Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân đến các thầy thuốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế.
Tối 27/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Chương trình nghệ thuật “Chiến sỹ áo trắng” do Bộ Y tế phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh những chiến sỹ áo trắng, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành Y tế và các cán bộ y tế tiêu biểu toàn quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời chúc mừng nồng nhiệt, lời cảm ơn sâu sắc đến thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, lời thề y đức “sâu y lý - giỏi y thuật - giàu y đức” luôn thắp sáng tư tưởng và hành động trong mỗi thầy thuốc và nhân viên y tế.
Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã vượt qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào bằng trí tuệ và lòng yêu nước cao cả.
Nhắc lại công lao của các thế hệ y bác sĩ như giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di; bác sĩ Vũ Đình Tụng; bác sĩ Đặng Văn Ngữ; giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng; giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu... và hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y tế thầm lặng phục vụ trong các chiến trường gian nan và nguy hiểm, nhiều người đã anh dũng hy sinh góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, dù trong thời chiến hay thời bình, sự tận hiến phục vụ đồng bào, chiến sỹ của các thầy thuốc và nhân viên y tế luôn để lại ấn tượng và sự biết ơn sâu sắc trong mỗi chúng ta.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nhìn lại hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những “chiến sỹ áo trắng”, “anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái...
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành Y tế, bác sĩ và nhân viên y tế.
Trong Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết để chiến thắng dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã biểu dương sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành y tế, cùng các lực lượng tuyến đầu khác.
Thủ tướng cho biết, để ứng phó với dịch bệnh, nhân dân đã đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước và ngành Y để đi qua nghịch cảnh và khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được ủng hộ cho Quỹ vaccine, xây dựng bệnh viện dã chiến, mua sinh phẩm, thiết bị y tế…
Đồng thời, đã xuất hiện nhiều bài thơ, nhiều ca khúc sâu lắng của các nhạc sỹ, nhà thơ và nhân dân cả nước tặng riêng thầy thuốc và nhân viên y tế trong đại dịch. Đó là những giá trị tinh thần không gì đo đếm được.
Với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, năm 2021 đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực; trong đó có đóng góp rất quan trọng của ngành y tế.
Đại dịch Covid-19 đã thách thức và làm bộc lộ nhiều hạn chế với tất cả hệ thống y tế trên toàn cầu, kể cả ở những nước phát triển. Nhiều quốc gia đã rút ra những bài học và có kế hoạch xây dựng hệ thống y tế chống chọi với những sự cố bất ngờ trong đó có đại dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, những năm qua, ngành y tế nước ta đã có sự phát triển toàn diện về nhiều mặt, chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ, khoa học sáng tạo trong lĩnh vực y dược phát triển, một số lĩnh vực không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới, được nhân dân tin tưởng.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất nhất là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.
Thủ tướng khẳng định sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của Đảng và Nhà nước. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của nhân dân.
Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…
Dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, nhiệm vụ ngành Y là rất nặng nề.
Để giảm bớt vất vả cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức “mỗi người vì mọi người” trong việc chấp hành các quy định y tế, phòng chống dịch, tiêm chủng… Đây là nhân tố hết sức quan trọng và quyết định; là quyền lợi, nghĩa vụ và là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho Chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ em đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp các cháu trở lại trường học an toàn.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ trong thẩm quyền sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội; nhất là Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã xác định “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho nhân dân.
Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.
Chúng ta cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Thủ tướng khẳng định mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả “thầy thuốc như mẹ hiền” để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xây dựng dân tộc khỏe mạnh, đất nước phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng.
Chương trình nghệ thuật “Chiến sỹ áo trắng” được chia thành 4 trường đoạn gồm “Rừng cây đời người”, “Áo trắng diệu kỳ”, “Trái tim thầy thuốc mênh mông tình người”, “Hồi sinh”.
Trong đó, trường đoạn 1 với chủ đề “Rừng cây đời người” với các ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” (Văn Cao), “Một đời người một rừng cây” (Trần Long Ẩn) gợi nhớ về mùa Xuân độc lập đầu tiên của dân tộc, cũng là mùa xuân đầu tiên của ngành y tế Việt Nam.
Xen lẫn các tiết mục nghệ thuật là các clip tư liệu giới thiệu khái quát về các dấu ấn lịch sử của ngành y tế, trích thư Bác Hồ gửi ngành y, giới thiệu về các thế hệ các giáo sư bác sĩ đã một lòng đi theo cách mạng, đi theo Đảng, theo Bác Hồ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giới thiệu về thế hệ thanh niên ưu tú sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân vì chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do!”
Trường đoạn 2 có chủ đề “Áo trắng diệu kỳ” với các tác phẩm “Đường chúng ta đi” (Huy Du), "Hạnh phúc nghề y" (Nguyễn Thanh Thủy) và phần tư liệu giới thiệu về những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ngành y tế đã hoàn thành trọng trách vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ và quân đội giao phó, đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Với chủ đề “Trái tim thầy thuốc mênh mông tình người,” trường đoạn 3 gồm các ca khúc có chủ đề chống Covid-19 như “Việt Nam đánh bay Corona” (Minh Beta), “Hẹn ngày chiến thắng” (nhạc Trịnh Xuân Hảo, thơ Nguyễn Hoàng Yến), “Hôm nay mẹ trực đêm” (Hoàng Hiệp) cùng hoạt cảnh sân khấu hóa về không khí khẩn trương của những ngày chống dịch, múa hình tạo khung cảnh khốc liệt của một bệnh viện dã chiến, hoạt cảnh bác sĩ trò chuyện qua điện thoại với con gái nhỏ, hoạt cảnh về những hy sinh, mất mát của các chiến sỹ áo trắng trong cuộc chiến chống Covid-19…
Trường đoạn 4 “Hồi sinh” với các ca khúc “Ta sẽ hồi sinh”, “Vinh quang ngành y Việt Nam” với mong ước về sự hồi sinh trong tương lai không xa. Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như Tùng Dương, Mỹ Linh, Bùi Lê Mận…