tiếp tay của các website lậu.
Thông qua công cụ tìm kiếm Google, khán giả hiện nay không khó để tìm kiếm và thưởng thức một bộ phim mà mình yêu thích, thậm chí là vừa mới phát hành tại các cụm rạp. Thế nhưng ngoại trừ một vài địa chỉ được cấp phép và phải trả phí là “nhan nhản” các website lậu, có tên miền từ nước ngoài, dấu địa chỉ IP. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có hơn 400 website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên Internet trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền. Tại các website này ngoài việc cập nhật các bộ phim mới còn có những thư mục riêng cho các bộ phim chiếu rạp, đang phát sóng trên truyền hình hay tại các ứng dụng trả tiền. Đơn cử như trường hợp phimmoi.net dù trước đó đã bị cơ quan công an khởi tố hình sự vào tháng 8/2021 nhưng hiện nay website này vẫn hoạt động với tên miền mới là ezphimoi.net với giao diện hầu như không có nhiều thay đổi. Trên website này hiện nay hiện công khai đăng tải nhiều bộ phim đang công chiếu tại các cụm rạp, hay tại các ứng dụng xem phim trả phim như “Người nhện: Không còn nhà”, “Đấu trường âm nhạc 2”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Sugar Daddy & Sugar Baby”, “Hẻm cụt”… Trước đó, bộ phim “Bố già” ngay sau khi được phát hành trên Galaxy Play chỉ chưa đầy một ngày đã có hàng chục đường link phim lậu lan truyền trên mạng xã hội.
Với những khoản lợi nhuận khổng lồ, các website phim lậu hiện nay không chỉ hoạt động một cách công khai mà còn có nhiều “thủ thuật” để vượt “tường lửa” quản lý của các cơ quan chức năng. Thậm chí nhiều địa chỉ còn hướng dẫn người xem những cách để “lách luật”. Các website phim lậu giờ đây chẳng khác gì những chiếc “vòi bạch tuộc” chặt rồi lại mọc. Chưa kể, thời gian qua phong trào tóm tắt phim (review phim) đang bùng nổ trên mạng xã hội đang khiến nhiều nhà sản xuất điêu đứng. Thông qua việc cắt ghép hình ảnh trong phim thành các đoạn ngắn để “review” đã dễ dàng “lách” được công cụ kiểm duyệt bản quyền của các mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook. Chính những việc làm này đã trực tiếp gây thiệt hại cho nhà sản xuất phim và không kém gì so với các trang phim lậu. Mới đây, diễn viên Trấn Thành đã bày tỏ sự bức xúc khi một số khán giả cắt xén, đăng tải hình ảnh và tiết lộ một số chi tiết quan trọng trong bộ phim mới “Hẻm cụt” của anh lên mạng xã hội TikTok.
Xây dựng văn hóa xem phim
Có thể nói, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc thưởng thức các sản phẩm văn hoá như phim ảnh, âm nhạc, sách… đã trở thành một thói quen “khó bỏ” của một bộ phận công chúng. Vì thực tế chưa có một hình phạt cụ thể nào đủ để có thể răn đe những người cung cấp dịch vụ lẫn những người xem phim lậu. Nhiều người biết rằng xem phim lậu là việc làm bất hợp pháp, thế nhưng vì việc làm này dù có sai trái, thậm chí có bị xử phạt đi chăng nữa thì cũng “chẳng không tới lượt mình”? Trong khi ở Việt Nam hiện nay có nhiều website xem phim bản quyền với giá không hề đắt. Chi phí hằng tháng để xem phim bản quyền chất lượng cao chỉ giao động từ 50 đến hơn 100 nghìn đồng/tháng. Nhưng đáng buồn là hiện chỉ một bộ phận khán giả nhỏ đã có ý thức trả phí xem phim và phần lớn người xem vẫn giữ thói quen xem “chùa”. Và cũng chỉ ít người quan tâm là để sản xuất một bộ phim điện ảnh chiếu rạp chi phí sản xuất cũng lên đến vài chục tỷ đồng. Phim truyền hình, trung bình mỗi tập kinh phí sản xuất cũng lên tới 300 - 400 triệu đồng.
Bên cạnh “thói quen xấu” từ khán giả, thì với các đơn vị phát hành phim ngoài việc sản xuất ra các sản phẩm hiện nay gần như chẳng có biện pháp nào để bảo vệ chính mình. Các đơn vị sản xuất nội dung, các đài truyền hình, hãng phim thời gian qua chủ yếu sử dụng biện pháp rà soát thủ công để phát hiện những trang web, ứng dụng có nội dung vi phạm bản quyền, sau đó liên hệ với các chủ thể này, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. Đối với các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, thì dùng biện pháp khiếu nại bản quyền qua các bảng mẫu định sẵn. Tuy nhiên, số phim, video, clip vi phạm bản quyền bị gỡ bỏ rất ít. Bởi tại Việt Nam đang không có quy định nào về việc chặn các địa chỉ giao thức Internet vi phạm bản quyền. Hoạt động thu hồi tên miền của các trang web vi phạm tuy có quy định, nhưng cũng không thể thực hiện hiệu quả.
Bày tỏ về thực trạng này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, chúng ta cần nâng cao ý thức của người dân trước khi chờ những cơ chế xử phạt từ phía Nhà nước. Nâng cao văn hóa, nhận thức của người dân về vấn đề bản quyền và việc trả phí xem phim là điều tất yếu vì đó là sản phẩm sáng tạo. Chúng ta đã tham gia Công ước Bern về bản quyền từ năm 2004 mà đến nay, người dân vẫn chưa nhận thức đúng về vấn đề bản quyền. Điều đó thật đáng tiếc. Ở một số nước, người dân xem phim lậu, đọc sách lậu nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt. Xem phim lậu cũng là một hành vi thiếu văn hóa. Cần có chiến lược truyền thông để người dân nói không với phim lậu, sách lậu, lúc đó các website phim lậu, sách lậu sẽ hết đường sống.
Đồng quan điểm, NSND Thanh Vân cho rằng, muốn xóa bỏ vấn nạn website phim lậu cần phải có sự phối hợp của nhiều bên liên quan, các doanh nghiệp đừng ham giá rẻ mà quảng cáo trên website phim lậu, ngoài ra cần sự liên kết của các quốc gia, tổ chức để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, báo cáo vi phạm bản quyền để Google gỡ nội dung theo luật Bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số.
Nhằm tăng cường công tác quản lý phim trên không gian mạng, mới đây Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong đó có vấn đề tăng các chế tài xử phạt. Theo kế hoạch, vào tháng 5/2022 tới, Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội khoá XV xem xét thông qua.