Nạn nhân vụ lật ca nô: 'Đừng chụp ảnh tôi, người thân gia đình tôi chết nhiều quá'
Chuyến đi du lịch đã trở thành chuyến đi kinh hoàng, người mất vợ, kẻ mất con... Tất cả diễn ra quá nhanh, quá nguy hiểm, không ai có thể ngờ được. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online đã gặp gỡ và nghe tâm sự của họ, quả thật là câu chuyện tang thương và nước mắt.
Là một trong số 22 người may mắn thoát chết trong vụ lật ca nô, ông Nguyễn Tấn Hiệp (50 tuổi), trú TP Hồ Chí Minh đang được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa TP Hội An.
Khi gặp chúng tôi, ông Hiệp vẫn còn thẫn thờ, hoảng sợ vì ông không bao giờ nghĩ vụ tai nạn lại xảy ra nhanh chóng khiến mình mất đi người vợ thân yêu.
Theo ông Hiệp, sáng 26/2, hai vợ chồng ông cùng nhiều hành khách khác đi ca nô từ cảng Cửa Đại ra đảo Cù Lao Chàm để tham quan. Tầm 14h, rất đông hành khách cùng thuyền trưởng và 2 thuyền viên lên ca nô để di chuyển về lại cảng Cửa Đại.
Thời điểm rời đảo Cù Lao Chàm, trời nhiều mây và biển động, gió lớn. Khi chạy vào chỉ còn cách bờ tầm 2 km thì bất ngờ sóng lớn đánh mạnh khiến ca nô lật úp.
Lúc đó, mọi người trên ca nô rất hốt hoảng, nhiều người đã bơi ra ngoài, một số người còn mắc kẹt trong ca nô. Tiếng la hét, tiếng khóc ré, cảnh tượng diễn ra thật quá kinh hoàng
“Chỉ vài giây, tất cả mọi người la hét hoảng loạn trong vùng biển nước lạnh lẽo. Lúc ca nô lật, tôi quơ tay tìm vợ nhưng không thấy ở đâu. Tôi cố nhoài người đến chỗ cửa sổ để chui ra ngoài. Sau khi thoát ra được, tôi lặn xuống để cứu vợ nhưng không tìm thấy. Dù kéo được 4 người khác trong đoàn ra ngoài nhưng họ đã tử vong. Thật kinh khủng quá”, ông Hiệp chia sẻ.
Cũng như ông Hiệp, ông Phạm Ngọc Hùng, trú TP Hồ Chí Minh đang ngồi chờ ở Bệnh viện đa khoa Hội An để nhận thi thể vợ.
Ông Hùng buồn bã kể rằng, vợ chồng ông cùng 6 người bạn ra TP Hội An du lịch từ ngày 24/2, đến sáng 26/2, họ lên ca nô ra đảo Cù Lao Chàm và chiều cùng ngày gặp nạn trên đường trở về bờ.
“Tôi ngồi gần cửa sổ nên thoát ra ngoài và bám vào mũi tàu. Hoảng loạn không biết gì cả. Rất may sau đó tôi được lực lượng Bộ đội biên phòng ứng cứu kịp thời và đưa vào bờ trong tình trạng lạnh buốt. Nhưng thật đau đớn vì khoảng 2 tiếng sau, tôi hay tin vợ mình nằm trong số các nạn nhân tử vong”, ông Hùng đau xót vừa nói vừa khóc.
Là người sống sốt sót trong vụ chìm ca nô, em Nguyễn Xuân Huy (14 tuổi), trú quận Đông Anh, TP Hà Nội kể lại, gia đình em từ TP Hà Nội vào TP Đà Nẵng.
Sau đó vào TP Hội An để ra đảo Cù Lao Chàm tham quan viếng cảnh. Đến khoảng 14h ngày 26/2, gia đình em lên ca nô trở vào đất liền. Tuy nhiên, khi chiếc ca nô chở 39 hành khách trên đang vào bờ thì bất ngờ sóng lớn đánh lật, khiến mọi người hoảng loạn.
“Lúc đó em đã mặc áo phao và trôi nổi trên mặt biển. Khoảng hơn 30 phút thì được lực lượng chức năng cứu hộ đưa vào bờ. Hiện giờ sức khỏe em đã ổn định nhưng giờ cả gia đình không biết như thế nào em lo quá”, em Huy chia sẻ.
Một hành khách khác đang gào khóc, ngất xỉu liên tục vì gia đình có đến 14 người trong vụ lật ca nô, hiện giờ 6 người con sống, đây là nỗi đau không thể nào ông quên được chuyến du lịch định mệnh này.
“Đừng ghi hình, đừng chụp ảnh tôi, người thân gia đình tôi chết nhiều quá. Đau đớn quá. Tôi chỉ yêu cầu cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm đơn vị vận tải chở khách du lịch này. Chứ đền bù bồi thường thì không thể nào cứu sống được người thân gia đình của tôi. Nỗi đau này quá lớn đối với tôi”, một hành khách trong vụ chìm tàu chia sẻ.
Còn em Trịnh Hải Đăng (14 tuổi), trú huyện Mê Linh, TP Hà Nội nhớ lại: “Sau 3 ngày tham quan, du lịch trên đảo Cù Lao Chàm, em cùng 3 người thân gia đình lên ca nô để trở về đất liền kết thúc chuyến thăm quan. Ai ngờ đây là chuyến du lịch chắc chắn ám ảnh đối với em suốt cả đời, khi chiếc ca nô chạy được một đoạn trên biển, sóng lớn đánh lật úp, chỉ trong vòng 5 phút tất cả mọi người trên chiếc ca nô bị chìm xuống biển. Riêng em trôi dạt trên biển sau đó được lực lượng chức năng cứu sống”.
Thiếu tá Trần Văn Khiêm, nhân viên kiểm soát hành chính Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, kể lại, lúc 12h10’ cùng ngày, anh nhận được thông tin một vụ lật ca nô trên vùng biển Cửa Đại. Sau đó, anh cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ huy động các phương tiện ra khu vực hiện trường gặp nạn để tiến hành cứu vớt các nạn nhân.
“Khi tiếp cận được hiện trường thì chiếc ca nô đã chìm xuống dưới biển. Tôi đã lặn xuống vào bên trong ca nô vớt được 4 người, trong đó có 1 người còn sống đưa lên tàu an toàn. Tiếp đến, tôi đã bơi ra khu vực lân cận đã cứu vớt thêm 3 nạn nhân. Thật sự quá đau đớn, quá buồn”, Thiếu tá Khiêm tâm sự.
Ghi nhận của phóng viên, đến 22h’ ngày 26/2, các lực lượng chức năng vẫn tích cực triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại. Các phương tiện huy động tìm kiếm trong đêm gồm 6 ca nô của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, tàu SAR 412 và tàu 274 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, Biên đội, Cảnh sát biển, trực thăng của Sư đoàn 372 và 10 tàu cá của ngư dân.
Còn tại bến cảng Cửa Đại, rất đông lực lượng Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Quân khu V phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Nam, cán bộ y tế đưa xe cứu thương vận chuyển các khách cứu sống đi cấp cứu, còn người tử vong được đưa vào nhà tang lễ ở TP Hội An để đưa về quê lo hậu sự.
Có mặt chỉ đạo tại hiện trường, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện các lực lượng chức năng gồm công an, quân đội, bộ đội biên phòng với sự hỗ trợ của Quân Khu 5 đang tích cực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.
Tính đến 9h ngày 27/2 vụ lật ca nô nói trên cứu sống 22 người, 15 người tử nạn và hiện đang tìm kiếm 2 người mất tích trên vùng biển Cửa Đại, TP Hội An.