'Phép thử' cho sân khấu Việt

Minh Quân 28/02/2022 14:00

Mặc dù phải chịu ảnh hưởng của Covid-19, song sân khấu Việt thời gian qua đang ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của những người nghệ sĩ. Đây cũng được xem là “phép thử” để tạo ra những “cú hích” bứt phá cho ngành sân khấu nước nhà thời gian tới.

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ luyện tập vở nhạc kịch “Sóng”.

Dấu ấn đặc biệt

Nhằm ghi nhận những đóng góp của ngành sân khấu trong năm 2021, mới đây Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng cho các nghệ sĩ ở các lĩnh vực: Kịch bản văn học, vở diễn, giải cá nhân và lý luận phê bình. Mặc dù gặp phải vô vàn những khó khăn, thậm chí phải “đóng cửa” dài ngày nhưng sân khấu Việt cũng tạo ra rất nhiều điểm sáng đến từ các nghệ sĩ.

Đơn cử như ở lĩnh vực kịch bản văn học đã có 49 kịch bản tham gia gồm đủ các thể loại như: kịch nói, chèo, tuồng, cải lương ở các mảng đề tài lịch sử, dã sử, hiện đại, chiến tranh, phòng chống tham nhũng, cuộc sống đời thường... Trong đó, giải A đã được trao cho kịch bản “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai. NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam nhìn nhận, các kịch bản sáng tác trong năm qua khá đa dạng, mức độ thành công và đậm nhạt khác nhau. Trong đó có kịch bản đã đạt tới tầm chuyên nghiệp, đủ chất liệu dàn dựng, chỉ còn một vài hạn chế, vương nét nhạt nhoà, thô ráp… Nhưng nhìn chung các tác giả đã tìm tòi, sáng tạo giải mã các hiện tượng xã hội – lịch sử theo góc nhìn đa chiều, nhưng đều toát lên giá trị nhân văn. Trong đó, “Mưa đỏ” là tác phẩm nổi trội so với mặt bằng chung, có cấu trúc kịch bản chặt chẽ, đối thoại cô đọng, súc tích, chắt lọc, và quan trọng là mang tới cảm xúc chân thật cho người đọc về số phận và nỗi đau, sự mất mát của nhân vật.

Không chỉ giải quyết “vùng trũng” về thiếu kịch bản, sân khấu Việt cũng ghi nhận sự nỗ lực của các nhà hát khi đã ra mắt hàng loạt tác phẩm mới phục vụ công chúng. Nhiều vở diễn với sự tham gia của các đạo diễn giỏi, diễn viên tài năng đã thực sự tạo nên “tháp ngà, vạn hoa” của thánh đường sân khấu. Trong đó có thể kể đến “Làng song sinh”, “Làm vua”, “Truân chuyên dải yếm đào”, “Thiên mệnh”, “Nước mắt của mẹ”, “Tiếng gọi non sông”… Theo NSND Giang Mạnh Hà, mỗi vở diễn đều mang một sắc thái, một phong cách, dấu ấn riêng nhưng đều chung dòng chảy chủ lưu thời đại, quốc gia, dân chủ, tiến bộ… Có thể khẳng định, về mặt ý tưởng và xây dựng, khắc hoạ hình tượng nhân vật điển hình, chúng ta có quyền nhận định rằng các vở diễn đã dám dấn thân, dũng cảm, đột phá vào các vấn đề gai góc, nhạy cảm nhất của cuộc sống. Từ sự thành công của những ê kíp sáng tạo, chúng ta không thể không kể đến các đơn vị, nhà hát nghệ thuật hùng hậu có mặt trên chiều dài đất nước, mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng các đơn vị nghệ thuật vẫn quyết tâm dàn dựng thành công các vở diễn phục vụ công chúng. “Với thiên chức sáng tạo, chúng ta đã làm nên bức tranh toàn cảnh của đời sống sân khấu Việt Nam, trong muôn vàn khó khăn của cơn đại dịch” - NSND Giang Mạnh Hà nói.

Kỳ vọng những tác phẩm có tiếng vang

Với những giải thưởng vừa được trao, không thể phủ nhận sân khấu Việt trong năm qua dù không có được những tác phẩm “bom tấn” nhưng đã dần thoát ra khỏi “lối mòn” cố hữu. Dù nhiều thời điểm trong năm các nhà hát phải thực hiện việc giãn cách xã hội nhưng các nghệ sĩ luôn tranh thủ thời gian để luyện tập và khi được phép “mở cửa” lập tức công diễn phục vụ khán giả.

Sân khấu Lệ Ngọc đạt hiệu suất công diễn cao trong năm 2021.

NSND Lệ Ngọc - Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ, ngay cả khi sân khấu gần như “đóng băng” thì Lệ Ngọc vẫn hoạt động, vẫn âm thầm chuẩn bị để có thể trình diễn bất cứ khi nào dịch bệnh ổn định. Trong 2 năm qua, Lệ Ngọc vẫn liên tục cho ra đời những tác phẩm mới. Đó là sự nỗ lực của cả một ê kíp của với mong muốn cống hiến cho khán giả những tác phẩm hay, ấn tượng và có sức lan tỏa, nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay. “Nhiều người hỏi tôi sao liều thế, nhưng không phải là tôi liều. Chúng tôi xây dựng một vở kịch đều phải bỏ tiền túi ra, nên mỗi tác phẩm đều phải cân nhắc kỹ càng giữa nghệ thuật và nhu cầu của khán giả. Sau đó phải PR, quảng cáo, tiếp cận khán giả thì mới có người đến xem kín rạp như vậy…”

Cùng với những nỗ lực đã đạt được, sân khấu Việt trong những ngày đầu năm cũng đang có những bước “khởi động” mạnh mẽ trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đơn cử, Nhà hát Tuổi trẻ mới đây đã chính thức khởi động dự án nhạc kịch mang tên “Sóng - Song The Musical”. Đây là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với câu chuyện dựa trên cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Chúng tôi đã chính thức bắt tay xây dựng vở nhạc kịch “Sóng” từ năm 2021. Vở diễn là tập hợp của một ê kíp sản xuất cùng chung chí hướng, từng bước vượt qua nhiều thử thách để bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ đó. NSƯT Cao Ngọc Ánh cũng bày tỏ tin tưởng, mặc cho những yếu tố khách quan về các loại hình giải trí khác luôn thường trực, sự “đói” về nghệ thuật văn minh và bài bản, sự “khát” về một nghệ thuật đại diện cho tiếng nói thời cuộc đã, đang và sẽ luôn hiện hữu. Với dự án nhạc kịch “Sóng” lấy cảm hứng từ cuộc đời thi sĩ Xuân Quỳnh, ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ ấp ủ sáng tạo nên một vở nhạc kịch hoàn toàn “vị cộng đồng”, lấy khán giả làm trung tâm. Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. “Sân khấu vốn là ước lệ. Nghệ thuật vốn không có khuôn khổ. Nhưng sự kết nối với trái tim người xem luôn là thước đo chính xác quyết định thành công của vở diễn” - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói.

Có thể nói, với tác phẩm sân khấu đã và đang được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, sân khấu Việt đang kỳ vọng sẽ “thăng hoa” trong thời gian tới. Đây là những nỗ lực, cố gắng đáng ghi nhận của các đơn vị nghệ thuật ngay giữa đại dịch theo đúng chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ và Bộ VHTTDL.

Theo thông tin từ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đơn vị sẽ xây dựng Đề án và các hội thảo hướng tới những giải pháp chiến lược cho ngành sân khấu như: Xây dựng đề án tổ chức Cuộc thi đàn giỏi hát hay Tuồng; Dân ca; Chèo; Cải lương toàn quốc năm 2023; Xây dựng đề án tổ chức Liên hoan sân khấu xã hội hóa tại TP.Hồ Chí Minh năm 2023; Xây dựng đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu 2023-2030;… Hội cũng sẽ kỷ niệm “65 năm ngày thành lập Hội” (1957 - 2022) và Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 13, tổ chức Ngày hội sân khấu Việt Nam tại 3 điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Minh Quân