Chính sách thuế thu nhập cá nhân: Bất cập
Để phục hồi kinh tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hàng hóa từ 10% về 8% đã được thực hiện. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch dã liên miên, thu nhập của người dân giảm sút, hơn 5 triệu lao động ảnh hưởng việc làm, thì việc duy trì chính sách thuế - thuế thu nhập cá nhân ổn định liệu có còn phù hợp. Một số ý kiến cho rằng giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên kết hợp với giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để người dân “nuôi dưỡng” sức mua cho nền kinh tế.
Chính sách thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời?
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nền kinh tế đình trệ, hàng loạt doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng, thậm chí tạm dừng hoạt động. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong riêng năm 2021 cả nước có hơn 12 triệu người lao động bị ảnh hưởng như giảm lương, nghỉ làm không lương, mất việc làm. Thế nhưng, chính sách hỗ trợ cho lao động có nguồn thu nhập bị suy giảm gần như không thay đổi.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển: Mức thu nhập khởi điểm chịu thuế rất thấp
Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang đánh vào đối tượng trung bình đến trung bình khá với mức thuế khá nặng, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn.
Điểm bất cập cơ bản trong sắc thuế TNCN là thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh còn lâu và dài quá. Cần tăng mức khởi điểm thu nhập đóng thuế; các bậc thuế cần giãn ra chứ không lại khuyến khích người ta trốn thuế.
Hệ thống thuế thu nhập cá nhân với biểu thuế lũy tiến từng phần quá dày với 7 bậc thuế, từ 5 - 35%, khoảng cách giữa các bậc thuế quá thấp và mức thu nhập khởi điểm chịu thuế rất thấp. Vì vậy, dẫn đến tình trạng đối xử không công bằng giữa các cá nhân nộp thuế. Người có mức thu nhập cao phải chịu mức thuế quá cao, không khuyến khích được những người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành tốt…
Khi thu nhập sụt giảm do dịch Covid-19, chi phí sinh hoạt vẫn đắt đỏ, anh Hoàng Trần Quân (32 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thu nhập hơn 20 triệu/tháng của anh nhiều người nghĩ là cao nhưng trang trải việc gia đình hết sạch.
“Với thu nhập hơn 20 triệu, hàng tháng tôi vẫn phải trả nợ ngân hàng hơn 4,5 triệu vì mua nhà trả góp, chi phí ăn uống tiết kiệm cho cả gia đình cũng phải 8 triệu đồng/ tháng. Chưa kể do dịch căng thẳng, hơn 1 năm nay đều đặn cả nhà chi hơn 2 triệu đồng/tháng tiền thuốc để tăng sức đề kháng, rồi ma chay, giỗ tết. Chẳng còn dư đồng nào mà vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân”, anh Hoàng Trần Quân chia sẻ.
Theo quy định hiện hành, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được chia thành 2 đối tượng khác nhau, gồm: Cá nhân cư trú (cá nhân ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng) và cá nhân không cư trú. Với mỗi đối tượng, mỗi trường hợp đều có cách tính thuế thu nhập cá nhân khác nhau và chỉ có cá nhân cư trú mới được tính giảm trừ gia cảnh.
Với cá nhân cư trú có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất, trong đó, thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ. Các khoản giảm trừ gồm: Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Song nhiều ý kiến cho rằng, quy định cho giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc là không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình. Bởi mức chi tiêu của người phụ thuộc không quá khác biệt so với người nộp thuế trong cùng gia đình. Nếu hợp lý thì mức chiết trừ cho người phụ thuộc sẽ phải bằng 2/3 mức chiết trừ của người nộp thuế.
Anh Trần Nam (Thanh Trì) cho biết, do ảnh hưởng của dịch nên nhiều gia đình còn chịu cảnh một trong hai lao động chính thất nghiệp, chỉ còn một đầu lương mà phải lo chi phí sinh hoạt cho cả nhà 4 miệng ăn. “Dù có thu nhập đóng thuế nhưng thực chất thu nhập ấy phải gánh cho nhiều người trong gia đình, đồng nghĩa cuộc sống của người làm công ăn lương chật vật hơn”.
Chưa kể, giá nhiều loại hàng hoá đã tăng chóng mặt, mà điển hình nhất là giá xăng. Mỗi lít xăng RON 95 cách nay một năm chỉ 17.270 đồng/lít thì nay hơn 26.000 đồng/lít, tăng gần 47%. Xăng tăng thì nhiều hàng hóa thiết yếu khác cũng sẽ tăng theo. Thế nhưng, trải qua đợt dịch dài, thu nhập của gia đình tôi sụt giảm so với thời điểm đầu năm 2021, nhưng tiền thuế TNCN thì tôi vẫn phải đóng đều hàng tháng”, anh Nam chia sẻ.
“Lẽ ra, Bộ Tài chính phải đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, người làm công ăn lương chứ không thể lấy lý do “sợ rơi vào nhóm thu nhập cao” để không đề xuất chính sách hỗ trợ thuế”, anh Nam nói.
Một số người còn cho rằng, giảm trừ gia cảnh 4,5 triệu/người phụ thuộc/tháng là không còn phù hợp. Trong khi khi đó, chỉ cần nhà có một học sinh sinh viên thì tiền nhà trọ và tiền ăn hàng tháng đã gấp 2 gấp 3 mức giảm trừ gia cảnh rồi. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu so với chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long: Nên nghiên cứu giảm các bậc thuế và giảm mức thuế
Dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn nền kinh tế và người dân. Trong khi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giãn hoãn thuế, giảm thuế TNDN, thuế GTGT, vậy cũng nên xem xét giảm thuế cho người làm công ăn lương để hỗ trợ những đối tượng này.
Cụ thể trong khi DN ngày càng được ưu đãi về thuế và được giảm từ 25% vào năm 2010 xuống còn 20% năm 2020, thuế TNCN vẫn giữ nguyên. Điều này tạo áp lực đáng kể lên người chịu thuế TNCN. Mức thuế TNCN như hiện nay không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Có thể nghiên cứu giảm các bậc thuế và giảm mức thuế, tăng mức giảm trừ gia cảnh.
T.HẰNG (ghi)
Cũng có người đặt vấn đề: Thuế TNCN là thuế trực thu, trong khi phần lớn người lao động bị ảnh hưởng thu nhập do tác động dịch bệnh thì tại sao lại không có chính sách hỗ trợ thuế cho họ, trong khi nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế đã được hỗ trợ giảm thuế?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, để phục hồi kinh tế, thị trường cần liều thuốc đủ mạnh mới có thể kích cầu tiêu dùng trong dân chúng. Do đó, cần có gói kích cầu tổng thể. “Các cơ quan chức năng đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT thì cũng nên giảm thuế TNCN để vực dậy sức mua, từ đó mới có thể thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông An kiến nghị.
Không nên cào bằng
Vẫn theo luật sư Nguyễn Văn An, việc giảm thuế VAT 2% mới chỉ hỗ trợ cho người làm công ăn lương rất ít. Vì thế nên kết hợp với việc giảm 30% số thuế TNCN đối với tiền công, tiền lương của người lao động, số thuế giảm không vượt quá 30 triệu đồng/năm. Điều này coi như Nhà nước hỗ trợ cho những người đang có thu nhập thêm một khoản để chi tiêu. Khi người dân mua sắm nhiều hơn cũng kích cầu kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ khởi sắc hơn.
Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia cao cấp về thuế phân tích, cần giảm ít nhất 50% tiền thuế TNCN năm nay và năm sau cho người làm công ăn lương để đỡ gánh nặng thuế. Bởi thu nhập của người lao động bị sụt giảm, thậm chí mất việc làm do đại dịch mà tổng số thu từ sắc thuế này trong 11 tháng đầu năm vẫn đạt 107,7% so dự toán. Điều này cho thấy gánh nặng của chính sách thuế đối với thu nhập của người làm công ăn lương.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng mức đóng của thuế TNCN được tính toán dựa trên mức lương cơ sở vùng (đối với cơ quan nhà nước) năm 2013 là 1.050.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đến nay mức lương này đã tăng lên 1.490.000 đồng/tháng. Đối với DN, mức đóng của thuế TNCN được tính toán dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Năm 2013, mức lương này từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng (tùy theo các vùng cụ thể), đến nay, mức lương này tăng lên 3.070.000-4.420.000 đồng/tháng.
Lương cơ sở và lương tối thiểu vùng tăng sẽ khiến tổng thu nhập của người dân tăng lên so với trước kia. Tuy nhiên, mức thu nhập đóng thuế TNCN vẫn giữ nguyên và khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn. Trong khi đó, lương tăng thêm không đủ bù đắp cho giá tăng.
Thật vậy, theo nhận định chung, quy định thuế TNCN hiện nay chưa hợp lý, lạc hậu và có nhiều điểm không công bằng. Mức giảm trừ gia cảnh áp dụng đồng loạt trên toàn quốc trong khi mức chi tiêu cho người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cao hơn nhiều so với một số vùng miền khác … Tương tự, sau bao nhiêu năm mức thu nhập vãng lai vẫn duy trì ở ngưỡng 2 triệu đồng/lần vẫn bị trừ thuế 10% trong khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng hàng năm. Từ năm 2017, thu nhập vãng lai được Bộ Tài chính đề nghị tăng từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới khấu trừ thuế suất 10%, nhưng đến nay vẫn chưa được nâng lên khiến số lượng người chưa đến thu nhập chịu thuế vẫn phải đóng thuế.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính nhấn mạnh: Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì sẽ giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều nước phát triển đều đã điều chỉnh tỷ lệ tính thuế TNCN theo mức độ lạm phát hàng năm, nhưng Việt Nam lại quy định chỉ khi nào lạm phát trên 20% mới thay đổi là quá chậm.
Thực chất thuế TNCN góp phần giúp Nhà nước kiểm soát nguồn thu nhập và phát hiện các nguồn thu bất hợp pháp, như hối lộ; buôn bán hàng cấm; hàng trốn thuế; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Việc tăng hay giảm thuế thu nhập cá nhân cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt chính sách, cũng như tác động của nó đến các đối tượng nộp thuế và nguồn thu của nhà nước.