NSND Trần Hiếu: Người ‘khổng lồ’ ca hát

NGUYỄN QUANG LONG 09/03/2022 08:58

Với tôi, NSND Trần Hiếu là người khổng lồ trong nghệ thuật ca hát Việt Nam. Ông có những đóng góp không ngừng trong suốt cuộc đời hoạt động: từ biểu diễn đến việc khai sinh ra lối hát hài hước cho sân khấu ca nhạc mà ông khiêm tốn dí dỏm gọi là “thằng hề trên sâu khấu ca nhạc”, cho tới đóng góp trong lĩnh vực sư phạm với thành tựu lớn nhất là nhiều học trò của ông trở thành những giọng ca hàng đầu như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Tấn Minh, Trọng Tấn...

NSND Trần Hiếu.

Từ “Con voi”…

Thường thì trong ca hát, mỗi một nghệ sĩ sẽ có một thế mạnh riêng và lấy đó làm điểm tựa để đi trong suốt chặng đường hoạt động âm nhạc, cống hiến cho khán giả. Nhưng với NSND Trần Hiếu thì khác, ông là một nghệ sĩ đa năng. Ông thành công khi hát nhiều thể loại như Opera, nhạc cách mạng, nhạc trữ tình và thể hiện đa phong cách từ chính ca đến tình ca và đặc biệt phong cách dí dỏm hài hước thì NSND Trần Hiếu là số một trên sân khấu ca nhạc. Và thậm chí nếu nói không quá thì có thể coi ông là người khai sinh ra phong cách hài hước cho sân khấu ca nhạc Việt Nam thế kỷ XX.

Nhưng NSND Trần Hiếu với phong cách dí dỏm, ông chia sẻ về “bước ngoặt” quan trọng trong sự nghiệp ca hát của mình bằng cách ví von rất hài hước rằng đó là quá trình chuyển hóa từ “Trần Hiếu tây gỗ” sang làm “Thằng hề của sân khấu ca nhạc”. Tất cả được bắt đầu từ “Con voi”.

“Con voi” là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, năm 1957 nhạc sĩ đã đưa cho NSND Trần Hiếu bài hát ông đã viết trước đó 10 năm (năm 1947) nhưng chưa cho ra mắt với lời nhắn nhủ: “Cậu giọng trầm, thử sức xem sao”. Cầm bài hát trên tay, khá gọn gàng, chỉ vẻn vẹn một đoạn: “Con voi ì con voi/ Cái vòi ì đi trước/ Hai chân trước ì đi ờ trước/ Hai chân sau ì đi ờ sau/ Còn cái đuôi là đi ì sau u u... rốt/ Tôi xin kể nốt cái chuyện.../ Con voi ì con voi/ Cái vòi ì đi trước (vẫn đi trước!).

NSND Trần Hiếu chia sẻ ông thích cái chất nhạc của bài hát nhưng vì nó là đoạn nhạc kiểu đồng dao nên cứ hát hết lại quay lại như cũ hát mãi thì thấy nhàm trong khi bài hát chỉ có như vậy, đến mình còn không thể cười thì làm sao khi đưa lên sân khấu khán giả cười cho được.

Bế tắc trong cảm hứng thể hiện nhưng bài hát vẫn vấn vít trong đầu NSND Trần Hiếu. Một năm sau, năm 1958, trong dịp đến thăm thầy giáo cũ của mình - Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng - NSND Trần Hiếu hỏi thầy mình rằng bài đồng dao “Con vỏi con voi” chắc phải có ẩn ý gì. Thầy ngẫm nghĩ rồi cho rằng “các cụ ta chẳng bao giờ nói vớ nói vẩn đâu. Theo tôi có lẽ là ý muốn phê phán trật tự phong kiến”. NSND Trần Hiếu xem đây là một sự gợi ý quý giá, như chiếc chìa khóa mở ra lối thoát.

Ông nghĩ ngay trong đầu: Vua đi trước là cái vòi, quan lại triều đình cũng đi trước là hai chân trước, hai chân sau là quan lại địa phương, còn dân đen thì là cái đuôi đi sau rốt. Nếu vậy, “tôi xin kể nốt cái chuyện...” mà lại vẫn như cũ tức là ta chấp nhận trật tự đó, không thể được. Phải đảo tung lên, ngược lại: “Cái vòi đi sau, hai chân sau đi trước, hai chân trước thì lại đi sau. Còn cái đuôi?” Và nay ra ý hóm hỉnh: “Còn cái đuôi là đi, là đi... ơ ơ ơ... không biết đi đường nào”. Ông lý giải cho ý nghĩa của đoạn chế “cái đuôi” như vậy là vì “dân đen thì phải thoát ra khỏi cái trật tự khốn kiếp ấy nhưng chưa tìm ra lối thoát”.

Khi đã tìm ra cái duyên rồi lại sợ khán giả không hiểu hết được ý mình muốn truyền tải, trong khi một bài hát thì ngắn, cũng không thể trình bày hết các ý trong phần giới thiệu. NSND Trần Hiếu lại mất hơn một năm tiếp tục tìm tòi. Ông chia sẻ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận vốn khôi hài, một lần đi diễn phục vụ bộ đội cùng nhạc sĩ, hôm đó nhạc sĩ Đỗ Nhuận gợi ý ông thể hiện liên kết (kiểu như mashup của giới trẻ hiện nay) hai bài “Con voi” của Nguyễn Xuân Khoát với bài “Pháo ra trận” của Nguyễn Đình Thi và được khán giả đón nhận.

Thử thách làm sao để “Con voi” gắn với sự thể hiện theo phong cách hài hước qua phần thể hiện của Trần Hiếu đến với khán giả vẫn chưa hết. “Phải đưa “Con voi” trình diễn với nhiều đối tượng khán giả xem mình có duyên không đã”, NSND Trần Hiếu chia sẻ. Khán giả đầu tiên là mấy chú nhóc trẻ con ở nông thôn Quế Lâm (Hà Bắc cũ) khi NSND Trần Hiếu hát (năm 1960) “bọn trẻ lăn ra đất cười”.

Trẻ con cười là hồn nhiên, ông đánh giá, nhưng chúng không hiểu được ý nghĩa sâu kín mà ông muốn thể hiện. Ông lại tiếp tục đem bài hát ra phục vụ tổ đổi công rồi hội nghị hợp tác xã, rồi lại lên huyện phục vụ một buổi họp (cũng tại Hà Bắc cũ), khán giả nghe ai cũng phấn khởi nhưng không ai hiểu được ẩn ý cái đuôi và hiểu theo nghĩa khác cái đuôi đã trở thành khẩu pháo đánh Pháp, đánh Mỹ.

Và ông bằng lòng với cách hiểu như vậy chứ không phải do cách hát hay cách diễn gây nên tiếng cười cho khán giả. Bởi có lẽ theo NSND Trần Hiếu, dù là tiếng cười mang lại sự sảng khoái, thư giãn cho khán giả nhưng nó cũng phải là tiếng cười có ý nghĩa chứ không chỉ để vui.

Và dù chưa hiểu được ẩn ý sâu xa và hiểu theo nghĩa khác rất tích cực thì bài hát cũng đã chứa đựng sứ mệnh phục vụ đời sống của nó. Từ đấy “Con voi” luôn gắn liền với sự nghiệp ca hát của NSND Trần Hiếu, ông cũng phát triển thêm phong cách hài hước và thể hiện thành công thêm nhiều ca khúc ở phong cách này.

NSND Trần Hiếu và vợ.

…Đến đời thường

Câu chuyện được tôi kể ở trên đây là một phần nằm trong cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” (sắp ra mắt) mà NSND Trần Hiếu đúc kết từ trong suốt hành trình gắn với sự nghiệp ca hát của mình và thời gian ấm ủ, viết cuốn sách này lên tới khoảng chừng 30 năm.

Dù nó chỉ là một câu chuyện, một ca khúc cụ thể nhưng nó cho thấy sự lao động nghiêm túc, trăn trở với nghề, trân trọng khán giả biết chừng nào của một nghệ sĩ lão thành, một trong những cây đại thụ của nền nghệ thuật ca hát hiện đại Việt Nam.

Bản thân tôi, NSND Trần Hiếu có vị trí quan trọng bởi ông là người thầy âm nhạc đầu tiên khi tôi từ Bắc Giang ra Hà Nội và theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Trong con mắt của tôi ngày ấy, NSND Trần Hiếu không chỉ hát hay, không chỉ là một nhà sư phạm thanh nhạc tài ba, mà còn là một thầy giáo hiểu biết sâu rộng các khía cạnh trong âm nhạc cổ điển phương Tây, trong ca hát Việt Nam, không những thế, ông thông thạo vài ngoại ngữ.

Bên cạnh truyền đạt những kỹ thuật thanh nhạc, ông còn mở rộng rất nhiều dẫn chứng minh họa về âm nhạc phương Tây cho đến Việt Nam càng khiến chúng tôi xem thầy mình như một biểu tượng và lấy làm tấm gương phấn đấu trên con đường âm nhạc.

Nhưng khi tiếp cận cuốn sách, tôi không khỏi giật mình và thêm phần ngưỡng mộ vì NSND Trần Hiếu còn có một quá trình nghiên cứu một cách nghiêm túc nghệ thuật ca hát dân tộc, dành nhiều thời gian đi thực tiễn, trực tiếp gặp các nghệ nhân hàng đầu trong nhiều nghệ thuật ca hát khác nhau để đúc rút kinh nghiệm ca hát mới cho bản thân mình.

Nhiều nghệ nhân Tuồng cổ, nhiều bài xoan theo ngôn ngữ cổ, nhiều bài dân ca theo lối cổ, rồi cả Hò Đồng Tháp... mà tôi đã biết đến nhưng chưa được tiếp cận ca từ theo lối cổ như thế đã được nhắc tới trong cuốn sách như những minh họa đầy thuyết phục.

Vừa trong tâm thế kính trọng một người thầy, một nghệ sĩ lớn, lại vừa hàm ý chịu ơn dạy dỗ của thầy dù trong thời gian không dài vì sau đó tôi quyết định chọn ngã rẽ không theo ca hát chuyên nghiệp, vậy nên tôi quá vui khi nhận được lời nhắn thầy nhất định mời chúng tôi, những người học trò tới tư gia của thầy tại Hà Nội, để cùng nhau ăn bữa cơm tất nhiên hồi nửa cuối tháng 1/2022 tức là gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua.

Bữa cơm hôm đó, ngoài một người cháu ruột cùng hai người bạn của vợ chồng NSND Trần Hiếu, còn có thêm 3 học trò của thầy là danh ca Trọng Tấn, TS.NSND Quốc Hưng - đương kim Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam TS.NSND Quốc Hưng còn đi cùng vợ là nghệ sĩ đàn tỳ bà Thu Quyên, ngoài ra còn có ca sĩ-diễn viên Phan Hoàng. Chúng tôi khá bất ngờ, một bữa cơm thịnh soạn, với các món ăn đặc trưng hương vị Tết Hà Nội và kết hợp với một vài món Âu rất có phong cách.

Trong bữa ăn, thầy trò vui vẻ chia sẻ những chuyện xưa, chuyện nay. Vui nhất là vừa trải qua một vài biến động nhỏ khiến sức khỏe của NSND Trần Hiếu có phần bị ảnh hưởng hơn nhưng thầy đã gần như bình phục, “hôm nay thầy vui và nói chuyện nhiều hơn hẳn mọi khi”- cô Minh Ngà, “tổng đạo diễn” cũng là “bếp trưởng” của bữa ăn chia sẻ.

Thực ra không cần cô Minh Ngà nói chúng tôi cũng thấy ấm lòng cho thầy với sự đồng hành và chăm sóc của cô. Kể từ ngày trở lại sinh sống tại Hà Nội, NSND Trần Hiếu lại gắn bó với giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bên cạnh đó, hai thầy cô dành nhiều thời gian chăm nhau và duy trì thói quen cùng nhau đi dạo các địa điểm quen thuộc của Hà Nội, đặc biệt là Hồ Gươm. Mỗi lần như vậy thầy cô lại tự gọi taxi đi về. Những điều này giúp thầy khỏe mạnh hơn, yêu đời hơn.

Hơn năm vừa qua dịch bệnh ảnh hưởng nhiều, hạn chế đi lại nên việc đi cũng hạn chế hơn, khi nào có cơ hội đi để đảm bảo an toàn thì người cháu ruột lại bố trí xe đến đưa đón. Câu chuyện cứ thế kéo dài cho đến già nửa buổi chiều thì chúng tôi xin phép ra về. Và chắc chắn, mỗi người chúng tôi đều cảm thấy ấm lòng với sự quan tâm của người cháu, của học trò và đặc biệt mừng cho thầy khi có người bạn đời yêu thương, quan tâm, chăm sóc thầy hơn cả bản thân mình.

NGUYỄN QUANG LONG