Chiến binh áo trắng
Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi hội nghị cán bộ ngành y tế căn dặn những điều quý báu: Trước hết là phải thật thà đoàn kết - đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; Thương yêu người bệnh, “người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”; Phải xây dựng một nền y học của ta, một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là kim chỉ nam cho ngành y tế nước nhà, cho đội ngũ những người thầy thuốc từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.
1.Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhằm nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế. Trước hết là bởi y đức của người thầy thuốc, biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn - như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”.
Từ trong lịch sử, Việt Nam có một nền y học rạng rỡ. Những bài thuốc nam, những vị thuốc nam, cách trị bệnh cứu người của những vị thầy thuốc được lưu danh thiên cổ cũng như lớp lớp các thế hệ “thầy thuốc nhân dân” không tên đã xây dựng nên một nền y học tuyệt vời: Nền y học của người Việt Nam.
Thời gian trôi qua, tên tuổi của những bậc danh y không bị lu mờ, trái lại càng trở nên rực rỡ. Trong số những vị danh y ấy, có Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Các vị không chỉ là những nhà bác học trong lĩnh vực trị bệnh cứu người, mà còn là tấm gương tiêu biểu về y đức, để lại cho con cháu những bài học cao cả về làm người, làm thầy thuốc.
Trong lịch sử hiện đại nước nhà, thời gian chưa lâu nhưng chúng ta cũng đã có được rất nhiều thầy thuốc đủ cả tài cả đức. Trong đội ngũ ấy phải kể đến Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Hoàng Đình Cầu, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Lê Thế Trung, Giáo sư Đặng Văn Chung… Các vị đều là những tấm gương sáng về y đức, tinh thần vì nước, vì dân, sống hết mình vì người bệnh. Đó cũng là những bậc trí thức không ngại gian khổ, sống cuộc sống thanh cao, vì dân vì nước.
Trong số những vị thầy thuốc đáng kính ấy, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ trong ngành y mà với toàn xã hội. Rất nhiều người không biết mặt ông, không được ông chữa trị nhưng vẫn hết mực tôn sùng ông. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có một bệnh viện và một trường đại học y khoa mang tên ông. Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - bệnh viện đầu ngành, phụ trách chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho chuyên khoa Lao và bệnh Phổi các tỉnh/thành phố phía Nam. Bệnh viện là cơ sở thực hành của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y, Khoa Y Đại học quốc Gia, Khoa Y Đại học Tân Tạo…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5/1909, học Đại học Y Hà Nội từ năm 1928, tốt nghiệp bác sĩ ở Paris năm 1934. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn từ thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939), vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1945. Từ đó, suốt cuộc đời ông gắn liền với cách mạng, với ngành y tế nước nhà với nhiều cương vị khác nhau. Ông hy sinh trên chiến trường miền Nam ngày 7/11/1968.
Tên tuổi Phạm Ngọc Thạch gắn liền với nền y tế nhân dân, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đông y và tây y, kết hợp y và dược... Cùng với đồng nghiệp, ông đã góp phần quan trọng đẩy lùi bệnh sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván... giảm hẳn sốt rét, thương hàn không còn phát triển thành dịch; mắt hột được thanh toán, bại liệt được giảm thiểu, người bệnh phong, bệnh lao được tập trung trong các nhà điều dưỡng, các bệnh viện chuyên khoa để chạy chữa và phục hồi chức năng. Những công trình của ông về bệnh lao và phổi đã đặt nền móng vững chắc cho đất nước điều trị, thanh toán căn bệnh vốn được coi là nan y này.
Năm 1968, chiến tranh ác liệt, ở tuổi 59, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thiết tha xin vào chiến trường miền Nam xây dựng và phát triển ngành. Ông đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. Ông mất đi khi sự nghiệp dang dở và cũng là lúc ở đỉnh cao của một người thầy thuốc tài năng. Nhưng Đảng, Nhà nước, ngành Y và nhân dân ta mãi mãi không quên công ơn của ông, một người thầy thuốc nhân dân.
Năm 1997, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu tiên.
2.Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xâm nhập và bùng phát ở nước ta. Tính đến nay, đất nước đã trải qua 4 lần bùng phát dịch, mà lần thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021 là ác liệt nhất, với sự tàn phá của biến thể Delta.
Trong suốt nhiều tháng ròng rã, dịch bệnh lan rộng, số người nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh từng ngày. Từ đầu tháng 5 cho tới tháng 10/2021, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Thành phố Hồ Chí Minh rồi lan rộng ra các tỉnh phía Nam. Số người nhiễm mới tăng vọt, số bệnh nhân gia tăng, số người tử vong về Covid-19 cũng nhiều lên. Xã hội gặp muôn vàn khó khăn, y tế nhiều địa phương quá tải.
Trước tình thế đó, những “chiến binh áo trắng” đã xung trận. Cùng với đội ngũ y, bác sĩ tại chỗ, hàng chục nghìn y, bác sĩ, điều dưỡng từ Trung ương, từ nhiều tỉnh thành đã được chi viện cho miền Nam thân yêu. Họ đã kết thành những bức tường thép ngăn chặn đại dịch, giành lại cuộc sống cho từng người. Không quản hiểm nguy, không ngại vất vả, ngày này sang ngày khác những chiến binh áo trắng đối mặt với hiểm nguy, trong số họ có những người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu người.
Cũng trong những tháng ngày gian nan ấy, nhiều y, bác sĩ cao tuổi đã nghỉ hưu cũng đã làm đơn tình nguyện trở lại đội ngũ của những người thầy thuốc trên tuyến đầu dập dịch. Có trường hợp cả hai vợ chồng bác sĩ đều đã gần 70 tuổi, đã “chia nhau” vợ trực ở khu cách ly, chồng vào bệnh viện điều trị Covid-19. Kinh nghiệm những “chiến binh già” ấy giúp rất nhiều cho cuộc chiến chống dịch, và quý giá hơn họ còn là tấm gương cho những y, bác sĩ thế hệ đàn em, đàn cháu. Đó là tấm gương khi có dịch thì y, bác sĩ phải là chiến sĩ. Mặt trận ấy không có tiếng bom gào đạn xé, nhưng lại là mặt trận của những kẻ địch vô thanh vô ảnh, cũng khốc liệt không kém.
Và, chúng ta cũng rất tự hào với lớp thầy thuốc tương lai. Đó là những sinh viên các trường Y, Dược cũng sẵn sàng khoác áo blouse, đứng cùng các chú, các bác bên người bệnh không một chút mảy may suy tính. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, họ sẽ là những thầy thuốc tốt, những thầy thuốc của nhân dân khi họ đã tự mình trải qua những tháng ngày gian khó ngay khi đầu xanh tuổi trẻ.
3.Nhưng cũng thật buồn khi chúng ta phải chứng kiến không ít “con sâu” trong ngành y tế. Đó là những người vốn là thầy thuốc, cán bộ y tế nhưng đã đánh mất mình, tấm áo blouse trắng của họ đã bị những “viên đạn bọc đường” xuyên thủng.
Từ một vụ án thuốc ung thư giả ở Công ty VN Pharma, nhiều cán bộ y tế, kể cả lãnh đạo ngành đã bị kỷ luật, bị truy tố, bị bắt giam. Vụ án càng kéo dài càng gây nhức nhối khi người ta thấy rằng những con người thoái hóa ấy chỉ vì lợi ích cá nhân mà đã đang tâm đầu độc nhân dân mình: những người không may bị mắc phải căn bệnh ung thư như một án tử.
Trong khi cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19, thì cũng thật đáng buồn thay lại xuất hiện một số kẻ đẩy giá trang thiết bị, sinh phẩm y tế lên gấp nhiều lần để trục lợi. Chỉ một vụ của Công ty Việt Á thôi đã thấy sự thông đồng trên diện rộng ở nhiều địa phương. Những tỉ đồng “hoa hồng”, “lại quả” ấy có mua nổi danh dự của người thầy thuốc? Có giúp họ thoát khỏi tù tội?
Lại có một số lãnh đạo bệnh viện núp dưới danh nghĩa xã hội hóa y tế mà bắt tay với tư nhân nâng khống thiết bị y tế, đặt trong bệnh viện do mình quản lý, để rồi “móc túi” người bệnh với giá cao gấp nhiều lần. Không ai mặc cả được với cái chết, người bệnh phải chi trả những khoản tiền rất lớn thậm chí vô lý, để rồi phải mang gánh nợ chất chồng...
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay thêm một lần nữa xã hội tôn vinh thầy thuốc, nhưng cũng là một lần để chính những người đang công tác trong ngành y nhìn lại mình, ngẫm lại thật kỹ điều mà chúng ta vẫn kính trọng gọi là “y đức”. Rất buồn khi trong đội ngũ thầy thuốc có một số người đã đánh mất mình, nhưng vẫn còn đó những thầy thuốc hết lòng vì nhân dân, vì người bệnh. Đội ngũ kiên trung ấy đã đem đến niềm tự hào cao cả cho đất nước: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn là lương y, vẫn là người thầy thuốc của nhân dân.