'Dậy sóng' quanh việc đề xuất tặng thưởng Huân chương độc lập cho một nguyên Bí thư Tỉnh ủy
Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng các danh hiệu đối với các cá nhân, trong đó ông Lê Đình Sơn được đề xuất tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Lời toà soạn: Sau khi Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh đăng tải thông tin lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Đình Sơn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, dư luận hết sức quan tâm. Xuất phát từ những dư luận đó, nhóm PV Báo Đại Đoàn Kết Online đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu.
Bài 1: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh được đề nghị tặng Huân chương Độc lập, liệu có xứng đáng?
Ông Lê Đình Sơn (62 tuổi), quê quán xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, nơi cư trú thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh); nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Theo nội dung đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, ông Sơn cho biết, với trách nhiệm là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, ông đã cùng tập thể đưa phong trào xây dựng NTM tỉnh nhà đạt thành tựu nổi bật, vượt chỉ tiêu và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đại hội.
Tỉnh Hà Tĩnh là một trong 8 tỉnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tuy nhiên, dư luận có phần băn khoăn vì mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kết luận Thanh tra dự án Khu dân cư đô thị tại Khu đô thị Bắc thành phố Hà Tĩnh đã chỉ ra nhiều sai phạm.
Trong đó việc Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Lê Đình Sơn ký văn bản số 1465 ngày 11/4/2016 chấp thuận xóa nợ hơn 4,5 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư là trái pháp luật.
Việc này pháp luật đã có quy định rất rõ về các biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm, nhưng đến nay UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có các động thái rõ ràng đối với sai phạm nêu trên.
Ở một diễn biến khác, ngày 12/10/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định công nhận đến 4 sáng kiến cấp tỉnh năm 2021 cho ông Lê Đình Sơn. Việc này cũng gây nên hoài nghi trong dân. Nhất là đối với những cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực.
Mỗi cán bộ để có một sáng kiến cấp tỉnh thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, ngoài trình độ giỏi phải có kinh nghiệm, tâm huyết, gian nan vất vả nghiên cứu, thử nghiệm hiệu quả, được nhân rộng, lan tỏa mới được công nhận. Nhưng ông Lê Đình Sơn, lại có đến 4 sáng kiến cấp tỉnh, không thuộc chuyên môn của ông, quả thật làm người ta thán phục trong hoài nghi!
Trước thông tin UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận 4 sáng kiến của ông Lê Đình Sơn, trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến về sự việc trên.
Người viết bài này xin phép được trích dẫn một đoạn trong bài viết của anh Quang Đại:
“Trước mắt, Hà Tĩnh và các địa phương khác, cần quán triệt nguyên tắc: nói KHÔNG với sáng kiến, giải pháp ngoài chuyên môn. Thợ hồ không thể làm sáng kiến thay cho nhà toán học; và nhà thơ không thể làm sáng kiến cho ông kĩ sư thợ mỏ. Chim không thể sáng kiến về bơi lội, cá không có sáng kiến về bay lượn. Tóm gọn như thế, cho nhanh.
Đương nhiên, vẫn có ngoại lệ, cá biệt, thiên tài, nhưng cần được thẩm định, phản biện hết sức kĩ lưỡng. Mặt khác, về nguyên tắc, sáng kiến phải mới. Chưa có ai nghĩ ra, chưa có ai làm. Nếu đã có người đề cập, người làm, thì phải làm rõ sáng kiến của anh kế thừa cái gì, phát triển cái gì, ưu việt hơn chỗ nào…
Trường hợp ông Lê Đình Sơn có 4 sáng kiến, 2 cái đầu tôi không rõ, nhưng 2 cái sau, gồm: “Sắp xếp bố trí cán bộ dôi dư do sáp nhập xã”, và “Tổ chức liên kết sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị” là những vấn đề có tính chất toàn quốc, chắc chắn các địa phương khác đã làm, và để có cái mới, đòi hỏi phải có sự khảo sát, thống kê trên phạm vi toàn quốc, không rõ ông Sơn đã làm được chưa, làm đến đâu.
Trường hợp “Sắp xếp bố trí cán bộ dôi dư do sáp nhập xã”, tất cả phải theo luật, quy định, không thể có những cái trái luật, không rõ trong các giải pháp của ông Sơn, có cái gì đó mà cả nước chưa nghĩ ra?
Tôi nghĩ là vô cùng khó. Đây là công tác chuyên môn của cán bộ cơ sở, nếu Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm, sẽ mất rất nhiều thời gian. Thế thời gian nào để ông làm việc chuyên môn của ông (được trả lương), là Bí thư Tỉnh ủy?”.
Không những thế, sau khi về hưu, ông Lê Đình Sơn còn vi phạm hành chính về trật tự xây dựng khi sửa chữa nhà ở khu đô thị Vinhome đã cố ý xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, vi phạm chỉ giới xây dựng.
Hành vi này đã bị Đội quản lý trật tự đô thị Thành phố Hà Tĩnh đình chỉ xây dựng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Điều này đã vi phạm vào khoản 7, điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng. Không biết đến nay, ông Lê Đình Sơn đã gương mẫu chấp hành nộp phạt theo quy định chưa?
Với người lãnh đạo đã về hưu vẫn muốn nhận hết công lao về mình, bất chấp các quy định để làm trái pháp luật, trái thẩm quyền, thì việc Ban thi đua Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh “trưng cầu dân ý” về việc đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Đình Sơn là một việc làm cẩn trọng.
Vì những sai phạm nêu trên liệu ông Lê Đình Sơn có xứng đáng được nhận thưởng danh hiệu nêu trên hay không?
Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục phản ánh câu chuyện này.