Thầy thuốc của nhân dân
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay (27/2/1955-27/2/2022) đến với rất nhiều cảm xúc khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi đội ngũ y bác sĩ cùng cả nước gồng mình chống dịch ròng rã đã hơn 2 năm qua. Trong khó khăn chung của đất nước, ngành Y tế cũng gặp nhiều khó khăn khi giữ trọng trách là tuyến đầu chống dịch. Nhưng vượt lên tất cả, đội ngũ y bác sĩ xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân.
Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng
Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày 25/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm và chúc mừng các thầy thuốc, nhà khoa học và nhân viên y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chủ tịch Quốc hội gửi tới các thầy thuốc, nhà khoa học và toàn thể đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế trên cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp, chúc sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn đạt được những kết quả tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài, hơn lúc nào hết cần sự chung tay hơn nữa của đội ngũ các nhà khoa học để cùng hành động, sớm nhất có thêm các sản phẩm, giải pháp hữu hiệu hơn nữa phục vụ phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự an toàn cho đội ngũ nhân lực tham gia chống dịch.
“Qua các đợt dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở và của công tác y tế dự phòng. Do đó, đề nghị ngành y tế, Bộ Y tế tiếp tục triển khai, thực hiện nghiên cứu để đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc hiệu để thể chế hóa quan điểm mà Nghị quyết số 20 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình hình mới’’ theo phương châm “Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng”. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng, hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã tới thăm, chúc mừng cán bộ y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2, Bệnh viện đa khoa Mê Linh và Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung F0) tại Trường Mầm non xã Chu Phan (huyện Mê Linh, Hà Nội).
Phó Thủ tướng đánh giá cao tập thể bệnh viện và các y bác sĩ, nhân viên y tế trong suốt thời gian qua đã chấp nhận mọi khó khăn, rủi ro, hết lòng chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhiều thầy thuốc 4 tháng liền chưa trở về gia đình.
Phó Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, các chiến sĩ ngành Y nên các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở y tế trên địa bàn hoạt động.
Người dân cần giúp các bác sĩ bằng cách giữ sức khỏe tốt cho bản thân và cộng đồng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không hoang mang, không chủ quan để lực lượng y bác sĩ tuyến đầu sớm được về nhà.
Lực lượng y tế lớn nhất trong lịch sử vào cuộc chống dịch Covid-19
Những năm qua, xây dựng và phát triển nền y tế toàn dân, ngành Y tế nước nhà đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tính từ năm 1955 đến nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 53,5 tuổi năm 1955 lên 73,7 năm 2021. Đây là một thành tựu vô cùng quan trọng chúng ta đã đạt được trong khi đời sống kinh tế còn hạn chế, nước ta mới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình chưa lâu.
Trong khó khăn, sức khỏe của người dân vẫn được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu khi ưu tiên phát triển ngành Y tế, cả y tế dự phòng lẫn khám, chữa bệnh; cả Tây y và Đông y.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1955 cả nước chỉ có khoảng 300 y, bác sỹ, thì nay đội ngũ cán bộ ý tế đã lên tới hơn nửa triệu người. Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 4,1 năm 1993 lên 8,0 năm 2015 và tăng từ 4,1 năm 1993 lên 8,0 năm 2015 và 10,0 năm 2021.
Cơ cấu trình độ chuyển biến theo hướng tích cực; trình độ từ đại học trở lên đạt 30,7%; cao đẳng đạt gần 23%; trung cấp đạt 8,3%. Năm 2010 có 15 giáo sư, 94 phó giáo sư ngành Y; năm 2015 có 10 GS và 76 PGS; năm 2019 có 19 GS và 136 PGS. Như vậy, chỉ tính trong vòng 10 năm đã có 106 nhà giáo, nhà khoa học ngành Y tế được phong hàm GS, 801 PGS.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, tính từ đầu năm 2020 tới nay, vai trò của ngành Y, hình ảnh của người thầy thuốc lại một lần nữa được khẳng định. Trong đó chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã được triển khai thành công.
Tính đến nay, cả nước đã tiêm được gần 185 triệu liều, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 96,7%, cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 93,2%, đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việt Nam đã về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo và là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới.
Chỉ tính đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021), ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25.000 GS, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường Y Dược hỗ trợ các địa phương chống dịch. Trong cuộc chiến đấu ấy đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp mắc đã hy sinh. Họ thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả: Vì sức khỏe, vì cuộc sống của nhân dân.
Trong cuộc chiến cam go ấy, biết bao y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng không quản hiểm nguy, ngày đêm giáp mặt với dịch bệnh, có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã dựng lên hàng rào thép, pháo đài thép chặn dịch và dập dịch. Khi dịch bùng phát dữ dội, họ đã quên ăn quên ngủ, chăm lo từng chút cho bệnh nhân, níu giữ và trả lại cuộc sống biết bao con người.
Cũng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngành Y tế Việt Nam không chỉ điều trị, cứu chữa người bệnh mà còn có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học y học. Minh chứng thuyết phục nhất là chỉ sau 2 tuần ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, đã được Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV trong phòng thí nghiệm, đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công loại virus này, là tiền đề xây dựng và triển khai công tác phòng, chống dịch.
Dịch bệnh dù có hiểm nguy tới đâu rồi cũng sẽ bị tiêu diệt, trong đó công đầu thuộc về những người chiến sĩ áo trắng, những con người có tấm lòng: “Lương y như từ mẫu”.
Trong quá trình xây dựng, trưởng thành và lớn mạnh, y tế nước nhà đã đạt được những thành tựu xuất sắc, đưa y học Việt Nam sánh ngang với những nền y học tiên tiến trên thế giới. Trong đó phải kể đến những thành tựu ghép tạng (ghép thận, ghép phổi, ghép gan, ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu…); chữa vô sinh, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu và tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da, mỗi năm điều trị cho hàng vạn bệnh nhân, điều trị hiệu quả cho những trường hợp bị bỏng hơn 90% diện tích cơ thể, bỏng sâu đến 55%, giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 1,5%. Gần đây, chúng ta đã đưa vào ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi bằng robot hình ảnh 3D để điều trị các loại phẫu thuật lớn, phức tạp. Cùng đó là kỹ thuật can thiệp trong lòng mạch, điều trị bệnh lý mạch máu não, điều trị can thiệp bệnh lý động mạch vành…