‘Bà trùm’ Mười Tường và những phi vụ buôn lậu qua biên giới
Sau 2 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, ngày 23/2, TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bà trùm buôn lậu vàng, USD Mười Tường cùng 4 đồng phạm với tổng mức án là 24 năm tù cùng về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Vụ án “bà trùm buôn lậu vàng” Mười Tường diễn ra đúng lúc giá vàng trong nước tăng phi mã, đã vượt đỉnh 65 triệu đồng 1 lượng càng khiến dư luận chú ý.
Từ lâu, cái tên “bà trùm Mười Tường” đã khét tiếng một vùng biên giới Tây Nam, nhất là ở An Phú, Châu Phú, Châu Đốc (An Giang).
Tên thật của bà trùm là Nguyễn Thị Kim Hạnh ít người biết, nhưng nói đến “Mười Tường” thì kể cả người lao động bình thường ở xứ Châu Đốc cũng biết.
Tuy nhiên, người đàn bà ấy không chỉ “dính” một tội danh buôn lậu vàng qua biên giới mà còn nhiều phi vụ khác, gồm: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, buôn lậu đường cát, vận chuyển trái phép số lượng rất lớn USD qua biên giới và “rửa tiền”.
Ngày 16/2/2022, Toà án nhân dân tỉnh An Giang đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), 53 tuổi; Phạm Thanh Sang, 40 tuổi; Hồ Tuấn Linh, 41 tuổi; Nguyễn Văn Lê, 38 tuổi; Nguyễn Văn Minh, 31 tuổi, cùng ngụ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Đây là tội danh đầu tiên trong 6 tội danh mà “trùm” buôn lậu Mười Tường bị truy tố được đưa ra xét xử.
Theo cáo trạng, vào lúc 9h ngày 24/6/2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra tại khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ri, tổ 6, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang phát hiện 4 người đi trên 1 vỏ lãi (thuyền máy chất liệu composite) chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn, nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra.
Phát hiện lực lượng chức năng, 4 người này đã điều khiển phương tiện quay đầu lại và cặp vào bờ, bỏ lại phương tiện rồi chạy về bên kia biên giới. Một đối tượng trong nhóm đã ném lại một túi nilon, bên ngoài được quấn băng keo màu vàng, bên trong có 470.000 USD. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính (vắng chủ) và tạm giữ toàn bộ số tang vật (tiền USD và vỏ lãi) để xử lý.
Đến ngày 6 và 9/7/2021, Sang và Linh ra đầu thú. Riêng bị cáo Lê và Minh bị bắt, điều tra trong vụ án buôn lậu 51kg vàng xảy ra ngày 30/10/2020 tại khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hai người này cũng khai nhận trước đó có tham gia vận chuyển 470.000 USD cùng với Sang và Linh. Qua giám định, 4.700 tờ USD mệnh giá 100 USD là tiền thật, tương đương gần 11 tỉ đồng.
Qua đấu tranh khai thác, cả 4 đối tượng đã khai nhận làm thuê cho bà Mười Tường, vận chuyển hàng hóa, tiền cho “bà trùm” về Việt Nam từ bên kia biên giới.
Đó là vụ vận chuyển ngoại tệ, còn một vụ khác nổi tiếng hơn: Buôn lậu 51kg vàng. Vào trưa 30/10/2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ đã tổ chức bắt giữ một nhóm đối tượng đang vận chuyển trái phép 51kg vàng 9999 từ biên giới Campuchia vào khu vực thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc.
Trong vụ này, “bà trùm” Mười Tường cùng 7 đàn em sa lưới. Ngoài Mười Tường, 7 đàn em cùng bị bắt gồm: Lê Thị Bạch Vân (56 tuổi), Nguyễn Hữu Phước (33 tuổi), Phạm Tấn Lộc (33 tuổi), Võ Văn Trung (42 tuổi), Mai Thị Ngọc Phấn (43 tuổi), Nguyễn Văn Lê (38 tuổi), Phạm Thanh Sang (40 tuổi).
Tuy nhiên, không phải một lúc tất cả các đối tượng cùng bị bắt mà phải sau gần 8 tháng bằng các biện pháp nghiệp vụ Công an An Giang mới bắt được 5 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm trong đường dây buôn lậu này.
Để hoàn tất vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã phải tiến hành khám xét đồng loạt 15 địa điểm có liên quan đến vụ án gồm: Nhà ở và phủ thờ của “bà trùm”, Hoa viên Hạnh Phát, cây xăng Hạnh Phát, nơi ở của Nguyễn Văn Minh (kho đường phèn Hạnh Phát), nơi ở của Trung, Nguyễn Hoàng Út, Trần Văn Hải, kho Lộc Phát (đều ở huyện An Phú), khách sạn Hạnh Phát, nhà ở Nguyễn Thị Thu Hà, nhà ở của Phạm Tấn Lộc, nơi ở của Phan Văn Bồ (đều ở thành phố Châu Đốc), nơi ở của Nguyễn Hữu Phước (thị xã Tân Châu), nơi ở của Võ Minh Tâm (huyện Châu Phú).
Trở lại với vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tuyên ngày 23/2 mới đây, về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (bà trùm Mười Tường) bị tuyên phạt 8 năm tù, Phạm Thanh Sang (40 tuổi), Hồ Tuấn Linh (41 tuổi), Nguyễn Văn Lê (38 tuổi), Nguyễn Văn Minh (31 tuổi, tất cả ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú) mỗi bị cáo 4 năm tù.
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Hạnh (Mười Tường) là người có nhân thân xấu, vào năm 1999 đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang bắt về hành vi buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; năm 2017, bị Toà án nhân dân tối cao tại TP HCM xử phạt 3 năm tù về tội buôn lậu.
Lẽ ra sau khi chấp hành xong hình phạt tù, bị cáo phải tự cải tạo mình nhưng lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, chỉ đạo, điều hành, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới nhiều lần. “Bà trùm” Mười Tường là người điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hoá qua biên giới, bằng cách tổ chức đường dây, thuê những người không có việc làm ổn định, lôi kéo họ vào con đường phạm tội.
Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm trực tiếp tới trật tự, hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý tiền tệ. Do đó cần phải xét xử các bị cáo với mức án nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Sắp tới, “bà trùm” còn phải tiếp tục hầu tòa với vụ buôn lậu 51 kg vàng trái phép qua biên giới. Số năm phái “bóc lịch” trong tù với người đàn bà khét tiếng này sẽ còn dày lên.
Nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết thêm, “bà trùm” cũng sẽ còn phải trả lời trước Tòa về hành vi rửa tiền thông qua những “hoạt động đầu tư” vào cây xăng, khách sạn, kho bãi… của mình, khi khoác chiếc áo “nữ doanh nhân thành đạt”.