Thị trường bán lẻ: Báo hiệu sự khởi sắc
Hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ đã chịu nhiều mất mát. Tuy nhiên, thời điểm này, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngày càng cao, ngành bán lẻ nước nhà đang bước vào giai đoạn hồi phục rõ nét.
Khởi sắc sau 2 năm ảm đạm
2020 và 2021 là một quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Dịch bệnh kéo dài khiến các kết nối cung - cầu bị đứt gãy.
Giao thương mua - bán ảm đạm, thay đổi từ trạng thái trực tiếp sang trực tuyến, nhiều nhà bán lẻ rơi vào tình cảnh “bất động”. Việc buôn bán kém khởi sắc cũng được phản ánh qua bức tranh đậm màu trầm của thị trường bất động sản bán lẻ trong năm vừa qua.
Cụ thể, tại Hà Nội, theo báo cáo được Savills Việt Nam công bố mới đây, công suất cho thuê tại Hà Nội đạt 92%, giảm -2% theo quý và theo năm. Các nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy mặt bằng kinh doanh. Đặc biệt, hạng mục Khối đế bán lẻ có mức giảm cao nhất do tỷ lệ trống cao từ các dự án mới.
Theo Savills, tại Hà Nội nhu cầu mặt bằng của khách thuê ở các tầng khối đế bán lẻ và nhà phố có sự phân bổ không đồng đều, dẫn đến sự chênh lệch về khả năng hấp thụ của thị trường.
Với bất động sản khối đế trung tâm thương mại (TTTM) tại các dự án phức hợp chung cư, nhóm khách thuê chủ yếu là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Nhóm này cung cấp các dịch vụ tiện ích như gym, siêu thị, ăn uống và làm đẹp...
Do vậy, khi các quy định về giãn cách được áp dụng, hoạt động kinh doanh của những DN thuộc nhóm này bị gián đoạn đầu tiên. Điều đó gây ra gánh nặng trong việc chi trả tiền thuê cửa hàng khiến các đơn vị kinh doanh buộc phải trả lại mặt bằng.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2025, giá trị gia tăng của khu vực thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 9-9,5%/năm trong giai đoạn từ năm 2021- 2025.
Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của kênh thương mại hiện đại đạt khoảng 35-40% vào năm 2025.Với dự báo này, ngành thương mại hiện đại có thể duy trì đà tăng trưởng trên hai con số trong suốt giai đoạn 2021-2025. Do đó, doanh nghiệp có chuỗi bán hàng hiện đại sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt hơn thị trường chung.
“Thời gian vừa qua thị trường chứng kiến nhiều DN phải đóng cửa hoặc di dời mặt bằng tại các tầng khối đế TTTM của các tòa chung cư. Bởi vậy, một số dự án buộc phải chuyển đổi công năng thành văn phòng cho thuê hoặc mô hình văn phòng làm việc chia sẻ...”- đại diện Savills cho biết. Tình hình này cũng tương tự tại các địa phương khác và đầu tàu kinh tế TP HCM cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2021 đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc trong nhu cầu mua sắm cùng các xu hướng tiêu dùng tại thị trường bán lẻ.
Mới nhất tại TP HCM, sau 4 tháng mở cửa trở lại, các loại hình dịch vụ ăn uống tại chỗ, vui chơi giải trí đã trở lại gần tối đa công suất.
Các TTTM đón lượng khách đến mỗi ngày đông đúc, đặc biệt, trong dịp Tết 2022 vừa qua, các TTTM lớn của TP HCM thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày.
Tại thị trường Hà Nội, từ khi hoạt động thương mại được mở cửa trở lại vào đầu tháng 10/2021, thị trường bán lẻ của Thủ đô đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong ba tháng cuối năm, thúc đẩy sự hồi phục của ngành. Quý IV-2021 chứng kiến sự quay đầu đi lên của chỉ số GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) và doanh thu bán lẻ với mức tăng trưởng lần lượt là 6,7% và 8,5%. Những con số này là dấu hiệu cho thấy sự trở lại trong nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo Savills, xu hướng gia tăng trong tiêu dùng và sử dụng vốn, cùng với việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng là những nhân tố được dự đoán thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2022.
Trong khi đó, ông Vivek Kaul - Giám đốc Ngành Bán lẻ của CBRE tại châu Á nhấn mạnh: Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh. “Điều này cho thấy mức độ tin tưởng cao vào sự trở lại của ngành du lịch quốc tế, tăng trưởng lượng khách đến các trung tâm thương và chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên”, ông Vivek Kaul nhận định.
Rõ ràng, những tín hiệu nói trên là minh chứng cho thấy, cơ hội cho ngành bán lẻ nước nhà hồi phục trong năm 2022 là rất rõ nét.
Kênh truyền thống vẫn chiếm ưu thế
Mặc dù thương mại điện tử đang trở thành xu hướng chính do đại dịch Covid-19 là một trong những tác nhân, tuy nhiên, giới chuyên gia ngành bán lẻ nhận định, các kênh bán hàng trực tuyến sẽ không thể thay thế được các kênh truyền thống. Nguyên nhân nằm ở chỗ, với người tiêu dùng Việt Nam, việc được trực tiếp trải nghiệm các dịch vụ mua sắm, làm đẹp... vẫn luôn là “sở trường”.
Nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn coi việc đi đến các TTTM, siêu thị để trực tiếp lựa chọn các sản phẩm mình ưa chuộng. Và rất nhiều người coi đây là một trong những hình thức “xả stress”.
Chị Nguyễn Thị Minh Thu (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mặc dù thời gian qua do dịch bệnh, chị phải lựa chọn kênh mua hàng trực tuyến song, khi dịch bị đẩy lùi, chắc chắn chị sẽ chỉ trải nghiệm việc mua sắm tại các kênh bán hàng truyền thống.
“Trải nghiệm trực tiếp, được đi dạo vào các TTTM, siêu thị với bọn trẻ con, với người thân vào các dịp Lễ, tết, ngày cuối tuần mới là những trải nghiệm thú vị mà kênh bán hàng online không thể thay thế được. Gia đình tôi đã không được trải nghiệm cảm giác này từ hai năm qua vì đại dịch”, chị Thu nói.
Điều này cũng được phần lớn người tiêu dùng khẳng định. Và đây chính là lý do khiến đa số các nhà bán lẻ đều không ngừng tìm kiếm các vị trí đẹp để mở rộng kinh doanh, trong đó trung tâm thương mại đang là lựa chọn số một để đầu tư vững chắc.
Xu hướng này dễ thấy khi Uniqlo lựa chọn “chào sân” tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch và Vincom Center Metropolis (Hà Nội) và tại Vincom Plaza Phan Văn Trị (TP HCM); Muji có mặt tại Vincom Center Metropolis (Hà Nội) vào tháng 7/2021, hay Haidilao khai trương 5 cửa hàng mới tại các TTTM Vincom… và xu thế này được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2022 tại các nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới trên thị trường như Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Bạc Liêu, Mỹ Tho...
Theo các DN, mặc dù năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng thấp do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng về dài hạn vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm).
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ trong thời gian tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu dự đoán sẽ gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do khách hàng ngày càng được tiếp cận nhiều kênh bán lẻ hiện đại nên TTTM, siêu thị lớn sẽ cần phải hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về mua sắm, giải trí, ăn uống... chứ không chỉ dừng lại ở công năng mua sắm đơn thuần truyền thống.
Theo đó, dù TTTM đa năng đã xuất hiện trên thị trường, nhà phát triển bất động sản vẫn cần lưu ý về cơ cấu và phân bổ mặt bằng để đáp ứng xu thế mới.