Chặn chiêu trò ‘đánh sóng’
Liên quan đến vụ công ty bất động sản rao bán đất nền gây xôn xao dư luận tại tỉnh Bình Phước, ngành chức năng đang vào cuộc để bàn hướng xử lý.

Trước đó, ngày 21/2, mạng xã hội xôn xao clip ghi cảnh lãnh đạo và nhân viên công ty bất động sản liên tục chạy, chốt giá đất nền, tạo cơn sốt đất. Clip dài khoảng 4 phút ghi lại ở một bãi đất trống, bên cạnh con đường có hàng chục chiếc ô tô đang đậu. Một số nhân viên của công ty bất động sản mặc vest cầm cặp da và sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC.
Nhân viên công ty bất động sản liên tục từ khu lều bạt chạy đến chỗ MC nói “lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... khách đặt cọc rồi nhé”. Sau đó MC thông báo lại lên loa lô đã chốt cọc trong tiếng nhạc inh ỏi.
Đoạn clip được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng không gian mạng, vào đúng thời điểm nhiều thông tin khó kiểm chứng cho rằng sau Tết Nguyên đán giá đất tăng vọt. Tuy nhiên, clip kể trên cũng chỉ là một chiêu trò, dàn dựng, “đánh sóng” tạo ra thị trường ảo để kiếm lời có tính lừa đảo.
Khu đất được dựng rạp rao bán kể trên thuộc tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Công ty bất động sản có trụ sở tại tỉnh Bình Dương là đơn vị xuất hiện trong đoạn clip nói trên.
Rồi đây mọi việc sẽ phải rõ ràng, ai sai đến đâu sẽ được làm rõ và phải chịu trách nhiệm. Nhưng điều rất đáng bàn ở đây là trách nhiệm của địa phương. Thực tế cho thấy, mỗi khi “sốt đất” ở địa phương nào đó thì đều có cán bộ xã làm “tay trong” cho cò đất, hoặc cho những công ty bất động sản “tay to”. Đã có trường hợp những nơi thuộc dạng “khỉ ho cò gáy” nhưng cũng được bắt tay làm ầm ĩ rằng sắp có những dự án lớn đầu tư, đường giao thông sẽ chạy băng ngang.
Thế rồi, đội ngũ cò đất ở đâu bỗng đổ về, vào từng nhà dân gạ bán đất khiến làng quê vốn yên ả bỗng chốc như sôi sùng sục. Ghê hơn nữa, có nơi còn có người về đo đo đạc đạc như kiểu sắp mở đường đến nơi. Lại còn có đối tượng buôn đất thuê cả xe ủi về san mặt bằng… như thật!
Những “hoạt động sôi nổi” ấy cán bộ địa chính, cán bộ Ủy ban xã không thể không biết. Và họ cũng càng biết sâu hơn đó chỉ là chiêu trò “đánh sóng”, “tạo sóng” bất động sản. Nhưng họ vẫn yên lặng, không chỉ là “mũ ni che tai” mà rất có thể còn ngầm bắt tay với cò đất, với doanh nghiệp bất động sản để trục lợi.
Làm cán bộ xã thì phải lo cho dân, lo sao cho làng xã mình yên ổn, phát triển, bà con phấn khởi làm ăn chứ không phải là lại làm cho làng xã xáo trộn, người dân mệt mỏi, nhận trái đắng sau khi nhẹ dạ bán cả đất vườn, đất ruộng. Vì thế, nhiều người cho rằng, để chặn những chiêu trò “đánh sóng” bất động sản ở làng quê thì cứ mang mấy ông cán bộ xã ra mà hỏi.