Loạn giá kit test, thuốc chữa Covid-19: Không để đầu cơ, trục lợi hoành hành

H.Vũ 28/02/2022 07:22

Mặc dù Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã có hiệu lực được 2 tháng nhưng thuốc điều trị Covid-19 vẫn được bán tràn lan và giá kit xét nghiệm nhanh đang “nhảy múa” trên thị trường, trong khi thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

GS.TS Nguyễn Anh Trí.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta càng “đóng băng” thì trục lợi càng hoành hành.

PV: Thưa ông, loạn giá xét nghiệm, thiết bị y tế đã được chất vấn trước Quốc hội. Chính phủ ngay sau đó cam kết đưa ra các giải pháp để “bình ổn giá”. Thế nhưng đến nay tình trạng loạn giá có vẻ ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Anh Trí: Đặc điểm chung của thị trường là khi cầu và cung không gặp nhau sẽ xảy ra tình trạng găm hàng, thổi giá, loạn giá. Và vấn đề thiết bị y tế, thuốc điều trị trong phòng, chống Covid-19 cũng vậy. Khi dịch diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng mạnh thì hầu như gia đình nào cũng tích trữ kit xét nghiệm Covid-19. Chưa kể có những nơi có “sáng kiến” yêu cầu học sinh phải nộp 2-10 bộ kit để trường test nhanh khi “có vấn đề”. Trong khi nguồn sản xuất test kit ở cả trong và ngoài nước đều khan hiếm. Từ đó dẫn đến loạn giá kít xét nghiệm. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế không dám mua trang thiết bị y tế, sản xuất test kit sau khi xảy ra nhiều vụ tiêu cực trong thời gian qua.

Vậy để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về ai thưa ông?

- Bộ Y tế phải đảm bảo đủ test kit tốt và giá cả hợp lý để phục vụ cho nhân dân. Bộ Tài chính bình ổn giá theo Nghị quyết 12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phải làm nhanh chóng. Nghị quyết có từ ngày 31/12/2021 mà đến giờ chưa ra được các văn bản để triển khai thực hiện là quá muộn. Nghị quyết 12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “mở hết” về các cơ chế đặc thù thì Chính phủ mà ở đây là Bộ Y tế phải cụ thể hóa để thực hiện.

Hiện có việc nhiều cơ sở y tế không được cấp bộ test kit mà yêu cầu người nghi nhiễm khi đến phải mang bộ test kit đến. Vừa qua Ủy ban Pháp luật đã bày tỏ lo ngại việc tập trung đông người đến trạm y tế để khai báo và lấy mẫu gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Theo ông cần khắc phục tình trạng trên như thế nào?

- Đây là vấn đề vô cùng nguy hiểm. Nó giống như quy định trước kia yêu cầu người dân ra đường phải có giấy đi đường. Lúc đó xảy ra tình trạng xếp hàng chờ xin giấy phép, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Bây giờ cần quy định rõ các cơ sở nào được phép xét nghiệm, hoặc người dân được tự làm xét nghiệm. Đây là cái cần quy định rõ chứ không phải người dân tự xét nghiệm xong lại đến trạm y tế để khai báo và xét nghiệm lại. Vì nguyên tắc xét nghiệm dương tính nếu là F0 thì phải ở nhà; chưa kể cho phép các cơ sở nào được phép xét nghiệm thì khi có kết quả sẽ thông báo qua tin nhắn điện thoại. Nó chính là “giấy mềm” chứ sao phải đến các trạm y tế xếp hàng xét nghiệm và chờ kết quả.

Việc Bộ Y tế đẩy mạnh cấp phép cho các cơ sở được quyền xét nghiệm thì họ sẽ mua sắm trang thiết bị y tế để test, phục vụ cho nhân dân. Họ sẽ tìm loại mới, loại rẻ. Cho nên cái gì cần thiết cần cho triển khai ngay. Chứ nếu chúng ta “đóng băng” thì trục lợi càng hoành hành.

Vậy theo ông cần những giải pháp nào để bình ổn giá?

- Các cấp, các ngành có liên quan cần phải vào cuộc nhanh chóng, dựa trên cơ sở Nghị quyết 12/2021 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Nếu chúng ta cứ “đóng băng” sao có đủ trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch. Khi các cơ quan chính thống càng “đóng băng” thì hiện tượng đầu cơ, trục lợi càng có đất để phát triển mạnh. Bây giờ có nhiều bộ test kit rất hay nhờ công nghệ mới. Tiện lợi là vậy nhưng một số cơ quan chức năng lại không dám phê duyệt mua sắm vì sợ không khéo lại xảy ra “chuyện nọ, chuyện kia”. Đây là cái cần tháo gỡ ngay.

Bên cạnh đó chúng ta phải hướng dẫn cho người dân về việc làm xét nghiệm, uống thuốc cũng phải đúng. Chứ không cần làm nhiều xét nghiệm, vừa lãng phí tiền của, vừa khiến tăng cầu các loại sản phẩm này. Có người 1 ngày xét nghiệm đến 3 lần. Cứ thấy vạch mờ là sau vài tiếng lại làm xét nghiệm lại xem vạch có mờ đi không. Như thế là tốn kém và lãng phí trong khi nguồn cung đang không đủ.

Ngay cả thuốc Molnupiravir uống cũng phải theo đơn của bác sĩ chứ không phải mua về uống bừa bãi. Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế trong thông tin, tuyên truyền để người dân biết và hiểu rõ. Tuyên truyền nhiều lần người dân sẽ hiểu và vận dụng cho đúng. Đồng thời, tăng cường năng lực y tế, trong đó đặc biệt phát huy khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại Nghị quyết 12/2021/UBTVQH, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Do đó, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng test kit.

(Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái)

H.Vũ