Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay...
Tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời khiến tôi quá bàng hoàng, mặc dù nghe nói trước đó sức khỏe ông giảm sút nhiều thường xuyên phải đi viện. Cuối năm 2021 ông mắc Covid-19 nhưng đã điều trị khỏi. Không tin vì tôi không muốn tin.
Tôi nhớ, cứ như thể chỉ vài tháng đây thôi tôi cùng vợ chồng ông về Bắc Ninh, một địa chỉ văn hóa với khu nhà vườn đẹp đẽ của em họ nhạc sĩ Phó Đức Phương dự buổi liên hoan văn nghệ, ông vẫn rất khỏe mạnh.
Trước đó tôi cũng đã nhiều dịp trò chuyện với ông, viết về cuộc đời sáng tạo của ông, nhưng chẳng lần nào đủ chuyện. Lần nào cũng hẹn một lần nữa… Những chuyện mà suốt nhiều năm chúng tôi vẫn còn chưa nói hết. Từ chuyện 5 tuổi, ông được cha là một nhà nho gửi vào Sài Gòn học trường Pháp Chasseloup Laubat, chỉ học 4 năm mà ông có thể nói và đọc được tiếng Pháp. Chuyện yêu âm nhạc rồi tự học. Đang học cấp 3 đã có những ca khúc đầu tiên như “Hò dân công”, “Xuân ơi sao chưa về”...
Rồi chuyện ảnh hưởng từ cải cách ruộng đất, gia đình ông bị liêu xiêu ra sao. Nhưng cha ông là người có khả năng nhìn xa, đặt niềm tin vào con và bảo con ra Hà Nội để lập nghiệp bằng học hành. Ông kể, tới Hà Nội, không tiền, không có chỗ bấu víu ông đã từng phải lao động cực nhọc, kéo xe ba gác ở bến Phà Đen, ngày đi làm, tối đến thư viện đọc sách.
Thế rồi may mắn gặp được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng. Lớn hơn 5 tuổi, Trọng Bằng vừa quý tài năng vừa thấy Tài Tuệ chân chất hiền lành đã coi như người em thân thiết… Ước ao sáng tác âm nhạc chưa bao giờ tắt trong lòng người thanh niên xứ Nghệ, kẻ kéo xe ba gác Nguyễn Tài Tuệ không chỉ đọc sách, tìm hiểu và tự học âm nhạc, ông còn quên hết nhọc mệt để đến nhà hát những đêm sáng đèn. Ông muốn tìm cơ hội để gặp người phụ trách xin thử làm ca sĩ.
Nguyễn Trọng Bằng, khi đó đang là đội trưởng đội ca nhạc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Vào một ngày may mắn của năm 1955, sau khi hát thử cho các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Thương nghe, được hai ông công nhận có giọng và nhạc cảm tốt Nguyễn Tài Tuệ đã được nhận vào đoàn của Trọng Bằng.
Năm 1958, ông được biệt phái lên Đoàn Ca múa Lao - Hà - Yên (Lao Cai - Hà Giang - Yên Bái). Ngấm chất liệu dân gian Tây Bắc, ông viết “Lời ca gửi Noọng”, hợp xướng “Xuân về trên bản”, và “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” khi chưa tròn 23 tuổi…
Không chỉ bởi những câu chuyện như vậy tôi mới có nhận xét về một người tài hoa nhưng quá đỗi hiền hậu, mà là tự nhiều những khía cạnh khác mà tôi biết. Bản chất chân thực vốn dĩ của người con xứ Nghệ, cử chỉ khoan thai nhẹ nhàng, giọng nói ấm áp chầm chậm, cho thấy đời sống nghệ sĩ lắm cám dỗ về danh vọng, nhiều cạnh tranh không làm thay đổi được ông. Thường thì tôi nghe ông kể, nhưng có lần tôi chủ động hỏi, vì nghe người ta nói rất nhiều chuyện ông bị “lên bờ xuống ruộng”, như: “Lời ca gửi Noọng” bị coi là thiếu lành mạnh, không được sử dụng; “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã có ý kiến ngừng phát sóng vì bị coi là sử dụng hát Then và dân ca Nùng có chất ma quái, đồng cốt để ca ngợi lãnh tụ... chuyện ấy thế nào? Ông chỉ cười hiền.
Ông bảo, nhận thức của con người ta đôi khi rất hạn chế nhưng trách nhiệm người ta lúc đó phải mang rất nặng nề nên người ta sợ, người ta chỉ muốn cái vị trí người ta đang có được an toàn. Ông bảo, tin đồn thì nhiều, lời nói ra nói vào cũng lắm, nhưng bài hát sau đó vẫn được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần thì đó là sự công nhận của lãnh đạo và của đông đảo khán giả rồi, chả nên chấp mãi. Ông bảo, có người nói này, cũng có người nói khác, nhưng khi ý kiến của nhà thơ Nông Quốc Chấn - Vụ trưởng Vụ Văn hóa miền núi của Bộ Văn hóa-Thông tin khi đó đã nhận xét tốt thì mọi chuyện êm xuôi. Tôi hỏi ông về cuộc trưng cầu ý kiến bài hát được yêu thích nhất của khán giả Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 1961-1964. Ông công nhận.
Một hôm, ông bảo, đời ông nếu có mong muốn gì, thì đó là có thể sáng tác thêm những tác phẩm về khí nhạc. Nhưng bỗng giọng ông chùng xuống, ông nói nhỏ: là làm sao để có thể biến mất một tác phẩm đã được phổ biến. Tôi hiểu ông muốn nói đến bài hát nào. Bài rất hay. Nếu bỏ lời đi, chỉ nhạc thôi thì âm nhạc sẽ tồn tại mãi với thời gian. Nhưng tác phẩm là một tổng thể, giai điệu cứ cất lên thì người ta lại nhớ đến ca từ.
Ông buồn bã kể rằng, vào năm 1962, khi nghe kể về một người bằng tuổi mình đã rất dũng cảm chiến đấu cho một lý tưởng cao đẹp và bị kẻ thù kết án và đã bị tử hình. Cảm xúc đau xót, tiếc thương dâng trào ông đã viết bài hát đó. Nhưng sau này, bản án đã không bị thi hành, người vẫn còn sống. Người còn sống là tin vui, là một thắng lợi của cuộc chiến. “Nhưng ca từ thì viết người đó đã chết… Đó là một sai lầm đáng tiếc của tôi…”.
Ông nói xong rồi lại cười buồn bã. Tôi thưa với ông, trong lịch sử nhân loại những chuyện như thế không phải là ít, ông chả nên buồn. Bản giao hưởng số 3 (Anh hùng) của Beethoven là một ví dụ…
Câu chuyện hôm ở bên Bắc Ninh của chúng tôi tiếp theo là về cuộc đời ông, kéo tôi trở lại năm 1960, ông công tác ở Ban Nghiên cứu Âm nhạc Bộ Văn hóa -Thông tin. Ở đây ngoài việc nghiên cứu ông vẫn tâm đắc và chuyên chú đến sáng tác. Sau chuyến điền dã tại Yên Thủy (Hòa Bình) cùng những kỷ niệm về chuyến đi thực tế vào giới tuyến Quảng Trị năm trước đã dồn nén cảm xúc đến đỉnh điểm để cho ra đời một tác phẩm “Xa khơi” nổi tiếng. Phải thừa nhận rằng, Nguyễn Tài Tuệ đã sử dụng tài tình chất liệu dân gian (ví dặm) miền Trung nhưng đã “đẩy” dân gian tới hàn lâm khiến cho “Xa khơi” lên tới đỉnh điểm và không bao giờ và không có ai có thể giống ông được. Cùng với tiếng hát của Tân Nhân, cách nhả chữ, luyến láy đặc biệt của ca sĩ tài hoa ấy mà “Xa khơi” đã đi xa, thành công hơn cả mong đợi. Sau này, với giọng hát của Tân Nhàn và các bản hòa âm phối khí mới “Xa khơi” càng được nhiều thế hệ công chúng yêu thích. Người ta vẫn không quên Tân Nhân với những phiên bản hòa âm “mô -nô”, nhưng được thưởng thức sự đa chiều của “Xa khơi” với những phiên bản mới.
“Xa khơi” hay “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” thành công từ trước khi ông được cử đi học Đại học về sáng tác âm nhạc tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp hạng ưu (1966- 1972).
Lúc này đây tôi vẫn nhớ câu ông nói: “Một tác giả viết ra đến cả nghìn bài mà không có bài nào được nhớ đến, nghĩa là không có gì cả”. Câu ấy có lẽ bất kỳ một tác giả nào cũng nên tự nhắc cho mình.
Trước khi về hưu, ông công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam trong vai trò sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.
Bà Vũ Thị Cẩm Tú, vợ ông bằng tuổi tôi, tuổi con Hổ Canh Dần, một người xinh đẹp và rất yêu chồng. Hai người quen nhau hồi đang là sinh viên Đại học Bách khoa Bình Nhưỡng. Họ có hai con trai đều theo nghiệp âm nhạc. Đôi lần tôi đến thăm ông ở phố Láng Thượng. Ngôi nhà như của tất cả những người bình thường, vào mùa đông lạnh, bà Tú phải mặc áo bông dày suốt ngày trong nhà. Cuộc sống giản dị nhưng họ sống vui vẻ, hạnh phúc và mến khách. Sau khi nghỉ hưu ông vẫn sáng tác đều, vẫn trung thành với phong cách sử dụng nhưng phát triển âm hưởng dân gian hướng hàn lâm. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, đặc biệt cho nhạc cụ dân tộc. Ông cũng soạn nhạc cho các vở múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca.
Từ năm 2012 đến trước khi sức khỏe giảm sút, ông tham gia Ban cố vấn cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Không phải cố vấn pháp lý mà là đóng góp và phản ánh những nguyện vọng của thành viên đã ký hợp đồng bản quyền âm nhạc với Trung tâm. Sinh thời, nhạc sĩ Phó Đức Phương rất coi trọng ông, không chỉ là một nhạc sĩ bậc thầy mà là một nhân cách lớn, người có huyết thống đồ Nghệ trung thực thẳng thắn.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời lúc 9 giờ 7 phút ngày 11/2, hưởng thọ 87 tuổi. Xin được hát lên câu hát trong “Xa khơi”: “Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay...”.
Các ca khúc chính của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ như: “Lời ca gửi Noọng”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Xuân về trên bản Nhắng”, “Xôn xao bến nước”, “Xa khơi”... Về khí nhạc, ông có giao hưởng thơ “Những cánh chim cao nguyên”, “Kỷ niệm quê hương” (cello và piano). Ngoài ra, nhạc sĩ cũng đã xuất bản “Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Tài Tuệ” và album riêng tác giả.
Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I (2001). Ông cũng được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).